Hiệp định Vịnh Bắc Bộ 2000 và đảo Bạch Long Vĩ

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Hiệp định Vịnh Bắc Bộ 2000 và đảo Bạch Long Vĩ

    Dương Danh Huy gửi RFA
    2010-04-19
    Mặc dù Hiệp định Vịnh Bắc Bộ 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc đã phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh, hiệp định này không nói cụ thể rằng đảo Bạch Long Vĩ là của Việt Nam.


    Qũy Nghiên Cứu Biển Đông

    Bản đồ: Điểm 11 nằm giữa đảo Hải Nam và các đảo ven bờ Việt Nam cho nên có thể có nghĩa đảo Bạch Long Vĩ đã không được hiệu lực trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế và phềm lục địa.


    Hiệp định Vịnh Bắc Bộ
    Trong quyển “Giới thiệu một số vấn đề cơ bản của luật biển ở Việt Nam”, Tiến sĩ Hoàng Trọng Lập, Phó Trưởng ban, Ban Biên giới và tập thể các tác giả viết về quá trình đàm phán như sau :

    “Phía Trung Quốc không muốn các đảo Việt Nam có hiệu lực trong phân định, đảo Bạch Long Vĩ chỉ có vành đai lãnh hải 12 hải lý (vì mục đích này, họ cũng không cho các đảo của họ có hiệu lực, trừ Hải Nam được coi là lục địa).

    Đối với đảo Bạch Long Vĩ, phía Trung Quốc thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Bạch Long Vĩ nhưng cho rằng nếu cho đảo có hiệu lực, sẽ làm đường phân định đi lệch quá nhiều về phía Trung Quốc, dẫn đến kết quả không công bằng.

    Phía Việt Nam muốn các đảo Việt Nam có hiệu lực trong phân định. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn quốc tế, Việt Nam đề nghị đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam nhất thiết phải có hiệu lực nhất định trong phân định, việc xem xét hiệu lực của đảo phải căn cứ vào Công ước 1982 và thực tiễn quốc tế nhằm bảo đảm giải pháp phân định công bằng.”

    Phía Trung Quốc thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Bạch Long Vĩ nhưng cho rằng nếu cho đảo có hiệu lực, sẽ làm đường phân định đi lệch quá nhiều về phía Trung Quốc, dẫn đến kết quả không công bằng.

    TS Hoàng Trọng Lập
    Nếu sự thật về quá trình đàm phán là như trên thì, dù Hiệp định Vịnh Bắc Bộ không nói cụ thể rằng đảo Bạch Long Vĩ là của Việt Nam, sự thừa nhận đảo Bạch Long Vĩ là của Việt Nam là một trong những cơ sở của Hiệp định, và có thể cho rằng việc ký kết Hiệp định bao hàm việc thừa nhận đảo Bạch Long Vĩ là của Việt Nam.

    Nhưng nếu ngày nay hay trong tương lai Trung Quốc không không thừa nhận sự thật về quá trình đàm phán là như trên, và nếu những điều trên không được ghi nhận trong biên bản của đàm phán, thì sao?

    Chúng ta có thể lập luận rằng kết quả của Hiệp định Vịnh Bắc Bộ có nghĩa Trung Quốc đã thừa nhận chủ quyền Việt Nam đối với đảo Bạch Long Vĩ hay không?

    Trong Hiệp định Vịnh Bắc Bộ, ranh giới nằm cách đảo Bạch Long Vĩ 15 hải lý về phía Trung Quốc. Tiến sĩ Hoàng Trọng Lập et al nói rằng, điều đó tương đương với đảo Bạch Long Vĩ được khoảng 25% hiệu lực ,

    Đường biên giới này đi cách đảo Bạch Long Vĩ điểm gần nhất về phía Đông là 15 hải lý, dành cho đảo khoảng 25% hiệu lực.

