Cập nhật: 10:43 GMT - thứ hai, 22 tháng 3, 2010
Việt Nam vừa lên tiếng yêu cầu Google Maps sửa bản đồ trực tuyến vì đã "mô tả sai lệch" đường biên giới đất liền Việt-Trung. Theo bản đồ mà Google cung cấp trên mạng internet, hàng nghìn cây số vuông đất thuộc Việt Nam lại nằm trong lãnh thổ Trung Quốc. Trước đó, dư luận ở Việt Nam cũng tỏ ra bức xúc trước việc Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ ghi chú quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc trên bản đồ của họ. Nói chuyện với BBC từ Hà Nội, Giáo sư - Tiến sỹ Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, nay là Chủ tịch Hội Trắc địa bản đồ viễn thám Việt Nam, nói đây là chủ đề gây quan tâm của người dân và chính quyền: GSTS Đặng Hùng Võ: Các ý kiến phản ánh của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, của người dân và cả của Chính phủ Việt Nam về hai bản đồ này, theo tôi là rất cần thiết và cũng hợp lý. Đây là chủ đề rất bức xúc ở Việt Nam, và cũng là tâm lý, tình cảm đối với dân tộc và đất nước. Trước hết chúng ta phải xem đây có phải là quan điểm của Chính phủ hay không? Nay chúng ta được biết, nó không phải là quan điểm chính thức của Chính phủ Hoa Kỳ. Vậy thì thể hiện đó là của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, như Google hay National Geographic. Câu chuyện lúc này do đó phụ thuộc quan hệ giữa các bên của Việt Nam và của Mỹ, cụ thể ở đây là Google và Hội Địa lý Quốc gia Mỹ. Nghe/xem bằng Real Player hoặc Windows Media Player Vậy thì lúc này là lúc thông qua con đường ngoại giao nhân dân, tức qua các tổ chức tương đương về nghề nghiệp của hai bên, các tổ chức nhân dân hai bên để cung cấp thông tin trung thực chính xác cho cộng đồng quốc tế. Hội Trắc địa bản đồ viễn thám Việt Nam đang chuẩn bị các tư liệu về quần đảo Hoàng Sa cũng như về đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc vốn đã được ký trong hiệp định giữa hai chính phủ để chuyển cho phía Mỹ. Chúng tôi sẽ hoàn tất trong tuần này và gửi cho Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ. BBC: Thưa ông, có suy luận rằng phía Trung Quốc đã cung cấp thông tin bản đồ cho các tổ chức trên? GSTS Đặng Hùng Võ: Về quần đảo Hoàng Sa, là nơi Trung Quốc đang nắm quyền quản lý, thì câu chuyện có thể khác. Nhưng còn về đường biên giới Việt - Trung thì tôi không tin là Trung Quốc đã cung cấp thông tin cho Google vẽ bản đồ như vậy. Đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã được hoạch định, đã được vạch trên bản đồ và đăng ký tọa độ cụ thể theo hệ tọa độ quốc tế WGF-84, nên nếu Trung Quốc có cung cấp thì chắc cũng phải theo các số liệu mà hai bên đã ký kết. BBC: Nhưng thưa ông, cho tới giờ này, dường như các chi tiết cụ thể của đường biên giới trên bộ mà hai nước đã hoàn thành việc cắm mốc hồi năm ngoái vẫn chưa được chuyển tới cho các tổ chức quốc tế có trách nhiệm. GSTS Đặng Hùng Võ: Vâng,tôi cho đây là một thiếu sót của các cơ quan quản lý dữ liệu đường biên giới, chưa kịp thời cung bố rộng rãi các thông tin về tọa độ. Có thể đây là lý do Google chưa cập nhật được thông tin chính thức, nên lấy thông tin đang được đưa ra thảo luận giữa hai chính phủ Việt Nam và Trung Quốc thời gian trước đây. Vậy thì lúc này là lúc Việt Nam cần công bố rộng rãi và công khai các thông tin chính thức cũng như các số liệu tọa độ của đường biên giới với Trung Quốc mà hai nước đã công nhận. BBC: Đó là cách giải quyết đối với bản đồ của Google, thế còn với bản đồ của Hội Địa lý Quốc gia Mỹ? Họ đã giải thích lý do chú thích như vậy là vì xích độ quá nhỏ để ghi lại tất cả các tuyên bố chủ quyền của các nước. Ông thấy cách giải thích đó ra sao ạ? National Geographic đã chọn cách thứ ba, kém trung lập hơn cả, là thể hiện địa danh theo nước đang nắm quản lý của quần đảo Hoàng Sa. Đối với các khu vực có tranh chấp giữa nhiều quốc gia thì có ba cách bị chú. Cách thứ nhất, trung lập nhất, là dùng tiếng Anh, ngôn ngữ phổ cập và được gần như toàn thế giới chấp nhận. Cách thứ hai, cũng khá trung lập, là ghi địa danh bằng tất cả các thứ tiếng của các nước đang tham gia tranh chấp chủ quyền và nói rõ đây là khu vực có tranh chấp. Thế nhưng National Geographic đã chọn cách thứ ba, kém trung lập hơn cả, là thể hiện địa danh theo nước đang nắm quản lý của quần đảo Hoàng Sa. Tôi cho rằng nếu không đứng về bên nào, thì phải chọn cách thể hiện trung lập hơn. Tôi cũng hy vọng, với các thông tin về quần đảo Hoàng Sa mà chúng tôi sẽ cung cấp cho các nhà chuyên môn bản đồ của Hội Địa lý Quốc gia Mỹ, họ sẽ thay đổi tư duy và chỉnh sửa cho trung lập hơn.
Posted by BBC on March 23, 2010 at 11:30:00:
|