Nghe ngư dân kể chuyện bị cướp ở Hoàng Sa

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Phóng sự VietNamNet ,

    Nghe ngư dân kể chuyện bị cướp ở Hoàng Sa
    Cập nhật lúc 23:20, Chủ Nhật, 02/05/2010 (GMT+7)
    ,


    - Được thả hơn 4 ngày qua, 23 ngư dân trên hai tàu đánh bắt QNg 50362-TS của ông Tiêu Viết Là (ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) và tàu QNg 46478-TS của ông Mai Phụng Lưu 9 (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại chuyện bị những tàu có vũ trang mang cờ hiệu Trung Quốc bắt giữ hơn 1 tháng nay khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa.


    Bất ngờ bị tấn công!


    Vẫn chưa hồi phục sau trận đòn thừa sống thiếu chết của những người có vũ trang trên tàu kiểm ngư số hiệu 308 mang cờ hiệu Trung Quốc bắt giữ đánh đập, cướp toàn bộ hải sản và đòi tiền chuộc.



    Bà con hàng xóm nghe tin ông Tiêu Viết là trở về đến thăm hỏi chuyện bị bắt giữ, đánh đập tại Hoàng Sa


    Thuyền trưởng Tiêu Viết Là, kiêm chủ tàu 70 CV mang số hiệu QNg 50362-TS vẫn nhớ như in cái ngày tàu ông cùng 12 thuyền viên bị bắt giữ khi đang neo đậu tại vùng biển Hoàng Sa cách đảo Phú Lâm hơn 30 hải lý mà ông bảo là những ngày kinh hoàng nhất trong đời hơn 23 năm cưỡi sóng đạp gió ngoài biển khơi xa mà ông gặp trên vùng biển Hoàng Sa.

    “Lúc đó khoảng 10 giờ sáng ngày 23-3, khi tàu đang thả neo đậu để cho anh em thuyền viên ngũ sau một đêm lặn biển thì bất ngờ tàu kiểm ngư mang số hiệu 308 mang cờ hiệu Trung Quốc áp sát mạn tàu lúc nào không hay. Vì tất cả anh em trên tàu đều ngũ say sau mấy đêm thức trắng lặn biển đánh bắt…” Ông Tiêu Viết Là nhớ lại.


    Ông Tiêu Viết Là (ngồi giữa) đang kể những ngày kinh hoàng bị đánh đập, bỏ đói nơi đảo Hoàng Sa


    Câu chuyện kinh hoàng khi tàu bị bắt giữ được ông Là và anh em trên tàu vừa trở về kể lại: Ngay sau khi tàu kiểm ngư mang cờ hiệu Trung Quốc cập mạng tàu thì một nhóm 4 người nhảy sang tàu tay lăm lăm súng dựng tất cả 12 thuyền viên trên tàu ông Là dậy, đưa tất cả ra mũi tàu bắt úp mặt xuống sàn tàu, cho người cầm súng canh giữ.


    Số người còn lại bắt đầu lục soát trên tàu và cướp tất cả máy móc, từ điện thoại, máy liên lạc, định vị, lương thực, thực phẩm mang theo và toàn bộ cá tôm đánh bắt được đưa sang tàu kiểm ngư mang số hiệu 308. “Ngay cả vỏ bao ốc anh em đánh bắt được bỏ trên tàu gặp nắng bốc mùi hôi thối cũng bị lấy sạch…” Anh Nguyễn Đức Chung, thuyền viên trên tàu ông Là kể.


    Sau hơn 1 giờ lục soát, người trên tàu kiểm ngư 308 đã cướp sạch toàn bộ những gì có thể lấy được. Tàu ông Là chỉ còn cái xác tàu tơi tả và 12 thuyền viên cũng không còn quần áo để bận. Đến 11 giờ cùng ngày, tàu kiểm ngư cột tàu ông Là cùng 12 ngư dân kéo về đảo Phú Lâm ngay trong đêm 23/3 và giam giữ…


    “Cả 12 anh em trên tàu khi bị bắt giữ chỉ còn mỗi cái quần đùi. Chỉ còn mỗi cái quần dài trên người thuyền viên Tiêu Viết Linh đang bận. Khi họ mời tui đi làm việc thì phải lấy cái quần dài ấy bận…” Thuyền trưởng Tiêu Viết Là kể.


    Ông Tiêu Viết là mô tả lại những ngày ngồi tù trên đảo Hoàng Sa với tư thế ngồi trong phòng giam giữ

    Cũng như tàu ông Là, tàu đánh bắt mang số hiệu QNg 46478-TS của ông Mai Phụng Lưu với 11 ngư dân (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) bị tàu kiểm ngư mang cờ hiệu Trung Quốc bắt giữ vào sáng ngày 14/4 và cũng bị cướp sạch trang thiết bị và hải sản đánh bắt được.


