Ranh giới thềm lục địa và các quốc gia quanh Biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Ranh giới thềm lục địa và các quốc gia quanh Biển Đông

    Tác giả: Việt Long - ĐHQG Hà Nội
    Bài đã được xuất bản.: 5 giờ trước

    Trong khi Việt Nam và Malaysia có quan điểm tách biệt vấn đề trình báo cáo RGNTLĐ ngoài 200 hải lý với vấn đề tranh chấp chủ quyền trên các đảo thì Trung Quốc và Philippin lại muốn gắn kết hai vấn đề.

    LTS: Biển Đông vẫn tiếp tục nóng lên với sự quan tâm ngày càng lớn hơn của cộng đồng quốc tế. Ngày 25/3/2010, một hội thảo quốc tế về chủ quyền Biển Đông được tổ chức tại Đại học Temple (Philadelphia, Mỹ) với sự tham gia của các học giả trong nước và quốc tế. Đây là hội thảo quốc tế thứ 3 về chủ đề này.

    Tuần Việt Nam giới thiệu bài phân tích của một học giả trong nước về ranh giới thềm lục địa (CLCS) của các quốc gia quanh Biển Đông sau khi các nước này đã trình hồ sơ về ranh giới thềm lục địa mở rộng hồi tháng 5/2009 như một tư liệu tham khảo.

    Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 UNCLOS đã có hiệu lực được 15 năm (1994-2009). Theo các điều khoản của UNCLOS, mỗi quốc gia ven biển có quyền có lãnh hải 12 hải lý, đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa.


    Điều 76, khoản 8 của UNCLOS quy định: "QGVB thông báo những thông tin về các ranh giới thềm lục địa của mình, khi thềm lục địa đó mở rộng quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, cho Uỷ ban ranh giới thềm lục địa được thành lập theo Phụ lục II, trên cơ sở sự đại diện công bằng về địa lý. Uỷ ban gửi cho các QGVB những kiến nghị về các vấn đề liên quan đến việc ấn định ranh giới ngoài thềm lục địa của họ. Các ranh giới do một quốc gia ven biển ấn định trên cơ sở các kiến nghị đó là dứt khoát và có tính chất bắt buộc".

    Thời hạn trình Uỷ ban ranh giới thềm lục địa CLCS là 10 năm kể từ ngày Công ước UNCLOS có hiệu lực với quốc gia thành viên (Phụ lục II, điều 4 UNCLOS). Tuy nhiên thời hạn cuối cùng đối với các quốc gia ven biển thành viên của Công ước đã được ấn định là 13 tháng 5 năm 2009 bằng Quyết định ngày 29 tháng 5 năm 2001 (SPLOS/72) được thông qua trong phiên họp lần thứ 11 của các quốc gia thành viên Công ước Lụât biển.

    Tới ngày đó các quốc gia phải lựa chọn một trong ba khả năng: 1) trình hồ sơ cuối cùng về ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng ra ngoài 200 M tính từ đường cơ sở cho CLCS. Một quốc gia có thể trình hồ sơ toàn thể hay một phần. Quốc gia có thể trình một hoặc nhiều hồ sơ từng phần thay cho một hồ sơ toàn thể cho cả vùng biển. Hai hay nhiều quốc gia có thể trình chung một hồ sơ theo Mục 4 Phụ lục I Quy định thủ tục của Uỷ ban CLCS.;

    2) Trình Tổng thư ký các thông tin ban đầu về ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng ra ngoài 200 M và bản mô tả tình hình chuẩn bị và ngày dự kiến trình hồ sơ phù hợp với các yêu cầu của điều 76 của Công ước và với Quy định thủ tục và hướng dẫn khoa học và kỹ thuật của Uỷ ban CLCS;

    3) Bảo lưu các quyền của mình về thềm lục địa bằng cách phản đối các hồ sơ đã được trình. Quốc gia nào không tiến hành bất kỳ hành động nào nói trên sẽ được coi là không quan tâm tới việc mỏ rộng thềm lục địa ra ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở của họ.

    Biển Đông được bao bọc bởi 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong số đó có Trung Quốc, Philippin, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam có khả năng xem xét vấn đề trình ranh giới ngoài thềm lục địa.

    Theo điều 76, khoản 8 của Công ước luật biển, các nước trên có thể có 3 lựa chọn sau:

    Trình hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa (RGNTLĐ) lên Uỷ ban ranh giới thềm lục địa (CLCS).

    Philippin, Malaysia, Indonesia và Việt Nam đã lựa chọn cách này từng phần.