    Nếu hai bên trong đàm phán chính thức cho rằng ranh giới nằm ở vị trí hiện hữu là vì đảo Bạch Long Vỹ là của Việt Nam, thì điều đó có nghĩa Trung Quốc thừa nhận chủ quyền Việt Nam đối với đảo Bạch Long Vĩ.

    Nhưng chúng ta không thể lập luận ngược lại một cách đơn giản. Tức là vị trí hiện hữu của ranh giới riêng nó không nhất thiết có nghĩa Trung Quốc thừa nhận chủ quyền Việt Nam đối với đảo Bạch Long Vĩ.

    Chủ quyền Bạch Long Vĩ
    Trên lý thuyết, Trung Quốc có thể chấp nhận ranh giới hiện hữu vì bất cứ lý do nào khác, mà không thừa nhận chủ quyền Việt Nam đối với đảo Bạch Long Vĩ.

    Xin nói thêm bên lề rằng chúng ta cũng không thể lập luận rằng việc ranh giới nằm các đảo Bạch Long Vĩ 15 hải lý về phía Trung Quốc nhất thiết có nghĩa đảo Bạch Long Vĩ được khoảng 25% hiệu lực. Bản đồ đính kèm cho thấy việc điểm 11 nằm ở vị trí hiện hữu, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 15 hải lý, trên lý thuyết có thể là do”

    -Các đảo ven bờ Việt Nam được dùng làm các điểm cơ sở (đó là một điều phù hợp với UNCLOS) và đảo Bạch Long Vĩ không có hiệu lực, hoặc

    -Đảo Bạch Long Vĩ được khoảng 25% hiệu lực, nhưng trường hợp này có nghĩa các đảo ven bờ Việt Nam không được dùng làm các điểm cơ sở (nếu các đảo ven bờ Việt Nam không được dùng làm các điểm cơ sở thì có vẻ thiệt thòi cho Việt Nam).

    Khi ký kết Hiệp định Vịnh Bắc Bộ Trung Quốc đã không bảo lưu chủ quyền đối với lãnh hải 12 hải lý của đảo Bạch Long Vĩ, hay quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế của đảo Bạch Long Vĩ.

    Dương Danh Huy

    Nếu các đảo ven bờ Việt Nam được dùng làm các điểm cơ sở (đó là một điều phù hợp với UNCLOS) và đảo Bạch Long Vĩ được 25% hiệu lực thì ranh giới sẽ không nằm ở điểm 11 mà phải nằm xích về phía Trung Quốc hơn.
    Trở lại với vấn đề chủ quyền đối với đảo Bạch Long Vĩ, mặc dù vị trí hiện hữu của ranh giới không nhất thiết có nghĩa Trung Quốc thừa nhận chủ quyền Việt Nam đối với đảo Bạch Long Vĩ, điều III của Hiệp định nói rằng 21 điểm trong Hiệp định đã phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ.
    Nói cách khác, khi ký kết Hiệp định Vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc đã không bảo lưu bất cứ vùng biển nào phía bên Việt Nam của ranh giới. Nói cụ thể, khi ký kết Hiệp định Vịnh Bắc Bộ Trung Quốc đã không bảo lưu chủ quyền đối với lãnh hải 12 hải lý của đảo Bạch Long Vĩ, hay quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế của đảo Bạch Long Vĩ.

    Như vậy, chẳng lẽ khi ký kết Hiệp định Vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc vẫn bảo lưu chủ quyền đối với đảo Bạch Long Vĩ nhưng cho rằng đảo này không có lãnh hải, và tất cả biển chung quanh đảo này cũng thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?

    Trên thực tế, khi ký kết Hiệp định Vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc đã không nói điều đó. Nếu bây giờ Trung Quốc mới nói thì rất có vẻ gượng ép, nói lấy được, và không thể có ý kiến khách quan nào trên thế giới có thể chấp nhận lời nói đó.

    (Dương Danh Huy/Qũy Nghiên cứu Biển Đông)


    Posted by RFA on April 19, 2010 at 12:05:45:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]