Hội Địa lý Mỹ chính thức sửa chú thích về Hoàng Sa

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Hội Địa lý Mỹ chính thức sửa chú thích về Hoàng Sa
    Cập nhật lúc 01:01, Thứ Sáu, 02/04/2010 (GMT+7)
    ,
    - Một tuần sau khi ra quyết định, quy tắc mới về việc chú thích đối với quần đảo Hoàng Sa trên các bản đồ do Hội Địa lý Mỹ phát hành đã được bước đầu chính thức áp dụng với phiên bản điện tử, trước hết ở bản đồ thế giới.

    Ngày 25/3, sau cuộc họp của Ủy ban Chính sách bản đồ, Hội Địa lý quốc gia Mỹ đã ra quyết định điều chỉnh việc ghi chú bản đồ đối với quần đảo Hoàng Sa.

    Việc ghi chú sẽ tuân theo quy ước: Với các bản đồ thế giới tỉ lệ xích nhỏ: sử dụng tên gọi quy ước "Paracel Islands" và bỏ thông tin về chủ quyền.

    Với các bản đồ khu vực, các châu lục và bản đồ từng phần có tỉ lệ xích lớn hơn, sẽ sử dụng tên gọi quy ước Paracel Islands, mở rộng thông tin về chủ quyền cụ thể hơn: Chiếm đóng (occupied) bởi Trung Quốc năm 1974, với tên gọi Xisha (Tây Sa), tuyên bố chủ quyền bởi Việt Nam với tên Hoàng Sa.


    Phần chú thích về quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ thế giới của Hội Địa lý Mỹ gây bức xúc trong dư luận Việt Nam. Ảnh chụp ngày 18/3

    Quyết định này được đưa ra sau nhiều thảo luận của Hội trước phản ứng của dư luận và Chính phủ Việt Nam liên quan đến việc chú thích về quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ do Hội này phát hành. Trong các bản đồ đó, quần đảo Hoàng Sa được ghi là Xisha Qundao và đính kèm chữ "China", ngầm hiểu là thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

    Phía Việt Nam cho rằng đây là "việc làm sai trái vi phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa".

    Trong thông cáo báo chí đầu tiên phát đi hôm 18/3, Hội cũng thừa nhận, "chỉ đơn giản sử dụng cái tên Trung Quốc kèm với chữ "China" để phụ chú mà không có sự giải thích thêm nào có thể dẫn tới việc hiểu sai và diễn dịch sai".

    Theo quy tắc chú thích mới, tên gọi chính thức của quần đảo Hoàng Sa sẽ không phải là Xisha Qundao (Paracels Is.) mà là tên gọi quốc tế Paracel Islands và thông tin về chủ quyền sẽ được gỡ bỏ trên bản đồ thế giới.

    Với các bản đồ khu vực và quốc gia, thông tin về chủ quyền được điều chỉnh, thay cụm từ "do Trung Quốc quản lý" bằng cụm từ "do Trung Quốc chiếm đóng" và bổ sung thông tin cụ thể hơn về thời điểm: năm 1974.

    Hội Địa lý quốc gia Mỹ cũng cho hay, "những quy ước ghi chú này cũng sẽ được áp dụng với bản in các bản đồ tương lai của Hội Địa lý quốc gia Mỹ và sẽ được thể hiện trên bản đồ điện tử trong thời gian sắp tới".

    Đúng như cam kết, 4 ngày sau khi có quyết định, ngày 28/3 (giờ Mỹ), khi mở bản đồ trên website của Hội Địa lý Quốc gia Mỹ, điều dễ nhận thấy là chú thích về quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ thế giới đã có những điều chỉnh đầu tiên, bắt đầu bằng việc áp dụng tên gọi quy ước Paracel Island thay cho Xisha Qundao (Paracel Is.). Thời điểm đó, chữ "China" vẫn còn tồn tại trên bản đồ.

    Và đúng một tuần sau quyết định, chữ "China" màu đỏ gây bức xúc trong dư luận Việt Nam đã được gỡ bỏ khỏi phần chú thích về quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ thế giới.



    Chú thích về quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ thế giới của Hội Địa lý Mỹ đã được chỉnh sửa theo quy tắc đưa ra hôm 25/3: sử dụng tên quy ước Paracel Islands và xóa chữ "China". Ảnh chụp trên trang natgeomaps.com

    Theo Hội Địa lý Quốc gia Mỹ, "những thay đổi hoặc làm rõ về bản đồ của Hội này cũng như chỉnh sửa bất kỳ lỗi nào" đều là "phán quyết độc lập", "dựa trên các thông tin và nghiên cứu tốt nhất sẵn có".

    "Chúng tôi luôn cố gắng giữ lập trường phi chính trị, tham mưu ý kiến của các nguồn có thẩm quyền từ nhiều bên, và đi đến quyết định độc lập dựa trên các nghiên cứu mở rộng", Hội Địa lý Mỹ viết trong thông cáo báo chí đầu tiên phát ra.

    Mục tiêu của Hội Địa lý Mỹ là "theo đuổi chính sách mô tả hiện trạng (de facto policy), có nghĩa là, để miêu tả cho mọi người đọc hoặc người xem có thể tiếp nhận được một cách tốt nhất sự đánh giá của chúng tôi về hiện trạng của một vấn đề".

    Với mục tiêu đó, và các nguyên tắc chú thích bản đồ đã được đưa ra, Hội Địa lý Mỹ đã nhanh chóng "sửa sai" với chú thích trên bản đồ thế giới. Thế nhưng, bản đồ có tỉ lệ xích lớn hơn vẫn chưa có dấu hiệu điều chỉnh.

    Hi vọng, nguyên tắc chú thích đối với quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ có tỉ lệ xích lớn hơn, như bản đồ lục địa, bản đồ khu vực, quốc gia... sẽ sớm được áp dụng trên thực tế, giúp người đọc người xem nắm được hiện trạng như nó vốn có.

    Trong khi đó, việc sai sót về bản đồ Việt Nam ở khu vực biên giới Việt - Trung trên Google Maps, đẩy hàng nghìn kilômét vuông của Việt Nam sang lãnh thổ Trung Quốc, vẫn đang trong giai đoạn xem xét. "Sẽ mất thời gian", bà Kate Hurowitz, người phát ngôn của Google Maps và Google Earth cho VietNamNet hay hôm 31/3. "Có thể sẽ là vài tuần, nếu không nói là lâu hơn để có kết quả cuối cùng".

    Phương Loan


    Posted by Vietnamnet on April 02, 2010 at 07:07:42:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]