Việt Nam cần làm gì để ứng phó với Trung Quốc?

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Việt Nam cần làm gì để ứng phó với Trung Quốc?

    Mặc Lâm, RFA
    2010-05-17
    Lần đầu tiên, phương tiện truyền thông đại chúng Việt Nam được phép tố cáo Trung Quốc một cách mạnh mẽ việc nước này cấm đánh bắt cá trên vùng biển tranh chấp, đang lật qua một chương mới trong quan hệ hai nước.

    AFP photo / Aris Messinis

    Một chiếc thuỷ phi cơ DHC-6 Việt nam mới mua của Canada để tuần trên biển.


    Mặc Lâm tổng hợp ý kiến của các giới chức có quan tâm đến vấn đề nhằm tìm hiểu động cơ nào Việt Nam đã tỏ ra cứng rắn hơn trong cách đối xử với Trung Quốc như vậy.

    Chiến thuật vết dầu loang của TQ

    Những áp lực ngày một lớn của Trung Quốc đang làm cho người dân Việt Nam lo âu về chủ quyền đất nước đang tiến dần đến chỗ khó giữ yên dưới tham vọng bành trướng của nước láng giềng phương Bắc. Ngư dân Việt Nam không còn cơ hội hành nghề một cách an toàn để kiếm sống khi Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá bất kể công pháp quốc tế về chủ quyền lãnh thổ của các nước trong vùng đang có tranh chấp.


    Việc làm của một bộ phận quan chức Trung Quốc khi bắt giữ tàu và đòi tiền chuộc làm nhiều người liên tưởng đến bọn hải tặc Somali.

    Trích bản tin TPHCM

    Trung Quốc ngang nhiên chiếm đoạt từng phần lãnh hải qua chiến thuật vết dầu loang, cứ cho tàu Ngư Chính có mặt trên các vùng biển tranh chấp lâu dần sẽ trở thành sân nhà của mình.

    Ông Ngô Tráng, Giám đốc Cục Quản lý Nghề cá ở Biển Đông thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nói rằng Tàu Ngư chính 301 và 302 sẽ lãnh trách nhiệm tuần tra trên vùng biển thuộc quần đảo Nam Sa mà Việt Nam gọi là Trường Sa từ ngày 1 tháng 4.

    Việt Nam không đủ phương tiện khí tài để chống lại âm mưu này, do đó Trung Quốc ngày càng lấn sân và tỏ ra coi thường tiếng nói ngoại giao của một nước mà trong thâm tâm họ cho rằng không đáng bận tâm bàn cãi. Được chân lân đầu, Tàu Ngư Chính tiến xa hơn ở các lãnh hải khác với cùng chiến thuật đã áp dụng với Việt Nam.

    Tuy nhiên khi đụng vào Malaysia thì tàu Ngư Chính đã không còn cơ hội diễu võ dương oai như đối với ngư dân Việt Nam. Pháo hạm Maylaysia đã rượt đuổi tàu Trung Quốc ra khỏi lãnh hải của họ và hình ảnh này đã làm cho nhiều nước trong khu vực phải suy nghĩ lại phương án đối phó mà họ từng theo đuổi trong nhiều năm qua, trong đó không thể không kể đến Việt Nam.

    10 giờ sáng ngày 29 tháng 4 đến 3 giờ sáng ngày 30 tháng 4, tàu ngư chính của Trung Quốc đã bị tàu Malaysia bám theo sát trong khoảng thời gian 17 tiếng đồng hồ, và cùng lúc phi cơ chiến đấu của Malaysia đã xuất hiện bay lượn liên tục khoảng 15 phút bên trên hai chiếc tàu này, sau đó tàu Ngư Chính của Trung Quốc phải bỏ chạy.

    Đã có sự thay đổi


    Vùng biển đông nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền. AFP photo Trong một bài bình luận trên đài phát thanh Thành Phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, người ta nghe Việt Nam gọi đích danh Trung Quốc không thua gì hải tặc Somali, khi ngang nhiên bắt người đòi tiền chuộc cộng với việc ngang nhiên cấm đánh bắt cá trong vùng biển đang tranh chấp. Bản tin có đoạn như sau:

    “Năm 2009 đã có 33 tàu và 433 ngư dân, từ đầu năm 2010 đến nay 3 tàu và hơn 40 ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắt giữ và đòi tiền chuộc, thậm chí tịch thu tàu, ngư cụ, sản phẩm đánh bắt được trên tàu. Việc làm của một bộ phận quan chức Trung Quốc khi bắt giữ tàu và đòi tiền chuộc làm nhiều người liên tưởng đến bọn hải tặc Somali.

    Với lệnh cấm bắt cá mà Bộ Nông nghiệp Trung Quốc vừa mới ban hành là một hành động sai trái, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với các quan hệ hữu nghị vốn rất tốt đẹp giữa Việt Nam-Trung Quốc, gây nguy hại đến tính mạng tài sản của ngư dân Việt Nam.”

    Tình trạng nghiêm cấm nói động tới Trung Quốc sau bao nhiêu năm có khuynh hướng đổi chiều. Cơ quan truyền thông nhà nước mặc nhiên nhìn nhận sự đàn áp trắng trợn của Trung Quốc phải chăng mở ra một trang sách mới sau kinh nghiệm đối đầu của Malaysia?

