ASEAN tỉnh táo để ứng phó với bất trắc Mỹ - Trung

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    ASEAN tỉnh táo để ứng phó với bất trắc Mỹ - Trung
    Cập nhật lúc 08:43, Thứ Tư, 28/07/2010 (GMT+7)
    ,
    - Hôm nay (28/7) đánh dấu 15 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Đúng vào lúc vai trò trung tâm của Hiệp hội đang nổi lên sau AMM-43, PMC, ARF-17.

    Chưa bao giờ phạm vi hợp tác của ASEAN tỏa rộng như thế! Tầm vươn của Tổ chức tiến ra mọi châu lục: từ Bắc Mỹ, Canađa, Úc đến châu Âu, EU, Nga và sang tận Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc thảo luận tại Hà Nội đều sâu rộng, đạt nhiều kết quả, nhất là trên các vấn đề xây dựng cộng đồng, Biển Đông, ARF và quan hệ đối ngoại.

    Đông Nam Á là một xứ sở quá rộng về địa lý, quá giàu về tiềm năng, nhưng lại quá yếu về chính trị. Nhận định một thời của giáo sư Brezinski giờ đây rõ ràng phải được bổ sung sau Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội các nước Đông Nam Á vừa qua (AMM-43). Hai mươi cuộc hội nghị trong vòng 5 ngày, bao gồm các đề tài bàn thảo rộng lớn và nhiều mối quan tâm đa dạng. Tuần lễ ASEAN tại Hà Nội quả là một trắc nghiệm thành công về ý chí chính trị của lãnh đạo ASEAN trong năm Việt Nam làm chủ tịch và 15 năm tham gia Hiệp hội.

    Những bức tường không còn nữa?

    Ai bảo “đúng”, người đó ảo tưởng, nhưng nếu tích vào ô “sai” thì câu trả lời cũng không chuẩn. Những bức tường ngăn cách trong và ngoài khối không thể mất đi một sớm một chiều. Có điều từ nay, giai thoại ASEAN là câu lạc bộ của các chính khách nói mà không làm, là nato theo nghĩa “no action talk only” sẽ cuốn theo chiều gió! Các nhà lãnh đạo của 600 triệu con người hiểu được tính cấp bách của việc phải tăng cường tính định chế tập thể để Hiệp hội có thể trở thành một trong những trụ cột chiến lược ở Đông Nam Á.


    ASEAN với nghi thức truyền thống tại lễ khai mạc hội nghị AMM-43 ngày 20/7 vừa qua ở Hà Nội. Ảnh: LAD


    Tuyên bố chung AMM-43 khẳng định quyết tâm của 10 nước thành viên sẽ đi theo lộ trình liên kết toàn diện giữa các nước trong khối và với các bên đối thoại, hoàn thiện các cơ chế hợp tác, theo hướng tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình Đông Á. Chưa bao giờ triết lý “một vì tất cả, tất cả vì một” được thể hiện một cách năng động như vậy. Một cộng đồng sẽ liên kết tất cả các thành viên và mỗi thành viên sẽ gắn kết, hợp tác với nhau và với các đối tác bên ngoài để tạo sức mạnh cho cộng đồng.

    44 đại sứ “ngoài khối” đã và sẽ được bổ nhiệm bên cạnh Hiệp hội nói lên mức độ thành công trong chính sách đối ngoại của ASEAN. Trong khuôn khổ APT (ASEAN+3), Hiệp hội đẩy mạnh quan hệ “đối tác chiến lược” với Trung Quốc, Nhật Bản và sẽ nâng “đối tác toàn diện” với Hàn Quốc thành “đối tác chiến lược”.

    Cấp cao ASEAN với Mỹ, Nga, LHQ, kế hoạch hành động với Ấn Độ là những cột mốc được đón đợi để mở rộng hơn nữa mạng kết nối trong tương lai. Mỹ, Nga tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) đánh dấu sự cam kết sâu rộng hơn của các đối tác lớn vào quá trình liên kết khu vực.