    Ngày 16 tháng 6 năm 2008, Cộng hoà Indonesia trình CLCS, phù hợp với điều 76, khoản 8 của CULB, thông tin về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở quần đảo dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Indonesia ở Tây bắc quần đảo Sumatra. Indonesia đã chuẩn bị trình CLCS tổng hợp các số liệu đo sâu do Dự án số hoá quản lý tài nguyên biển (DMRM), ETOPO-2 cũng như các số liệu khảo sát địa chấn và độ dày trầm tích thu thập từ những năm 1999. Ranh giới ngoài thềm lục địa ở khu vực Tây Bắc Sumatra trong bản trình một phần này được xác định theo công thức 1% bề dày trầm tích (công thức Gardiner hoặc Irish). Theo Indonesia, khu vực này không phải là đối tượng tranh chấp giữa Indonesia với bất kỳ quốc gia nào. Indonesia cũng bảo lưu việc trình ranh giới ngoài thềm lục địa của Indonesia tại những khu vực khác trong tương lai.

    Ngày 8 tháng 4 năm 2009, Cộng hòa Philippin là quốc gia thứ hai trong khu vực trình báo cáo một phần cho CLCS. Ranh giới Thềm lục địa ngoài 200 M từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải trong khu vực Rãnh Benham. Khu vực này được giới hạn về phía Bắc và Đông bởi bồn Tây Philippin và về phía Tây và Nam bởi quần đảo Luzon. Philippin.cho rằng báo cáo với các số liệu của khu vực Rãnh Benham chạy dọc theo bờ Thái Bình Dương và hoàn toàn không ảnh hưởng đến phân định biển với các nước có bờ biển đối diện hay tiếp giáp. Ranh giới ngoài của mảng thềm lục địa thuộc khu vực Rãnh Benham được xác định hoàn toàn theo Điều 76, khoản 8 (a) (i). Các số liệu thuỷ đạc thu thập từ các chuyến khảo sát trong những năm 2004-2008.

    Tuy nhiên Philippin cũng bảo lưu quyền của mình được trình các báo cáo RGNTLĐ ngoài 200 hải lý cho các khu vực khác trong tương lai phù hợp Phụ lục I của Quy chế và thủ tục của CLCS. Khu vực phái Tây trong biển Đông có thể được coi là một trong những khu vực như vậy.

    Ngày 7 tháng 5 năm 2009, Malaysia và Việt Nam trình báo cáo chung về khu vực phía Nam Biển Đông. Khu vực xác định chung được giới hạn bởi điểm cắt của vòng cung bán kính 200 hải lý với ranh giới TLĐ Malaysia và Philippin. Ở phía Đông tại điểm A, điểm cắt của hai vòng cung bán kính 200 hải lý từ phía Malaysia về phía Tây Nam điểm A (điểm B và C), bởi đường biên giới theo Hiệp định thềm lục địa ký giữa Malaysia và Indonesia năm 1969 (điểm D và E), đường ranh giới theo Hiệp định ranh giới thềm lục địa Việt Nam-Indonesia năm 2003 về phía Tây Bắc (điểm F và G) và điểm giao của vòng cung từ ranh giới phía Việt Nam về phía Đông Bắc (điểm H và I). Khu vực xác định hoàn toàn nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở lãnh thổ lục địa của Malaysia và Việt Nam và nằm ngoài các ranh giới đã thoả thuận với các nước hữu quan. Đây là lý do hai nước khẳng định báo cáo chung không làm tổn hại các vấn đề liên quan đến phân định ranh giới giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc tiếp giáp. Theo các nguồn tin ngoại giao, có vẻ việc trình báo cáo chung Malaysia và Việt Nam đã được thông báo cho các nước liên quan trước ngày 6 tháng 5 năm 2009.

    Khu vực Bắc (VNM-N) do Việt Nam trình Báo cáo riêng ngày 8 tháng 5 năm 2009 nằm ở phía Đông Bắc Biển Đông. Việt Nam giữ quan điểm rằng nước này thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trong các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam phù hợp CULB 1982. Việt Nam đã ký CULB năm 1982 ngày 10 tháng 12 năm 1982 và phê chuẩn ngày 23 tháng 6 năm 1994. Căn cứ các điều khoản của CULB (điều 76, khoản 1,4,5 và 7) và đặc điểm tự nhiên của bờ biển và thềm lục địa của mình, Việt Nam giữ quan điểm có quyền thiết lập RGNTLĐ ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải CHXHCN Việt Nam.

