Hà Nội để mắt tới quân bài Asean trên biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Hà Nội để mắt tới quân bài Asean trên biển Đông

    Ngọc Thu, thông tín viên RFA
    2010-04-05
    Lo sợ việc tranh chấp trên Biển Đông, Việt Nam sẽ ra sức đánh đổ một chiến thắng ngoại giao của Trung Quốc về việc Bắc Kinh đưa vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của Asean.


    AFP PHOTO

    Ảnh chụp trước Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình hôm 05-04-2010, nơi sẽ diễn ra Hội nghị Asean 16 trong vài ngày tới.


    Chủ tịch Asean

    Là nước đang chủ trì hội nghị tổ chức hai lần hàng năm, tập hợp 10 nhà lãnh đạo Đông Nam Á, Hà Nội đang tiến tới hành động bắt đầu các cuộc đàm phán về sự cần thiết cho một quy tắc ứng xử ràng buộc pháp lý giữa Asean và Trung Quốc trên Biển Đông.

    Việc đẩy mạnh này xảy ra sau một tuần ăn miếng trả miếng giữa hai kẻ thù cũ mà kết thúc qua việc Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đi tới một hòn đảo đang tranh chấp để nói các sĩ quan hải quân Việt Nam chuẩn bị để “chiến đấu cho chủ quyền của tổ quốc trong bất kỳ tình huống nào”.


    Sẽ là một trận chiến khó khăn cho Việt Nam. Trung Quốc đã rất khôn ngoan, làm cho từng nước Asean suy nghĩ trước về mối quan hệ riêng của mình với Bắc Kinh.

    Nhà Ngoại giao Asean

    Năm ngoái, Bắc Kinh đã thành công trong việc cản trở các bước đi tương tự, nhấn mạnh cả chung lẫn riêng từng nước rằng, tranh chấp phải được giải quyết song phương giữa Trung Quốc và từng nước đang tranh chấp riêng lẻ hơn là “những cuộc tranh cãi” ở Hiệp hội các nước Đông Nam Á - một hành động mà các nhà phân tích cho rằng để củng cố vị trí của Bắc Kinh một cách có hiệu quả, cho thấy sức mạnh quân sự và kinh tế đang lên.

    Tuy nhiên, Hà Nội cho thấy đang ở trong tâm trạng không thể bỏ qua và muốn sử dụng đầy đủ tư cách Chủ tịch ASEAN trong năm để đưa vấn đề trở lại chương trình nghị sự.

    Các nhà lãnh đạo Asean sẽ có mặt tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong năm tại Hà Nội bắt đầu từ thứ tư.

    Tuần trước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Quang Vinh, nói rằng “tất cả mọi thứ và bất cứ điều gì liên quan đến an ninh khu vực” sẽ được thảo luận trong hội nghị. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng liệu sự cần thiết về quy tắc ứng xử sẽ đưa ra trong bất kỳ thông cáo chung cuối cùng nào, có tùy thuộc vào “tham vấn và đối thoại” với Trung Quốc hay không.


    Các công tác chuẩn bị cho Hội nghị Asean 16 đang hoàn thành, ảnh chụp hôm 05-04-2010. AFP PHOTO.
    Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về Biển Đông, được xem như một bước đầu quan trọng trong việc giảm căng thẳng và tạo ra một khuôn khổ cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Kêu gọi kiềm chế và bảo vệ quyền tự do hàng hải trong các tuyến đường vận chuyển quan trọng, tuyên bố cũng kêu gọi đàm phán để đưa ra một quy tắc ứng xử ràng buộc pháp lý.

    Nhiều nhà phân tích xem tuyên bố đó có hiệu lực như một “tờ giấy lộn”, khi căng thẳng ngày càng tệ hơn và sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của một số nước, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam cũng như Hoa Kỳ.

    Trận chiến khó khăn

    Năm ngoái, Trung Quốc chính thức hóa việc đòi chủ quyền lịch sử của mình trên hầu hết khu vực, nơi có các tuyến đường biển quan trọng nhất và các mỏ khí đốt trong vùng. Trung Quốc cũng đã gây sức ép lên Hoa Kỳ và các công ty dầu khí quốc tế rút khỏi các hợp đồng thăm dò dầu khí với Việt Nam. Trung Quốc và Việt Nam đòi chủ quyền trên hầu hết quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi Philippines, Malaysia và Brunei đòi chủ quyền một phần trên quần đảo Trường Sa.

    Một nhà ngoại giao kỳ cựu trong khu vực nói: “Sẽ là một trận chiến khó khăn cho Việt Nam. Trung Quốc đã rất khôn ngoan, làm cho từng nước Asean suy nghĩ trước về mối quan hệ riêng của mình với Bắc Kinh”.


    Chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ ai xâm phạm lãnh thổ của chúng tôi, biển và hải đảo của chúng tôi.

    Ô. Nguyễn Minh Triết

    Căng thẳng đã được thấy rõ chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh. Hôm thứ ba Hà Nội thông báo rằng họ đã chính thức phản đối Bắc Kinh về việc hải quân tuần tra Trung Quốc bắt giữ một tàu đánh cá Việt Nam hôm 22 tháng 3 ở gần quần đảo Hoàng Sa.

    Nhưng hôm thứ năm, Trung Quốc thông báo đã điều hai tàu thuộc Hội Quản lý Nghề cá để tuần tra quần đảo Trường Sa, Trung Quốc gọi là Nam Sa. Các tàu này là một trong những tàu lớn nhất và nhanh nhất trong hội quản lý tàu đánh cá, có thể tuần tra tới 50 ngày.

    Trong khi Trung Quốc chiếm toàn bộ Hoàng Sa, dùng vũ lực đánh lực lượng Việt Nam ra khỏi cách đây 35 năm, quần đảo Trường Sa do Việt Nam kiểm soát, đã xây các căn cứ quân sự trên hơn 20 rạn san hô và các đảo nhỏ.

    Hôm thứ sáu, ông Nguyễn Minh Triết đã tổ chức một chuyến viếng thăm hiếm hoi tới một căn cứ hải quân Việt Nam trên hòn đảo đang tranh chấp Bạch Long Vĩ giữa miền Bắc Việt Nam và đảo Hải Nam, theo truyền thông nhà nước Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Triết nói: “Chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ ai xâm phạm lãnh thổ của chúng tôi, biển và hải đảo của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không nhân nhượng, cho dù một tấc đất cho bất cứ ai.”

    (Source: Hanoi eyes Asean card on South China Sea/ Greg Torode, South China Morning Post, April 04, 2010)




    Posted by RFA on April 05, 2010 at 20:27:51:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]