    15 năm tham gia Hiệp hội, Việt Nam đã có những đóng góp hết sức trách nhiệm và hữu ích đối với Tổ chức theo như nhận xét của chính Tổng thư ký ASEAN. Việt Nam thực sự đã cùng với khu vực bước vào kỷ nguyên của đoàn kết, hợp tác và hội nhập. Việt Nam đã tích cực, chủ động cùng các thành viên khác kiến tạo và hiện thực hóa tầm nhìn và hành động của ASEAN. Trong tuần qua, chúng ta đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng của bạn bè, đối tác và sự mong đợi của cộng đồng quốc tế vào vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong liên kết nội khối cũng như hợp tác với các đối tác bên ngoài.

    Làn gió mới lần này hy vọng tiếp tục thổi xuyên suốt cấp cao ASEAN-17. Để thực sự trở thành những cổ đông có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó các thách thức toàn cầu hiện nay, cả truyền thống lẫn phi truyền thống, Việt Nam cùng các thành viên khác không thể không bàn các cách thức hành động, kể cả ngoài “phương thức ASEAN”. Năm lĩnh vực thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “đặt hàng” cho các Ngoại trưởng của Hiệp hội chính là để đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa Hiến chương ASEAN nhằm xây dựng cộng đồng chung.

    Biển Đông và ARF

    Sân khấu ngoại giao của ARF-17 chưa hạ màn thì Trung Mỹ đã lại khẩu chiến gay gắt. Trực tiếp găng nhau trên hai vấn đề. Đầu tiên là chuyện Biển Đông. Vừa từ Việt Nam trở lại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc viết trên mạng rằng, khuyến khích giải pháp đa phương về Biển Đông là cách để Mỹ tấn công Bắc Kinh.

    Theo ông Dương Khiết Trì, ASEAN không phải là diễn đàn để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, hồ sơ này phải giải quyết song phương (?). Sau đó là chuyện tập trận. Mấy tháng nay, hai nước liên tục công bố các kế hoạch tập trận hải quân để nắn gân nhau trên vùng biển Thái Bình Dương.

    Trung Quốc lâu nay tuyên bố Tây Tạng và Đài Loan là vùng “quyền lợi quốc gia cốt lõi”, đồng thời cảnh cáo các nước chớ có can thiệp vào các vấn đề nội bộ đó. Từ đầu năm nay, Trung Quốc bắt đầu áp dụng cách tiếp cận này đối với vùng Biển Đông khi tuyên bố vùng biển này thuộc vào “quyền lợi cốt lõi” của Bắc Kinh. Đòi hỏi này không chỉ đe dọa lợi ích về dầu hỏa và ngư nghiệp của Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Đài Loan, mà còn vi phạm quyền tự do hàng hải của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác.

    Nhưng “siêu” như Mỹ rồi cũng phải quay lại chủ nghĩa đa phương. Trong thời đại quan hệ quốc tế phần nào được dân chủ hóa, các quốc gia, bất kể lớn nhỏ đều phải tùy thuộc lẫn nhau, nhất là khi con tàu Titanic của kinh tế thế giới đang chao đảo. Không một nước nào, dù là “siêu” hay “đại”, có thể một mình múa gậy vườn hoang, tiến hành chính sách pháo hạm, cá lớn nuốt cá bé. Nhân loại đã trưởng thành, khu vực đang vươn ra thế giới, mọi mưu toan và hành động bá quyền chắc chắn sẽ gặp phải sự chống đối quyết liệt.

    Các quốc gia thành viên diễn đàn ARF đã chứng tỏ thế lực chính trị của mình bằng cách lên tiếng phản đối mọi hành động đe dọa an ninh của khu vực và ổn định của các nước khác. Các ngoại trưởng ASEAN khẳng định lại tầm quan trọng của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với tư cách là văn kiện mang tính cột mốc giữa ASEAN và Trung Quốc, thể hiện cam kết chung nhằm bảo đảm giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực.

