Cập nhật: 07:50 GMT - thứ hai, 5 tháng 4, 2010
Chính phủ Việt Nam vừa ra nghị định mới nhằm siết chặt quản lý hoạt động của tàu cá nước ngoài trong các vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả các vùng đang tranh chấp. Nghị định số 32/2010/NĐ-CP ra ngày 30/03/2010 về Quản lý hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam ghi rõ: "Tàu cá nước ngoài chỉ được hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam khi có Giấy phép hoạt động thủy sản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp". Vùng biển Việt Nam, theo văn bản này, là "các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước CHXHCN Việt Nam", được quy định theo Luật Biên giới Quốc gia 2003 và theo Điều ước Quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Điều đó có nghĩa, tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong các vùng biển như tại Hoàng Sa, Trường Sa mà Việt Nam coi là của mình, mà không có giấy phép của Việt Nam sẽ là phạm luật. Chưa rõ điều này có dẫn tới đối đầu giữa các tàu đánh cá của nước ngoài, nhất là Trung Quốc, vẫn hoạt động tự do trong các vùng biển mà Trung Quốc cũng nọ́i là của mình, và giới chức trách Việt Nam hay không. Nghị định mới cũng đòi hỏi tàu cá nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam "phải tuân thủ quy định của Nghị định này và các quy định khác có liên quan của Việt Nam". Văn bản mới ra tương đương các văn bản hiện hành của một số nước trong khu vực, vốn đã được áp dụng để bắt giữ và phạt tiền tàu cá của Việt Nam mỗi khi ngư dân Việt Nam vào đánh bắt. Trung Quốc còn có lệnh cấm đánh bắt hàng năm tại các vùng biển mà Trung Quốc nhận chủ quyền. Năm ngoái lực lượng ngư chính nước này bắt giữ hàng chục thuyền cá của Việt Nam. Vùng biển Việt Nam là các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước CHXHCN Việt Nam, được quy định theo Luật Biên giới Quốc gia 2003 và theo Điều ước Quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Lực lượng biên phòng cho hay tàu cá Trung Quốc với số lượng lớn liên tục xâm nhập lãnh hải Việt Nam, từ cuối tháng 1 tới tháng 2 cơ quan chức năng phát hiện tới 130 tàu cá Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam. Có lúc, tàu Trung Quốc vào sâu chỉ cách bờ biển Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế khoảng 45 hải lý. Siết giấy phép Giấy phép hoạt động thủy sản của Việt Nam được cấp cho tàu cá theo từng trường hợp một sau khi chủ tàu làm đơn xin. Thời hạn của Giấy phép "không quá 12 tháng đối với hoạt động khai thác thủy sản và không quá 24 tháng đối với các hoạt động thủy sản khác". Nghị định 32/2010/NĐ-CP viết Giấy phép được gia hạn không quá 3 lần, thời gian gia hạn mỗi lần không quá 12 tháng. Giấy phép đầu tư do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi, dựa trên bảy điều kiện như tàu cá nước ngoài có tham gia các dự án hợp tác với Việt Nam, có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, có danh sách thuyền viên đầy đủ và có ít nhất một người thông thạo tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Tuy nhiên, dù đã có khung luật định, việc thực hiện còn nhiều khó khăn do lực lượng tuần ngư của Việt Nam còn mỏng và yếu. Nước láng giềng Trung Quốc, ngược lại, gần đây đã củng cố hoạt động tuần tra ngư chính của họ. Hôm 01/04, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã điều hai tàu khá hiện đại đi tuần tra tại khu vực quần đảo Trường Sa.
|