    Theo khoản 3 Phụ lục I của Quy tắc thủ tục, Báo cáo xác định ranh giới ngoài của TLĐ khu vực Bắc (VNM-N) thuộc Việt Nam. Khu vực VNM-N được xác định và giới hạn về phía Bắc bởi đường cách đều giữa đường cơ sở lãnh hải Việt Nam và CHND Trung Hoa, ở phía Đông và phía Nam bởi ranh giới ngoài thềm lục địa đựơc xác định trong Báo cáo phù hợp với điều 76 (8) của CULB, về phía Tây bởi đường 200 hải lý tính từ đường cơ sở lãnh hải Việt Nam.

    Theo điều 76 (10) của CULB, điều 9 Phụ lục II của CULB, quy tắc 46 và Phụ lục I của Quy tắc thủ tục của CLCS, Việt Nam cho rằng khu vực thềm lục địa trong Báo cáo không chồng lấn và tranh chấp và không ảnh hưởng gì đến vấn đề phân định biển giữa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.

    Việt Nam xác định ranh giới ngoài thềm lục địa khu vực VNM-N theo cả hai phương pháp 1% bề dày trầm tích (công thức Gardiner) và chân dốc lục địa + 60 hải lý (công thức Hedberg). Báo cáo của Việt Nam được chuẩn bị trên cơ sở các số liệu khảo sát mới nhất năm 2007, 2008 và các số liệu đã được công bố bao gồm đo sâu, từ trường, trọng lực và địa chấn.

    Tóm lại, chỉ có Việt Nam và Malaysia có báo cáo trong Biển Đông. Indonesia và Philippin có báo cáo về các khu vực nằm ngoài và không liên quan trực tiếp Biển Đông. Tuy nhiên hai nước vẫn bảo lưu quyền có các báo cáo bộ phận về các khu vực khác nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở của mình.

    Các thông tin ban đầu về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý

    Brunei và Trung Quốc lựa chọn cách này.

    Ngày 11 tháng 5 năm 2009, CHND Trung Quốc trình các số liệu khảo sát ban đầu về ranh giới ngoài thềm lục địa cho CLCS. Tuy nhiên báo cáo này chỉ nêu yêu sách phần thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý sườn phía Tây của Máng Okinawa tại biển Hoa Đông chứ không phải trong biển Đông. Trong báo cáo Trung Quốc tuyên bố bảo lưu quyền đưa ra các yêu sách bổ sung về thềm lục địa mở rộng trong biển Hoa Đông và bất kỳ đâu. Trong biển Hoa Đông có các vùng chồng lấn yêu sách do Trung Quốc và Nhật Bản đưa ra theo CULB. Trung Quốc luôn yêu sách thềm lục địa phía ngoài Máng Okinawa trên cơ sở nguyên tắc kéo dài tự nhiên trong khi Nhật bản yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa qua đường trung tuyến biển Hoa Đông. Trung cho rằng đảo đá của Nhật chỉ nên có lãnh hải 12 hải lý trong khi Nhật giữ quan điểm các địa vật này cần có vùng biển rộng hơn lãnh hải 12 hải lý.

    Ngày 12 tháng 5 năm 2009, Brunei thông báo nước này đã có những cố gắng quan trọng trong việc chuẩn bị trình báo cáo toàn thể lên CLCS phù hợp với điều 76, khoản 8 của CULB. Brunei đã nghiên cứu và phân tích khối lượng lớn các số liệu liên quan đến thềm lục địa. Các số liệu này bao gồm các số liệu địa tầng, địa chất, địa vật lý và địa chấn. Tuy nhiên Brunei chỉ có thể nộp báo cáo toàn phần lên CLCS sau ngày 13 tháng 5 năm 2009. Báo cáo toàn phần của Brunei sẽ phù hợp với điều 76 của CULB là sự kéo dài tự nhiên từ lãnh thổ Brunei mở rộng qua các khu vực thềm Tây Bắc Borneo, Máng Tây Bắc Borneo và khu vực Vùng nguy hiểm (Trường Sa) tới tận rìa ngoài của đáy sâu đại dương thuộc Bồn biển Đông. Điều đó có nghĩa rằng báo cáo toàn phần của Brunei trình CLCS sẽ thể hiện rìa ngoài của lục địa nằm trong phần chuyển tiếp giữa Trường Sa và đáy sâu đại dương của Biển Đông, nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở lãnh hải Brunei.