    Các nước ASEAN đang đón đợi việc hoàn tất một Bộ quy tắc ứng xử khu vực tại biển Đông (COC), văn bản mang tính chất ràng buộc về pháp lý nhiều hơn so với DOC ký cách đây 8 năm với Bắc Kinh. Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng về đề nghị này. Trong tiếp xúc với báo chí bên lề AMM-43, Tổng thư ký Surin Pitsuwan cho biết ASEAN hy vọng vào cuối năm nay sẽ đạt được một số tiến bộ cụ thể về những quy tắc ứng xử mà các nước liên quan đến chủ quyền Biển Đông phải tôn trọng.

    Năng động và cân bằng tích cực

    Đúng vào tuần lễ ASEAN vừa qua, Asia Society đã tổ chức buổi tiếp đón Thủ tướng Lý Hiển Long tại Mỹ. Viễn Đông trong thế kỷ tới là đề tài của hội thảo. Tương lai Viễn Đông sẽ đóng một vai trò rất quan trọng, tại đấy sự cạnh tranh về kinh tế giữa các quốc gia sẽ có cường độ mạnh hơn sự cạnh tranh về chính trị và quân sự. Hiện nay có “bốn Great P” là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. P ở đây có thể Pacific hay là Partners. Thế kỷ tới sẽ có 8 P và nếu quốc gia nào lãnh đạo giỏi thì sẽ xuất hiện những “P” mới.

    “Một cây làm chẳng nên non”. Từng cá thể đơn lẻ trong Hiệp hội chắc chắn khó có thể trở thành một “P” nào cả. Đấy cũng là nhận thức khởi thủy khi Cấp cao ASEAN-16 ở Hà Nội bày tỏ ý chí chính trị mạnh mẽ trong quyết tâm xây dựng ASEAN thành một cộng đồng tự cường, năng động và bền vững với lộ trình “gắn kết về chính trị, hội nhập về kinh tế và có trách nhiệm về xã hội”. Từ đấy, năng động thứ hai của ASEAN, sự tham gia của những công dân ASEAN vào quá trình xây dựng cộng đồng đã được nhấn mạnh.

    Ở Đông Nam Á hiện nay, một chủ soái thế giới đang đụng đầu với một bá chủ địa phương mà sức mạnh ngày càng tăng và lòng tin vào giá trị riêng của mình chưa có dấu hiệu gì giảm sút, từ cả hai phía. Ðụng độ hay không đụng độ giữa hai thế lực này là thử thách lớn nhất của ngoại giao Mỹ và đương nhiên cũng là thử thách lớn nhất của ngoại giao Trung Quốc. Tránh không trở thành quân bài trong ván bài lớn này giữa hai đại cường là câu chuyện của nền ngoại giao ASEAN.

    Trước một quan hệ Trung - Mỹ không vững chắc, các nước ASEAN đang hết sức tỉnh táo. Mỹ và Trung Quốc vừa tranh chấp vừa hợp tác với nhau, trong những vấn đề tranh chấp có những tranh chấp cực kỳ quan trọng. Khi không muốn nói đến đụng độ, hai bên đều nhấn mạnh hợp tác. Trung Quốc vì đang nghĩ trước tiên đến chuyện làm giàu để mạnh, Mỹ vì coi hợp tác với Trung Quốc là sách lược. Sách lược đó mang tên Engagement (can dự và dẫn dụ), đi với Trung Quốc, đưa Trung Quốc vào mạng lưới trao đổi ràng buộc đôi bên trong mọi lĩnh vực.

    Trước thực tế ngặt nghèo và ít sự lựa chọn như vậy, nhiều nước trong ASEAN chủ trương triển khai chiến lược cân bằng tích cực để ứng phó, đối trị với bất trắc. Cân bằng tích cực, tức là ASEAN sẽ đẩy nhanh tiến trình xây dựng cộng đồng, biến mình thành một trong những sức mạnh của APT, của ARF. Khác với cân bằng tiêu cực, bị động trong trò chơi thăng bằng giữa các nước lớn với nhau. Vì khi đó, chìa khóa ổn định lại nằm trong tay các nước lớn, cụ thể là nằm trong chính mối quan hệ bất trắc Trung - Mỹ.

    Đinh Hoàng Thắng




    Posted by VietNamNet on July 28, 2010 at 02:06:18:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]