Tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông Ngọc Trân, thông tín viên RFA Tàu Ngư chính 311 của Trung Quốc.
Mời quý vị cùng thông tín viên Ngọc Trân tìm hiểu thêm các hành động mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian gần đây. Chỉ ngư dân Trung Quốc mới được đánh cá? Từ lâu, Trung Quốc không còn giấu giếm ý định muốn chiếm Biển Đông làm cái ao nhà của họ. Qua các tuyên bố gần đây của Trung Quốc trong việc đòi chủ quyền trên Biển Đông được lặp đi lặp lại cùng với các hành động như: thường xuyên tập trận trong khu vực, đưa các tàu ngư chính xuống tuần tra ở quần đảo Trường Sa, bất chấp sự phản đối của các nước khác, điều đó cho thấy thái độ của Trung Quốc ngày càng trở nên hiếu chiến hơn trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Cuối tháng 4 vừa qua, Cục Quản lý Nghề cá Trung Quốc cho biết, hai tàu khác đã được điều đến thay thế hai tàu Ngư chính 311 và 202. Ông Ngô Tráng, Giám đốc Cục Quản lý Nghề cá ở Biển Đông thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết: "Tàu Ngư chính 301 và 302 của Trung Quốc sẽ thay tàu Ngư chính 311 và 202, đang tuần tra trên vùng biển thuộc quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) từ ngày 1 tháng 4". Ông Ngô Tráng cũng nói thêm rằng, các tàu ngư chính này tuần tra với mục đích hộ tống các tàu đánh cá của Trung Quốc ở Biển Đông và củng cố quyền đánh cá của nước này ở quần đảo Trường Sa. Hành động này cho thấy, Trung Quốc đưa các tàu ngư chính tuần tra không phải để bảo vệ các tàu đánh cá bị sách nhiễu bởi tàu của các nước khác trong khu vực, mà các con tàu này được sử dụng nhằm “củng cố” quyền đánh cá của Trung Quốc ở Biển Đông. Nghĩa là, những con tàu trên được sử dụng với mục đích ngăn chặn quyền đánh bắt cá của những tàu không phải là Trung Quốc. Malaysia phản đối mạnh mẽ Malaysia là nước phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc đưa tàu đến tuần tra trong khu vực này. Theo tin từ báo Trung Quốc, các tàu ngư chính của họ đã gặp phải sự đối đầu với tàu chiến và máy bay chiến đấu của Malaysia ở khu vực Trường Sa. Tàu ngư chính của Trung Quốc đã bị tàu Malaysia bám theo sát trong khoảng thời gian 17 tiếng đồng hồ, từ 10 giờ sáng ngày 29 tháng 4 đến 3 giờ sáng ngày 30 tháng 4. Báo chí cũng mô tả, có lúc tàu Malaysia đuổi theo, chỉ cách tàu Trung Quốc khoảng 300 mét. Thời điểm gay cấn nhất phải kể đến là lúc khẩu pháo hạm trên tàu chiến Malaysia, chĩa thẳng vào tàu Ngư chính 311 của Trung Quốc vào lúc 10 giờ sáng ngày 29 tháng 4. Sau đó, phía Malaysia dùng loa phóng thanh hướng vào tàu Trung Quốc, thông báo với họ rằng, đội tàu của họ đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế thuộc lãnh hải Malaysia. Phía Trung Quốc đáp lại rằng tàu của họ đang thi hành nhiệm vụ quản lý định kỳ ở lãnh hải mà Trung Quốc cho rằng đã thuộc về họ. Khoảng nửa tiếng sau, chiếc loa trên tàu Malaysia phát ra bằng tiếng Trung rằng: “Đội tàu Ngư chính Trung Quốc, chúng tôi là quân hạm Malaysia, mong các ông hãy rời khỏi nơi này”.
Đến 11 giờ 50 phút cùng ngày, một phi cơ chiến đấu của Malaysia xuất hiện trên bầu trời mà phía bên dưới là tàu Trung Quốc, phi cơ này bay lượn liên tục khoảng 15 phút. Vào buổi chiều cùng ngày, vẫn phi cơ của Malaysia một lần nữa xuất hiện, bay một vòng trên không với mục đích cảnh cáo Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải của nước họ. Trên biển, các tàu chiến Malaysia vẫn tiếp tục đuổi theo các tàu Ngư chính 301 và 302 của Trung Quốc. Khoảng 3 giờ chiều ngày 29 tháng 4, một trong các tàu ngư chính của Trung Quốc hướng về bãi ngầm James Shoal (Trung Quốc gọi là bãi ngầm Tằng Mẫu), đây là bãi ngầm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, cách thành phố biển Bintulu của nước này khoảng 80 km về phía Tây Bắc. Có thể có nhiều tàu Malaysia đã đuổi theo các tàu Trung Quốc. Theo báo chí Trung Quốc mô tả, những người trên tàu của họ vẫn còn thấy các tàu Malaysia đuổi theo các tàu ngư chính cho tới 3 giờ sáng ngày 30 tháng 4. Tôn trọng “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc? Một hành động khác được cho là mới nhất của Trung Quốc ở vùng Biển Đông đó là cuối tháng qua, Trung Quốc đã đặt Biển Đông vào “lợi ích cốt lõi” của họ. Giới chuyên gia cho rằng, đây là cụm từ lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng đối với Biển Đông, nâng tầm quan trọng của khu vực này lên ngang hàng với Đài Loan và Tây Tạng. Điều này cho thấy, Trung Quốc đã thể hiện một hành động hung hăng mới đối với khu vực đang tranh chấp.
Ông Lý Đạo Quỳ, cố vấn cao cấp Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã nói: “Bắc Kinh có thể điều chỉnh tỉ giá đồng Nhân dân tệ. Khi Mỹ tôn trọng ‘lợi ích cốt lõi’ của Trung Quốc thì vấn đề bất đồng về chính sách tiền tệ có thể được giải quyết một cách dễ dàng”. Theo tin từ Reuters, trong một cuộc điện đàm ngày 2 tháng 4 vừa qua giữa Tổng thống Obama, với ông Hồ Cẩm Đào, rằng hai nước đã đạt một sự đồng thuận rất quan trọng, đó là hai nước đồng ý “tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau”. Bắc Kinh có thể điều chỉnh tỉ giá đồng Nhân dân tệ. Khi Mỹ tôn trọng ‘lợi ích cốt lõi’ của Trung Quốc thì vấn đề bất đồng về chính sách tiền tệ có thể được giải quyết một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Trung Quốc chưa đặt Biển Đông vào “lợi ích cốt lõi”, mà chỉ có hai vấn đề chính là Đài Loan và Tây Tạng. Câu hỏi được đặt ra là, không rõ liệu có văn bản thỏa thuận chi tiết nào đó giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nêu rõ lợi ích cốt lõi của Trung Quốc mà Hoa Kỳ phải tôn trọng là gì, hay là Hoa Kỳ phải tôn trọng bất kỳ lợi ích nào mà Trung Quốc cho là “cốt lõi”? Giả sử Trung Quốc đặt Biển Đông vào “lợi ích cốt lõi” và buộc Hoa Kỳ phải tôn trọng lợi ích này, liệu phản ứng của Hoa Kỳ sẽ như thế nào?
|