Cập nhật: 10:44 GMT - thứ năm, 3 tháng 6, 2010 Giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Hoàng gia Australia vừa có bài nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Trung trong bối cảnh các mối quan tâm tại Biển Đông. BBCVietnamese.com xin trích giới thiệu cùng quý vị: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và một số nước khác trong khu vực đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về quy mô và sự tăng trưởng của ngân sách quốc phòng Trung Quốc, cũng như sự thiếu minh bạch trong chi tiêu quốc phòng ở nước này. Các quốc gia nói trên đều cho rằng Trung Quốc tăng ngân sách quân sự không chỉ nhằm mục tiêu tự vệ. Chủ tịch hội đồng Tham mưu trưởng Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, cho rằng ý định chiến lược đằng sau việc phát triển quân đội của Trung Quốc "dường như rất tập trung vào hải quân Hoa Kỳ và các căn cứ của chúng ta ở khu vực". Đô đốc Robert F. Willard, chỉ huy trưởng của quân đội Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương cũng nhận xét: " Đặc biệt gây lo ngại là các yếu tố trong quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc dường như được đưa ra nhằm thách thức quyền tự do hành động của chúng ta ở khu vực." Ông Willard cũng cho rằng việc Trung Quốc cải tổ nhanh chóng lực lượng vũ trang đang "ảnh hưởng tới cân bằng quân sự khu vực và gây ra nhiều hậu quả vượt xa khỏi ranh giới châu Á-Thái Bình Dương". Quan hệ Mỹ-Trung không hoàn toàn là đối đầu mà trong đó có các yếu tố cạnh tranh, ganh đua và cả hợp tác. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông, trong có các tuyến giao thông liên lạc quan trọng nhất. Sự mạnh bạo của Trung Quốc dẫn đến căng thẳng gia tăng với Việt Nam và ảnh hưởng tới các quyền lợi chiến lược và thương mại của Hoa Kỳ. Căn cứ Tam Á và cán cân quyền lực Năm 2007 các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây cất căn cứ hải quân khổng lồ gần Tam Á trên đảo Hải Nam. Khi hoàn thành, căn cứ này sẽ mang tính chiến lược vô cùng quan trọng vì nó sẽ cho phép Trung Quốc nối dài "cánh tay quân sự" ra Biển Đông và Thái Bình Dương. Các cầu cảng của căn cứ Tam Á có đủ chỗ cho nhiều tàu chiến cùng tàu ngầm, và đang được mở rộng để chứa thêm cả hàng không mẫu hạm trong tương lai. Cùng lúc, Trung Quốc cho kéo dài đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, cải tạo cơ sở trên đảo Gạc Ma của Trường Sa và duy trì hiện diện tại đảo Vành Khăn ở phía tây bờ biển Philippines. Tóm lại, Trung Quốc đang tập trung cho việc thể hiện chủ quyền tại Biển Đông và bảo vệ các tuyến giao thông qua eo biển Malacca và Singapore. Từ những căn cứ nói trên việc triển khai hải quân ở Biển Đông sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn trước. Mặt khác, Trung Quốc cũng sẽ có khả năng đe dọa các tuyến hàng hải quan trọng mà Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc đang dựa vào. Có thể nói căn cứ hải quân Tam Á có ảnh hưởng tới cán cân quyền lực ở khu vực. Nhiều phần của căn cứ này nằm dưới lòng đất và khó có thể theo dõi. Hình chụp từ vệ tinh cho thấy hiện diện của tàu ngầm Type 094 hạng Jin kể từ cuối năm 2007. Đây là tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ hai, vũ khí tấn công đáng gờm nhất mà Trung Quốc có trong tay. Phân tích hoạt động xây dựng ở đây cho thấy căn cứ Tam Á có thể sẽ là nơi Trung Quốc giữ tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc sẽ có khả năng tuần tra và bắn phá từ những vị trí khó phát hiện dưới lòng biển. Việc hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc là thách thức và đe dọa cho toàn thể Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam. So với hải quân các nước khác, Trung Quốc có khả năng vượt trội và thống lĩnh. Trung Quốc đang giành ảnh hưởng với hải quân Hoa Kỳ tại Tây Thái Bình Dương. Việc hoàn tất cơ sở Tam Á sẽ thay đổi đáng kể cán cân quyền lực ở Biển Đông. Kể từ 2007, nhiều sự kiện diễn ra tại Biển Đông đã khiến cho tình hình an ninh ở đây ngày càng căng thẳng. Không những quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc gặp trở ngại, mà quyền lợi kinh tế của Hoa Kỳ cũng bụ đe dọa. Mỹ-Trung còn nhiều bất đồng Tuy không nộp hồ sơ chính thức về thềm lục địa mở rộng cho Ủy ban của Liên Hiệp Quốc hồi tháng Năm năm ngoái, Trung Quốc có gửi cho ủy ban này một tấm bản đồ với đường chín hình chữ U đoạn bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông để chứng thực cho chủ quyền của mình. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra bản đồ này, vì từ trước tới nay khi công bố các văn bản về chủ quyền của mình như Tuyên bố Chủ quyền Biển ( 1958), Tuyên bố về lãnh hải và Vùng phụ cận (1992), Tuyên bố về Đường cơ bản của lãnh hải (1996), và Luật nhà nước về Vùng Kinh tế đặc quyền và Thềm lục địa (1998), chưa ai thấy bản đồ này. Hoa Kỳ đã cực lực bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong cuộc điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về Đông Á và Thái Bình Dương, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Scot Marciel đã bác các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc vì không đi kèm với chủ quyền trên đất liền. Ông Marciel gọi tuyên bố chủ quyền như vậy là "không phù hợp luật pháp quốc tế". Những năm gần đây Mỹ tỏ ra ngày càng quan tâm tới các cuộc tranh chấp chủ quyền ở Đông Nam Á chủ yếu vì hai lý do: quan ngại về tự do hàng hải và bảo vệ hoạt động của các công ty năng lượng Mỹ. Ông Scot Marciel nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ có "quan tâm đặc biệt tới việc duy trì ổn định, quyền tự do đi lại và hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Đông Á". Sau khi xem xét các trường hợp Trung Quốc đe dọa các công ty dầu khí Mỹ đang làm ăn với Việt Nam, ông Marciel tuyên bố: "Chúng tôi phản đối việc sách nhiễu các công ty Mỹ". Robert Scher, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, thì chỉ ra bốn chính sách: 1) biểu thị bằng cả lời nói và hành động rằng quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện với tư cách lực lượng quân sự ưu việt ở trong khu vực. 2) khẳng định quyền tự do lưu thông của tàu chiến Mỹ tại nơi đây 3) xây dựng quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với các đối tác trong khu vực, nhất là trong an ninh hàng hải Trung Quốc hồi tháng Ba năm nay đã liệt Biển Đông vào diện quan tâm chủ đạo, ngang hàng với Đài Loan và Tây Tạng. Điều này có nghĩa Trung Quốc sẽ sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của mình, kể cả bằng vũ lực. Quan hệ quân sự Mỹ-Trung còn nhiều điều phải cải thiện. Phía Trung Quốc nêu ra bốn hạn chế cản trở quan hệ song phương, trước hết là chủ đề Đài Loan, là quan tâm chủ đạo của Trung Quốc. Nếu Hoa Kỳ không giải quyết được vấn đề này thì quan hệ quân sự đôi bên sẽ không thể được. Hạn chế thứ hai là Mỹ phải chấm dứt ngay việc vi phạm vùng kinh tế đặc quyền của Trung Quốc. Thứ ba, Mỹ phải sửa đổi các luật lệ như Luật Ủy quyền Quốc phòng 2000. Cuối cùng, là việc Mỹ không có lòng tin vào Trung Quốc về mặt chiến lược. Trong ba năm trở lại đây, tranh chấp Biển Đông từ chỗ chỉ là quan ngại an ninh âm ỉ giữa các nước Đông Nam Á nay trở nên nguy cơ bùng nổ nếu không được giải quyết khéo léo. Trung Quốc hồi tháng Ba năm nay đã liệt Biển Đông vào diện quan tâm chủ đạo, ngang hàng với Đài Loan và Tây Tạng. Điều này có nghĩa Trung Quốc sẽ sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của mình, kể cả bằng vũ lực. Phương hướng giải quyết Các nước trong khu vực đều có liên quan trong quá trình trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc cũng như việc điều tiết quan hệ Trung-Mỹ. Trung Quốc và Hoa Kỳ cần được khuyến khích nối lại đối thoại quân sự và tổ chức đối thoại thường xuyên. Điều quan trọng nữa là hai bên cần đưa ra thỏa thuận giải quyết các vụ xung đột trên biển. Hội nghị bộ trưởng quốc phòng Asean+ (ADMM+) lần đầu tiên sẽ được tổ chức tháng 10 năm nay tại Hà Nội, gồm 10 nước thành viên Asean và 8 đối tác (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Hoa Kỳ). ADMM+ cần được khuyến khích trở thành diễn đàn hiệu quả để đẩy mạnh minh bạch quốc phòng và giải quyết quan ngại trong khu vực về chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Trung Quốc và các quốc gia có hạt nhân khác, nhất là các thành viên Hội đồng Bảo an, cần tham gia Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân Đông Nam Á. Trung Quốc lâu nay đã lấy cớ bảo vệ nguồn cá để tăng cường hoạt động tại Biển Đông. Trung Quốc cần được khuyến khích hợp tác với các nước cùng bảo vệ và duy trì nguồn lợi thủy hải sản ở Biển Đông để không phải áp dụng lệnh cấm đánh bắt đơn phương nữa. Asean cần thuyết phục Trung Quốc tham gia đàm phán ngoại giao hướng tới bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông. Các nước trong khu vực cần có sáng kiến tổ chức họp bàn cấp cao về Luật Biển LHQ nhằm tháo gỡ tình trạng bế tắc trong tuyên bố chủ quyền về thềm lục địa mở rộng và quy định về việc tàu hải quân các nước có thể hoạt động thế nào trong vùng kinh tế đặc quyền của mỗi nước. Các quốc gia trong khu vực cần tiếp tục đối thoại để tăng cường cấu trúc an ninh khu vực thông qua cơ chế mới bao gồm các cuộc gặp gỡ thường xuyên của các nguyên thủ để bàn về các vấn đề có thể ảnh hưởng tới an ninh khu vực.
|