Chưa có quyết định về ngư dân Việt Nam

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Cập nhật: 11:21 GMT - thứ ba, 30 tháng 3, 2010
    Chưa có quyết định về ngư dân Việt Nam

    Vùng biển quanh Hoàng Sa là ngư trường lớn
    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa lên tiếng "yêu cầu" phía Trung Quốc thả tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị bắt đòi tiền chuộc khi hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa hồi tuần trước.

    Tàu của ông Tiêu Viết Là, thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, trên có 12 thuyền viên, bị bắt hôm 22/03.

    Hiện những người này bị giữ trên đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm giữ hoàn toàn từ năm 1974.

    Chúng tôi đã liên lạc với những người bắt giữ các ngư dân Việt Nam để hỏi thêm chi tiết và nói chuyện được với một vị đại diện, ông Vương:

    BBC: Thân nhân các ngư phủ Việt Nam nói rằng các ông đã gọi điện cho họ và đòi tiền chuộc. Nhưng họ không nghe được hết các câu nói của các ông. Ông có thể cho biết rõ hơn không ạ?

    Ông Vương: Đây không phải chuyện tiền chuộc hay không. Chúng tôi muốn nói rằng, các ngư dân Việt Nam đã xâm phạm vùng biển của Trung Quốc và chúng tôi bắt giữ họ theo quy định của luật pháp Trung Quốc. Họ đã đánh bắt cá trong vùng biển của chúng tôi.

    Hiện chúng tôi đang điều tra để làm rõ câu chuyện và sẽ sớm ra quyết định thể theo luật pháp của nước chúng tôi.

    BBC: Tức là chưa có chi tiết gì về khoản tiền chuộc phải không thưa ông? Nếu trả tiền chuộc thì họ có được tự do ngay không?

    Vừa rồi có mấy người bị cảm cúm. Chúng tôi đã cấp thuốc và họ đỡ rồi. Họ đã khỏe lại cả.
    Đại diện phía Trung Quốc
    Ông Vương: Chúng tôi đang xem xét việc này. Chúng ta cần phải chờ quyết định vì mọi thứ cần phải tuân theo quy trình thủ tục. Họ vi phạm lãnh hải CHND Trung Hoa, đánh bắt trộm, xâm phạm nghiêm trọng nguồn lợi hải sản của chúng tôi. Để ra quyết định thì chúng tôi cần có đầy đủ chứng cứ.

    BBC: Thưa ông tình hình của họ ra sao?

    Ông Vương: Rất tốt, họ được chăm sóc rất đầy đủ. Họ đang ở đất Trung Quốc mà, nên không bị ngược đãi gì đâu.

    Chúng tôi cho họ chỗ tạm trú, thức ăn, nước uống, tất cả mọi vật dụng cần thiết. Theo đúng quy tắc nhân đạo, khi họ ốm chúng tôi cũng chăm sóc y tế cho họ đầy đủ.

    BBC: Tức có việc họ bị bệnh hay sao, thưa ông?

    Ông Vương: Nay thì không, nhưng vừa rồi có mấy người bị cảm cúm. Chúng tôi đã cấp thuốc và họ đỡ rồi. Họ đã khỏe lại cả.

    BBC: Họ bị giam giữ ở đâu?

    Ông Vương: Không phải ở trung tâm thị trấn này, mà ở bên ngoài.

    BBC: Thưa, ông là người chịu trách nhiệm về số ngư dân này?

    Ông Vương: Không, tôi đại diện cho những người đang làm việc về trường hợp này. Tôi là dân địa phương, từ nơi các thuyền viên Việt Nam bị bắt nên tham gia vào vụ việc.

    Hiện chúng tôi đang làm hồ sơ để chuyển lên cơ quan chức năng Bộ hải sản để ra quyết định cuối cùng. Khi có phương hướng giải quyết, đích thân tôi sẽ gọi điện báo cho gia đình các ngư dân Việt Nam biết.

    Ngư trường lớn

    Các ngư dân bị bắt

    Tiêu Viết Là

    Tiêu Viết Lành

    Tiêu Viết Vấn

    Nguyễn Văn Đưa

    Nguyễn Đức Chung

    Nguyễn Văn Thoại

    Phạm Vĩnh

    Nguyễn Văn Say

    Võ Thanh Tra

    Huỳnh Văn Hòa

    Võ Tấn Hùng

    Dương Minh Tình
    Các vụ bắt giữ ngư dân đã diễn ra nhiều lần với tổng số hàng chục người bị Trung Quốc bắt trong năm qua.

    Các vụ như thế này sẽ còn tiếp diễn vì vùng biển quanh Hoàng Sa là ngư trường lớn, được ngư dân Việt Nam thường tới đánh bắt, như nhận định của ông Võ Thiên Lăng, phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, đại diện ở miền Trung.

    "Tại đây nguồn lợi thủy sản khá tốt, mùa vừa rồi ngư dân Lý Sơn đánh cá, tôm ở đây sản lượng rất tốt.
    Bởi vậy ngư dân Việt Nam cứ bám biển mà đánh bắt thôi."

    "Lại thêm, đảo Phú Lâm là một vịnh kín, khi sóng to gió lớn ngư dân thường về neo đậu tránh bão từ xưa tới nay."

    Theo ông Lăng, việc cử hải quân tháp tùng thuyền đánh cá thì không thể thực hiện được, nhưng khi "ngư dân Việt Nam đang khai thác mà tàu nước khác tới tranh chiếm, gây sự, thì chắc chắn các lực lượng biên phòng phải can thiệp bảo vệ ngư dân rồi".

    Về việc Trung Quốc đòi tiền chuộc sau khi bắt giữ ngư dân, ông Võ Thiên Lăng cho biết: "Chúng tôi đã có công văn phản đối kịch liệt việc Trung Quốc đòi tiền chuộc, tuy nhiên đây là quan điểm chính thức, còn thực tế thì chưa có tác dụng gì lắm. Ngư dân nhiều khi quá lo sợ đã tự nộp tiền".

    Ông Lăng cũng nhận định: "Quan điểm của Việt Nam là Hoàng Sa là của Việt Nam và Trung Quốc cũng khẳng định là của họ vậy nên tranh chấp này chắc còn tiếp diễn dài dài".




    Posted by BBC on March 30, 2010 at 20:07:01:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]