    Nếu nhìn lại vấn đề biển Đông trong thời gian vừa qua, Đảng và nhà nước Việt Nam đã làm được không ít việc. Thứ nhất từ chỗ im lặng bây giờ công khai đã lên tiếng.

    Ô. Dương Danh Dy


    Nhà ngoại giao kỳ cựu với Trung Quốc là ông Dương Danh Dy chia sẻ những điều mà ông cho rằng nhà nước đã làm được, ông nói:

    “Nếu nhìn lại vấn đề biển Đông trong thời gian vừa qua, Đảng và nhà nước Việt Nam đã làm được không ít việc. Thứ nhất từ chỗ im lặng bây giờ công khai đã lên tiếng. Từ chỗ phiếm chỉ nay đã chỉ đích danh như thế là tiến bộ và còn những việc tôi tin rằng Đảng và nhà nước Việt Nam không hề có ý định dấu diếm nhân dân trong vấn đề này.

    Thí dụ, ngày 26 tháng Tư tôi và TS Nguyễn Nhã vừa nói chuỵện với hơn 300 sinh viên trường đại học Ngoại Thương về vấn đề này. Anh Nguyễn Nhã trình bày tất cả 12 hiện trạng lịch sử. Tôi trình bày quan hệ Việt Nam Trung Quốc như thế nào. Anh em nghe rất thoải mái tự do và sau đó anh em đặt rất nhiều câu hỏi.”

    Dự án nhiều chục tỷ đô la dành cho phát triển biển đảo do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký cộng với việc vài tháng trước Hà Nội đặt mua 6 tàu ngầm Kilo, 12 chiến đấu cơ Sukhoi SU 30 MK2 của Nga và mới nhất là mua của Canada 6 thủy phi cơ Otter DHC-6 dành để tuần tiễu trên biển, cùng lúc thương lượng với Israel để mua một hệ thống hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn còn được gọi là EXTRA tất cả những trang bị trên được giới quan sát quốc tế lượng giá là một động thái đánh tiếng với Trung Quốc rằng Việt Nam đang dọn đường cho một tình huống xấu nhất nếu việc ứng xử biển đông không được các bên tuân thủ.

    Nên dựa vào ASEAN


    Tàu ngư chính Trung Quốc tuần tiễu vùng biển Đông năm 2009. AFP Photo Khi được hỏi rằng các nước trong khu vực như Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, và Thái Lan đã cùng với Mỹ thành lập nhóm “Karat” như một liên minh quân sự bảo vệ cho nhau một cách hữu hiệu trước những đe dọa có thể xảy ra từ Trung Quốc. Liệu Việt Nam có nên tham gia “Karat” như một thành viên hay không? Giáo Sư Phạm Quang Minh chủ nhiệm Khoa Quan hệ quốc tế Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ:

    “Theo tôi thấy thì Việt Nam vẫn đang thực hiện những cam kết của mình đối với ASEAN. Một trong những điểm quan trọng là xây dựng an ninh trong cộng đồng ASEAN. Làm gì thì làm Việt Nam trước hết phải dựa vào nguyên tắc cơ bản của ASEAN đã. Chứ tham gia vào một tổ chức khác hay các nhóm khác mà nó đi ra ngoài chủ trướng chung của các nước ASEAN thì tôi cho rằng thời gian hiện tại Việt Nam chưa tính đến và cũng chưa cần thiết.

    Về phía người dân, GS Nguyễn Minh Thuyết, đương kiêm đại biểu quốc hội cho rằng vẫn còn nhiều điều cần phải bàn tới:

    Làm gì thì làm Việt Nam trước hết phải dựa vào nguyên tắc cơ bản của ASEAN đã. Chứ tham gia vào một tổ chức mà nó đi ra ngoài chủ trướng chung của các nước ASEAN thì tôi cho rằng thời gian hiện tại chưa cần thiết.

    GS. Phạm Quang Minh


    “Nhân dân mình rất là quan tâm đến vấn đề này. Thật ra các tầng lớp nhân dân đã có những thái độ thông qua nhận thức trong đó có cả những kiến nghị với quốc hội, với cơ quan nhà nước. Còn việc mình cư xử như thế nào trong chuyện này đưa ra công luận đến mức nào thì tôi nghĩ phải có sự tính toàn khôn khéo về mặt ngoại giao. Kinh nghiệm của ông cha ta trong vấn đề ngoại giao phải có sự mềm dẻo nhất định.”

    Đâu đó có bài viết phân tích nếu xảy ra chiến tranh thì Việt Nam sẽ đủ khả năng để đối phó vì những trang bị mà Trung Quốc hiện có chưa đủ sức để tiến hành một cuộc chiến tranh quy ước với Việt Nam. Nhận xét này không chính xác trước sự thật hiển nhiên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

    Dư luận vẫn cho rằng Việt Nam có trang bị vũ khí hiện đại tới đâu thì cũng cần tranh thủ sức mạnh của nhân dân. Đây là vốn quý tiềm ẩn từ bao ngàn năm của lịch sử dựng nước và giữ nước. Tiếng nói đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân có lẽ là vũ khí mạnh mẽ nhất mà Việt Nam có thể trưng dụng trong chiến lược đối đầu với ngoại bang như từ xưa tới nay vẫn thế.

    Lịch sử đã chứng minh điều này và lịch sử sẽ lập lại.





    Posted by RFA on May 18, 2010 at 09:01:50:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]