VN tìm đồng thuận Asean về Biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Cập nhật: 07:34 GMT - thứ sáu, 9 tháng 4, 2010
    VN tìm đồng thuận Asean về Biển Đông

    Hồng Nga

    viết từ Hà Nội


    Như trông đợi, tại hội nghị cấp cao khu vực, các nước Asean chỉ bày tỏ "tin tưởng" rằng các bên liên quan sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì an ninh, ổn định tại Biển Đông chứ không đưa ra được văn bản thỏa thuận nào.


    Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Asean 16 khi nhắc tới chủ đề nhạy cảm này viết: "Giao cho các Bộ trưởng và các quan chức cấp cao liên quan tăng cường sử dụng các cơ chế và công cụ hiện có của Asean như... Tuyên bố của các bên về Ứng xử ở Biển Đông (DOC)".

    Trả lời câu hỏi của BBC, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói Asean "tin tưởng rằng với thiện chí của các bên và vì lợi ích chung của khu vực, các bên liên quan sẽ tiếp tục tuân thủ và thực hiện tốt DOC cũng như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982".

    Ông Dũng nói: "Vấn đề duy trì hòa bình, ổn định và an ninh Biển Đông là lợi ích chung và là quan tâm lớn của các nước Asean cũng như các nước trong cả khu vực".

    "Các quan chức Asean và Trung Quốc đã thống nhất sẽ sớm nhóm họp để bàn biện pháp thúc đẩy triển khai thực hiện DOC."

    Trước hội nghị, quan chức Việt Nam bày tỏ hy vọng có thể thúc đẩy tuyên bố DOC, ký năm 2002 và vốn không có tính ràng buộc pháp lý, thành một bộ Quy tắc ứng xử (COC) chặt chẽ hơn.

    Nay với tuyên bố của chủ tịch hội nghị, xem ra các nước Asean chỉ dừng lại ở việc tiếp tục phấn đấu thực thi DOC, mà nhiều người đánh giá là không có hiệu quả.

    Đi tìm đồng thuận

    Thực ra giới quan tâm tới chủ đề Biển Đông cũng đã nhìn thấy trước kết quả này.

    Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia Việt Nam kỳ cựu tại Học viện Quốc phòng Úc châu, nói với BBC: "Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông không thể giải quyết một cách chóng vánh được".

    "Điều mà Việt Nam có thể hy vọng nhất, là đạt được đồng thuận của các nước Asean về cách thức đối phó với một nước Trung Quốc ngày càng mạnh bạo, làm sao để ngăn ngừa Trung Quốc đưa ra các hành động đơn phương (tại Biển Đông)."

    Ông Thayer nói: "Quá khứ đã cho thấy, khi nào Asean đoàn kết và cứng rắn thì Trung Quốc sẽ phản ứng bằng cách có hành động tích cực đối với quan ngại của Asean."

    "Ngược lại, khi Asean đánh mất trọng tâm thì Trung Quốc sẽ ngay lập tức lợi dụng. Như trường hợp của Philippines, khi Trung Quốc chiếm đảo Vành khăn (Mischief Reef) từ tay Manila năm 1995, Asean thoạt đầu tỏ ra ủng hộ Philippines một cách mạnh mẽ".


    Liệu Việt Nam có "đơn thương độc mã" trong chủ đề Biển Đông?
    "Nhưng rồi khi Asean chuyển sự chú ý tới chỗ khác, thì Philippines bị bỏ rơi, đơn độc đương đầu với Trung Quốc trên cơ sở song phương".

    Bắc Kinh luôn nhấn mạnh tranh chấp Biển Đông là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và các nước liên quan, và muốn thương lượng với từng quốc gia, trong khi Việt Nam đang cố gắng thúc đẩy cách tiếp cận đa phương và quốc tế hóa.