    Không nộp tiền chuộc, bị đánh, bỏ đói


    Thuyền trưởng Tiêu Viết Là nhớ lại: “Mấy ngày đầu bị bắt giữ đưa về giam trên đảo Phú Lâm trong một căn phòng được canh giữ cẩn mật với 3 hàng rào bảo vệ. Mỗi ngày được cho ăn hai bữa cơm với đu đủ ướp muối. Có hôm may mắn được mấy bộ xương và đầu cá ăn thừa. Nói chung là họ cho chúng tôi ăn giống như heo. Nhưng cũng còn đở vì có đủ cơm ăn no những ngày đầu.”



    Cả 3 cha con ông Là bị bắt giữ đã về được nhà cùng với 9 ngư dân trên tàu của mình

    “Nhưng đến khi tàu ông Lưu bị bắt với 11 người được nhốt chung, tổng cộng 23 người chung hòng thì cơm không đủ ăn. Nhiều hôm bị bỏ đói, cũng may nhờ một số người xây dựng trên đảo Phú Lâm thấy thương tình nên cho ít cơm và muối. Nhưng cũng rất ít, và thỉnh thoảng họ thấy đói quá nên mới cho.

    Thuyền viên Nguyễn Đức Chung kể: Từ ngày bị bắt đến khi được thả, không có bữa nào ăn được no. Đến bữa, mạnh ai nấy ăn, khổ nổi là anh em trẻ, lại là dân biển nên ăn nhiều. Nhưng mỗi bữa chỉ có lưng bát cơm, ai ăn chậm là bị đói…”

    Còn thuyền viên Tiêu Viết Linh thì kể lại những ngày kinh hoàng bị giam giữ: “Tụi em là dân biển, quen ăn no để lặn biển. Khi bị bắt không đủ cơm ăn, nên đói không chịu nỗi. Cứ trông đến bữa là ăn nhưng cơm không đủ, lại ăn với đu đủ sống muối nên đa số anh em đều bị kiết và đau bụng.



    Thuyền viên Nguyễn Ddwcs Chung kể lại những ngày ngồi tù trên đảo và bị bỏ đói

    Ông Tiêu Viết Là nhớ lại: Khi bị bắt và đưa về nhốt ở đảo Phú Lâm, mấy ngày đầu tui được gọi lên làm việc. Họ nhận ra tui bị bắt mấy lần trước đó nên cười rồi hỏi: Có phải chính phủ Việt Nam cấp dầu cho các anh ra đây hay không? Mỗi tàu các ông ra đây được cấp 2 khẩu súng AK có đúng không?

    Tui lắc đầu bảo: Tụi tui là ngư dân đi làm ăn, nhà nước không cấp dầu, cũng chẳn cấp súng. Các ông đã lục soát tàu có súng hay không các ông đã biết. Bà con tui chỉ biết làm ăn, nơi mô có cá thì đánh bắt…

    Mấy ngày đầu khi làm việc chỉ có vậy. Đến ngày thứ 3 thì người làm việc qua phiên dịch bảo tui là thuyền trưởng, chủ tàu phải nộp tiền chuộc 70.000 nhân dân tệ/tàu (tương đương với mỗi tàu phải nộp hơn 180 triệu đồng) để thả người và thả tàu.

    Vì sợ bị đánh nên tui gật đầu đồng ý và họ cho điện về nhà. Nhưng bà con ngư dân nghèo tụi tui biết lấy đâu ra tiền để nộp. Tui cứ gật đầu đồng ý đại, đến đâu hay đến đó. Miễn khỏi bị đánh là được.



    Thuyền viên Tiêu Viết Linh hạnh phúc khi trở về bên đứa con nhỏ mới 6 tháng tuổi sau hơn 1 tháng bị bắt nhốt

    Kể từ lần đòi nộp tiền chuộc ấy, suốt 1 tuần sau rồi những ngày sau đó chẳn thấy họ nhắc chuyện tiền chuộc, cứ giam anh em tụi tui. Nhiều hôm bỏ đói, cho đến chiều tối ngày 22-4, tui được gọi lên và trùm kín mặt đưa xuống tàu. Khi vừa đặt chân xuống tàu thì bị đánh tới tấp hơn 1 giờ đồng hồ. Cả 3 người trên tàu cứ thế đấm đá vào mặt, vào đầu đến khi tui ngất xỉu họ mới đưa về lại phòng giam chẳng nói một lời - Thuyền trưởng Tiêu Viết Là kinh hoàng nhớ lại.

    Hỏi ông Là trên tàu có ai bị đánh nữa không, và ông có biết tại sao bị đánh? Ông Là bảo: Suốt thời gian bị giam giữ chỉ có mỗi mình tui bị đánh dã man vì thuyền trưởng, kiêm chủ tàu. Họ đánh tui chắc là không nộp tiền chuộc hoặc vì nhiều lý do nào đó mà tui không hiểu được.

    Vì khi họ đưa bịt mắt đưa tui xuống tàu và đánh, cũng chẳn nghe họ nói gì. Đến khi đánh tui ngất xỉu mới thôi…” Ông Là nhớ lại những giờ phút kinh hoàng.

    Vũ Trung



    Posted by VietNamNet on May 02, 2010 at 19:41:14:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]