    Với các thông tin ban đầu này, cả Trung Quốc và Brunei dường như đều thể hiện ý định sẽ ấn định ranh giới ngoài thềm lục địa ngoài 200 hải lý từ lãnh thổ của mình trên cơ sở nguyên tắc kéo dài tự nhiên. Thực tế hành động của Trung quốc xuất phát từ thái độ khác nhau đối với hai biển. Trong biển Hoa Đông, tranh chấp đảo Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc dường như không cản trở Bắc Kinh có một báo cáo toàn phần về thềm lục địa mở rộng trình CLCS. Ngược lại, trong Biển Đông, các tranh chấp yêu sách về các đảo với các bên hữu quan và "vùng biển truyền thống" là cơ sở cho việc Trung Quốc phản đối báo cáo chung Việt Nam-Malaysia và báo cáo riêng của Việt Nam tại vùng phía Bắc VNM-N lên CLCS. Philippin cũng chọn cách thứ ba này với những toan tính riêng.

    Phản đối của Trung Quốc và Philippin

    Ngày 8 tháng 5 năm 2009, Phái đoàn đại diện của CHND Trung Hoa tại Liên hợp quốc đã gửi công hàm tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc yêu cầu CLCS không xem xét báo cáo chung Việt Nam-Malaysia và sau đó là báo cáo riêng của Việt Nam. Trung Quốc cho rằng các báo cáo này đã làm tổn hại chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước và các đảo nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn (bản đồ kèm theo Công hàm). Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa đường đứt khúc ra tại Liên hợp quốc trong bối cảnh yêu sách phân định biển của Trung Quốc ở Biển Đông. Đã có một số bình luận về phản đối của Trung Quốc không dựa trên bất kỳ một tiêu chí khoa học nào của CULB về xác định ranh giới ngoài thềm lục địa. Nếu trong biển Hoa Đông, các tiêu chí khoa học của CULB được Trung Quốc sử dụng trong quan hệ đối với Nhật Bản thì trong Biển Đông, các tiêu chí này đã được thay bằng một đường đứt khúc mơ hồ và không chấp nhận được. Khía cạnh khoa học của việc xác định RGNTLĐ đã được Trung Quốc gắn với vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Hoàng Sa và Trường Sa. Trong biển Hoa Đông, báo cáo trình của Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc sẽ "thông qua thương lượng hoà bình, phân định thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hay tiếp giáp bằng các thoả thuận trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc công bằng". Tuy nhiên trong Biển Đông, Bắc Kinh lại giữ yên lặng về khả năng có đàm phán hoà bình.về vấn đề trên.

    Ngược lại với quan điểm của Trung Quốc, trong phản đối của Philippin đưa ra ngày 4 tháng 8 năm 2009 lại bảo lưu khả năng thảo luận. Trong Công hàm nói báo cáo chung Việt Nam - Malaysia đã đưa yêu sách lên vùng có tranh chấp vì nó chồng lấn lên các vùng thuộc Philippin. Philippin yêu cầu CLCS ngừng việc xem xét các báo cáo trên cho đến khi các bên có sự thảo luận và giải quyết tranh chấp giữa họ.

    Như vậy, trong cả hai phản đối, Trung Quốc và Philippin đều gắn vấn đề xác định khoa học ranh giới ngoài thềm lục địa với các tranh chấp lãnh thổ trên các đảo ở Biển Đông. Ngược lại Việt Nam và Malaysia trình báo cáo RGNTLĐ của mình không đề cập gì đến các đảo tranh chấp. Các tuyên bố này rất rõ ràng. Đây là hai vấn đề khác biệt. Báo cáo chung của Việt Nam và Malaysia xác định RGNTLĐ bên ngoài 200 hải lý là sự giải thích hợp pháp về việc thi hành các nghĩa vụ của quốc gia ven biển với CULB 1982, phù hợp với các điều khoản của CULB cũng như Quy tắc thủ tục của CLCS.

    Trong Công hàm HA 24/09 ngày 20 tháng 5 năm 2009, Phái đoàn đại diện của Malaysia tại Liên hợp quốc khẳng định rằng báo cáo chung không làm tổn hại tới vấn đề phân định thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hay tiếp giáp, phù hợp với điều 76 (10) của CULB 1982, điều 9 của Phụ lục II của CULB, điều 46 và các khoản 1,2 và 5 của Phụ lục I Quy tắc thủ tục của CLCS. Công hàm cũng khẳng định lại báo cáo chung không ảnh hưởng đến lập trường các quốc gia có tranh chấp đất liền và biển theo khoản 5 (b) Phụ lục I của Quy tắc thủ tục của CLCS. Hai quốc gia đã mời các bên liên quan đàm phán hoà bình để giải quyết tất cả các vấn đề nảy sinh trong Biển Đông



    Posted by Vietnamnet on March 29, 2010 at 00:25:53:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]