    Giáo sư Thayer cho rằng, việc Việt Nam cần làm bây giờ là phải khơi gợi lại quan tâm của các nước Asean, thuyết phục họ là cần có nỗ lực chung để thương lượng với Trung Quốc về bộ quy tắc COC.

    Liệu Việt Nam có "đơn thương độc mã" hay không trong một công việc nặng nề như vậy?

    Bạn và đồng minh

    Tiến sỹ Ian Storey, chủ biên tạp chí Đông Nam Á Hiện đại tại Singapore, chuyên gia về tranh chấp Biển Đông, cho rằng dù không đạt được kết quả gì chính thức, chỉ việc thúc đẩy được chủ đề Biển Đông vào nghị trình Asean đã là một thành công của Hà Nội.

    "Đây là bước tiến lên phía trước, và đáng ra phải làm từ lâu rồi."

    Nhưng ông cảnh báo: "Vấn đề chính là Asean tỏ ra không thể nào đồng thuận với nhau về Biển Đông, kể từ khi mở rộng khối hồi giữa những năm 1990".

    Hà Nội đang đứng trước áp lực thời gian, vì khi ghế chủ tịch Asean chuyển sang cho Brunei năm 2011, Việt Nam sẽ mất cơ hội dùng diễn đàn khu vực để vận động cho các chủ đề thiết thân của mình.

    Quá khứ đã cho thấy, khi nào Asean đoàn kết và cứng rắn thì Trung Quốc sẽ phản ứng bằng cách có hành động tích cực đối với quan ngại của Asean.
    GS Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc châu
    Các chuyên gia nói mấu chốt ở chỗ quan tâm không đồng nhất giữa các quốc gia Asean về chủ đề Biển Đông.

    Theo giáo sư Carlyle Thayer, ngoài Trung Quốc chỉ có bốn quốc gia Asean trực tiếp tham gia tranh chấp chủ quyền tại khu vực này.

    "Thế nhưng ngay trong bốn nước, Brunei và Malaysia quan tâm kiểu khác, còn Việt Nam và Philippines quan tâm kiểu khác. Tranh chấp chủ quyền của Brunei là với chính Malaysia, chứ không phải Trung Quốc và bản thân Malaysia tỏ ra miễn cưỡng trong việc đối đầu với Bắc Kinh."

    "Việt Nam và Philippines là hai nước bị thiệt thòi nhất nếu Trung Quốc đạt được tuyên bố chủ quyền của mình."

    Trong tiếp xúc song phương kéo dài nửa tiếng đồng hồ hôm thứ Năm 08/04, thủ tướng Việt Nam và tổng thống Philippines đã bàn với nhau về tranh chấp Biển Đông.

    Ông Nguyễn Tấn Dũng và bà Gloria Macapagal-Arroyo thống nhất cùng nhau kiếm tìm giải pháp "hai bên cùng có lợi" (win-win solution).

    Bộ trưởng Công thương Philippines Jesli Lapus, người có mặt trong cuộc gặp, được trích lời nói: "Việt Nam đồng ý sẽ kiếm dịp để hai bên cùng thảo luận chủ đề này."

    Ông Lapus nói thêm rằng hải quân hai nước cũng sẽ hợp tác để giảm thiểu căng thẳng trong khu vực tranh chấp, và Thủ tướng Dũng đã yêu cầu Philippines thả ngư dân Việt Nam mà nước này đang giam giữ trên "tinh thần nhân đạo".

    Một yếu tố mới là tại Hội nghị Thượng đỉnh 16, các nước Asean ngỏ ý muốn đẩy mạnh quan hệ đối ngoại với các đối tác ngoài khối, tiêu biểu là có thể thu nạp Nga và Hoa Kỳ trong khuôn khổ Họp cấp cao Đông Á.

    Cơ chế họp cấp cao Đông Á, bắt đầu từ 2005, có sự tham gia của Asean, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand.




    Posted by BBC on April 10, 2010 at 12:45:33:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]