Việt Nam gia tăng hiện đại hoá quân sự Ngọc Trân, thông tín viên RFA Chiến đấu cơ hiện đại loại SU 30-MK2 của Nga Để tìm hiểu thêm Việt Nam đã mua sắm các loại vũ khí nào trong thời gian qua, ý kiến của các chuyên gia và các nước láng giềng liên quan đến vấn đề này ra sao, cũng như việc mua sắm vũ khí đó liệu có giúp gì cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông hay không, Ngọc Trân điểm qua các sự kiện có liên quan. Chiến đấu cơ của Nga Trước các diễn biến càng ngày càng phức tạp ở biển Đông, Việt Nam đã và đang thực hiện các hợp đồng mua sắm vũ khí và thiết bị quân sự của một số nước trên thế giới. Đầu năm 2009, Việt Nam ký hợp đồng với Cục Xuất khẩu Vũ khí Nga, mua 8 chiến đấu cơ hiện đại loại SU 30-MK2 (MKK: Mnogofunktzionniy Kommercheskiy Kitayski - Multifunctional Commercial for China - Máy bay chiến đấu đa năng thương mại cho Trung Quốc). Đầu năm nay, Việt Nam đặt mua tiếp 12 chiến đấu cơ loại này, trị giá hơn 500 triệu đô la. Đây là loại máy báy quân sự do công ty hàng không Sukhoi của Nga sản xuất và đưa vào hoạt động kể từ năm 2000. Trước các diễn biến càng ngày càng phức tạp ở biển Đông, Việt Nam đã và đang thực hiện các hợp đồng mua sắm vũ khí và thiết bị quân sự của một số nước trên thế giới.
Máy bay chiến đấu này có hai chỗ ngồi, được trang bị một hệ thống điều khiển hoả lực và hệ thống ngắm mục tiêu gắn trên mũ bay, giúp phi công phát hiện mục tiêu trên không, trên biển và trên bộ, cũng như tiêu diệt các mục tiêu đó trong mọi điều kiện về thời tiết và thời gian. Mua tàu ngầm hiện đại Ngoài việc mua chiến đấu cơ của Nga, Việt Nam cũng đã ký hợp đồng mua tàu ngầm của nước này. Cuối tháng 4 năm ngoái, Việt Nam đã đặt mua 6 tầu ngầm loại kilo 636, trị giá khoảng 1,8 tỷ đô la, hợp đồng được cho là chiếm toàn bộ ngân sách quốc phòng của Việt Nam trong năm 2009. Với sáu chiếc tàu ngầm này, Việt Nam sẽ sở hữu nhiều tàu ngầm hiện đại nhất trong khu vực, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Tàu ngầm kilo 636 nặng khoảng 2.300 tấn, được trang bị 8 tên lửa phòng không, cùng 18 quả ngư lôi, với thủy thủ đoàn tối đa là 52 người. Tàu ngầm này có thể lặn dưới nước ở độ sâu tối đa 300 m, và độ sâu tác chiến từ 240 - 250m, khi ở dưới nước, nó có thể di chuyển với vận tốc nhanh nhất là 40 km/ giờ và nó có thể đi trên biển khoảng 45 ngày mà không cần tiếp nhiên liệu. Ngoài các trang thiết bị hiện đại khác, tàu ngầm này còn được trang bị một loại sonar giúp phát hiện sóng âm, mà tàu nổi cũng như các loại tàu ngầm khác phát ra ở khoảng cách rất xa. Do đó, tàu ngầm này có khả năng tránh được radar dò tìm, cũng như khả năng phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm và tàu chiến của đối phương trên mặt biển. Thủy phi cơ của Canada Ngoài các hợp đồng mua tàu ngầm và chiến đấu cơ kể trên, Việt Nam còn mua thuỷ phi cơ của Canada. Công ty Viking Air của Canada vừa đưa tin, đã ký hợp đồng bán cho Việt Nam sáu chiếc thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter Series 400, trị giá mỗi chiếc là 5 triệu đô la Canada. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đặt mua phi cơ do phương Tây sản xuất. Loại phi cơ này dành cho phi hành đoàn không quá 2 người và có thể chở 19 hành khách, tốc độ bay tối đa khoảng 340 km/giờ và có thể bay ở độ cao khoảng 1.700 km. Phi cơ này vừa đáp được cả trên bộ lẫn dưới nước, thích hợp cho những nước mới bắt đầu sử dụng máy bay hải quân như Việt Nam, trong vai trò tuần tra trên biển. Phi cơ này được thiết kế để phục vụ các hoạt động trên biển như: vận chuyển, tiếp liệu, tuần tra trên biển, tìm kiếm và cứu hộ, và sẽ trở thành lực lượng không quân đầu tiên của hải quân Việt Nam.
Sáu chiếc phi cơ trên, dự kiến sẽ được giao cho Việt Nam trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2014 và Công ty Pacific Sky Aviation, thuộc tập đoàn Viking Air, sẽ chịu trách nhiệm đào tạo kỹ thuật và huấn luyện bay cho phi công Việt Nam. Và tên lửa đạn đạo của Israel Một hoạt động mới nhất liên quan đến việc mua sắm vũ khí của Việt Nam là đầu tuần qua, Việt Nam đàm phán với Israel để mua một hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) của nước này. Loại tên lửa này đã từng được Israel giới thiệu hồi năm 2005, trong một cuộc triển lãm vũ khí phòng không tại Paris. Tên lửa này có mang một đầu đạn nặng khoảng 125 kg, tầm bắn khoảng 150 km và được cho là khá chính xác. Tên lửa này có thể đặt trên mặt đất hoặc di chuyển bằng xe vận tải, được sử dụng để chống tàu chiến và được xem như một phương thức hữu hiệu trong việc tăng cường hoả lực cho lực lượng phòng vệ của hải quân. Các quan chức cao cấp quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng, Mỹ sẽ cân nhắc việc bán vũ khí phi hủy diệt cho Việt Nam, khi quan hệ an ninh song phương giữa hai nước phát triển tốt hơn.
Ngoài các thoả thuận mua vũ khí nói trên, Việt Nam còn muốn mua máy bay quốc phòng của Pháp. Giữa tháng 12 năm ngoái, trong chuyến viếng thăm ba ngày, tướng Phùng Quang Thanh, Bộ Trưởng Quốc phòng Việt Nam đã yêu cầu Pháp cung cấp cho Việt Nam “trực thăng và máy bay vận tải”. Trước khi tới Pháp, Tướng Phùng Quang Thanh cũng đã ghé thăm Hoa Kỳ và cho biết, Việt Nam muốn Hoa Kỳ giảm bớt các hạn chế về việc bán các mặt hàng quân sự cho Việt Nam. Các quan chức cao cấp quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng, Mỹ sẽ cân nhắc việc bán vũ khí phi hủy diệt cho Việt Nam, khi quan hệ an ninh song phương giữa hai nước phát triển tốt hơn. Trên đây là các hoạt động mua sắm vũ khí nhằm mục đích hiện đại hoá quân sự của Việt Nam trong thời gian gần đây. Trong bài tới, mời quý vị xem các ý kiến liên quan đến vấn đề này, cũng như việc mua sắm vũ khí đó, giúp gì cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.
|