Giải pháp Biển Đông: Trung Quốc cần bỏ yêu sách 9 đoạn Ngày 25/3 (giờ địa phương), phòng hội thảo tại ĐH Temple nóng rẫy với các thảo luận liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng nước liên quan và con đường để tìm kiếm một giải pháp hợp lý và công bằng cho xung đột đang được dư luận quan tâm này. Lo an ninh Chia sẻ nhận định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa “chỉ là một bước đi ban đầu để đến mục tiêu tham vọng hơn nhiều là kiểm soát toàn bộ Biển Đông Nam Á”, các học giả bày tỏ quan ngại về an ninh cho các quốc gia liên quan đến tranh chấp và cả khu vực. TS Ngô Vĩnh Long chỉ rõ chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc đang trở lại đằng sau những hoạt động triển khai trên khu vực biển Đông. Mới đây nhất, phản ứng trước việc Việt Nam và Malaysia trình đăng kí chung về thềm lục địa mở rộng lên LHQ, Trung Quốc lần đầu tiên chính thức công bố bản đồ thể hiện yêu sách đường ranh giới 9 đoạn hình chữ U tham vọng chiếm tới 80% diện tích Biển Đông và thiếu vắng các giải thích cụ thể. Trước đó, Trung Quốc đã tiến hành chính sách gặm nhấm từng bước với việc tính toán thời điểm kĩ lưỡng để tránh sự kháng cự hết sức có thể từ các nước liên quan. Nhiều quốc gia trong khu vực bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong lựa chọn chính sách ứng phó dưới sức ép trong nước và tính toán lợi ích trong đối ngoại.
Để có một giải pháp công bằng và hợp lý với các bên liên quan, TS Vũ Quang Việt cho rằng, “yêu cầu quan trọng nhất là Trung Quốc phải ngừng yêu sách chủ quyền đối với vùng nước và tài nguyên liên quan trong đường ranh giới 9 đoạn hình chữ U mà Trung Quốc đã tuyên bố”. “Không nghi ngờ gì khi bất kì tòa án quốc tế nào cũng sẽ từ chối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Và cũng không nghi ngờ gì khi việc áp đặt đòi hỏi chủ quyền với hơn 80% diện tích biển Đông Nam Á như vùng nội thủy của Trung Quốc sẽ chịu sự phản đối không chỉ từ các quốc gia ĐNA mà còn từ tất cả các cường quốc trên thế giới”, TS Vũ Quang Việt nhận định. Từ các tư liệu lịch sử sẵn có (của Trung Quốc và Việt Nam) và dựa trên luật pháp quốc tế, TS Vũ Quang Việt chỉ ra, Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền hợp pháp với hầu hết cụm đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa trong khi Việt Nam có thể tuyên bố chủ quyền rõ ràng đối với cụm đảo Hoàng Sa (Crescent) với những bằng chứng mạnh mẽ và thuyết phục hơn nhiều. Trong khi đó, với quần đảo Trường Sa, trước khi Pháp đến vùng đất này, đó vẫn hầu như chỉ là vùng đất không người ở. “Việt Nam có thể kế thừa hợp pháp tuyên bố của Pháp đối với quần đảo này. Tuy nhiên, việc này sẽ không bao giờ có thể đưa đến một giải pháp hòa bình cho xung đột ở quần đảo Trường Sa”. “Sẽ là công bằng và hợp lý hơn đối với tất cả các biên liên quan đến tranh chấp nếu gạt sang một bên các hệ lụy của thế kỉ của chủ nghĩa thực dân và đế quốc tại ĐNA”, TS Việt nhấn mạnh. Theo ông, các bên cần mở ra những cuộc đàm phán nhiều bên một cách hợp lý hoặc sự phân xử quốc tế dựa trên cơ sở thực tiễn hơn là những hành động mang đậm chủ nghĩa dân tộc. 3 bước để có một giải pháp công bằng, hợp lý Các học giả đề chia sẻ quan điểm rằng cần một giải pháp đa phương cho tranh chấp Biển Đông và nhất là cần sự tham gia của bên thứ ba, như Mỹ. Trong bài phân tích thuyết phục của mình, TS Vũ Quang Việt cũng đưa ra đề xuất 3 bước để có được giải pháp công bằng và hợp lý cho vấn đề biển ĐNA. Bước đầu tiên là đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc bản chất của kết cấu tự nhiên ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sađể xem liệu chúng nên được xác định là các đảo hay các đảo đá theo Công ước Quốc tế về Luật biển (mà chưa cần quyết định nước nào có quyền sở hữu các đảo nhỏ, rạn san hô, đảo san hô…) Trọng tài quốc tế hoặc một ủy ban quốc tế với các chuyên gia về Công ước Luật biển có thể hỗ trợ được trong việc này. Bước thứ hai là có một giai đoạn hòa hoãn (đồng nghĩa với việc không khai thác tài nguyên trong và xung quanh khu vực các quần đảo này) cho tới khi quyền sở hữu của các kết cấu tự nhiên này được xác định, đi liền với các vùng nước liền kề xung quanh các đảo và đảo đá phù thuộc vào thỏa thuận đạt được ở bước 1 về bản chất của các kết cấu liên quan. Một “đảo” được định nghĩa theo Công ước Luật biển sẽ được hưởng vùng đặc quyền kinh tế với diện tích hạn chế dành cho các đảo nhỏ, trên cơ sở tiền lệ phán quyết của tòa án công lý quốc tế. Các đảo đá không có vùng đặc quyền kinh tế. Bước thứ ba là giải quyết vấn đề chủ quyền đối với các đảo nhỏ, đảo đá… ở biển ĐNA. Trong đó, một giải pháp cho xung đột biển ĐNA ít nhất phải dựa trên cơ sở Công ước Luật biển quốc tế. Hiền Anh
|