Trung Quốc đe nẹt, Hoa Kỳ đối mặt: Khối ASEAN đua nhau mua thêm võ khí

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Trung Quốc đe nẹt, Hoa Kỳ đối mặt: Khối ASEAN đua nhau mua thêm võ khí

    Monday, August 09, 2010







    Triệu Phong/Người Việt (tổng hợp)


    HÀ NỘI - Các quốc gia Ðông Nam Á đang tăng cường củng cố quân đội, trang bị thêm phi cơ, tàu ngầm ở mức độ kỷ lục, nhích lại gần hơn với Hoa Kỳ trên phương diện chiến lược như một rào chắn ngăn chặn sự trỗi dậy và chống lại thái độ muốn kiểm soát toàn thể biển Ðông của Trung Quốc, theo Washington Post.

    Số lượng vũ khí các nước trong vùng mua thêm đã tăng gấp đôi từ năm 2005 đến 2009 so với 5 năm trước đó, theo dữ liệu của Stockholm International Peace Research Institute công bố năm nay.

    Tàu ngầm hạng Kilo do Nga chế tạo. (Hình: NavalTechnology.com)

    Báo cáo cho thấy việc mua sắm vũ khí vẫn còn tiếp tục, theo đó Việt Nam đồng ý trả cho Nga $2.4 tỉ để mua sáu tiềm thủy đỉnh hạng Kilo (đợt chuyển giao đầu tiên vào năm 2010 và hoàn tất vào năm 2015) và chừng mười chiến đấu cơ Sukhoi 30 MKK có trang bị để chiến đấu trên biển.

    Theo NavalTechnology.com, tàu ngầm Kilo được xem là loại êm nhất thế giới, có khả năng dò được tàu đối phương ở tầm rộng gấp ba bốn lần so với tầm mà đối phương dò tìm được chính nó. Tầm hoạt động 400 dặm dưới nước và 7,500 dặm trên bề mặt. Tàu trang bị sáu ngư lôi 533mm trước mũi, sáu dàn phóng ngư lôi khác bắn ra được 18 ngư lôi và dự trữ thêm 12 ngư lôi khác. Ngoài ra các dàn phóng có thể rải được 24 trái mìn. Tàu ngầm Kilo còn trang bị thêm 8 phi đạn chống máy bay Strela-3 có tầm bắn xa 6km và tốc độ hơn gấp rưỡi tốc độ âm thanh.

    Theo Wikipedia, chiến đấu cơ Su-30MKK là loại phản lực cơ đa năng, hai chỗ ngồi, có trang bị phi đạn không đối không, không đối địa, bom điều khiển bằng radar. Sức chuyên chở là 25 tấn. Tầm hoạt động 3,000km, bay cao hơn 17 cây số, và vận tốc là 2,120km.

    Cũng theo Washington Post, trong khi đó Úc lo củng cố quân đội của mình bằng cách mua hay tự đóng thêm 9 tàu ngầm, mua thêm của Hoa Kỳ 100 chiến đấu cơ F35. Malaysia bỏ ra $1 tỉ để mua của Pháp hai tiềm thủy đỉnh chạy bằng diesel, và Indonesia gần đây loan báo cũng muốn mua thêm tàu ngầm mới.

    Viện Sách Lược Quốc Tế Úc trong phần kết một bản báo cáo có đoạn nói, “Thay vì dựa thế vươn lên của Trung Quốc để đối trọng với vai trò dẫn đạo của Hoa Kỳ, hầu hết các nước ở Á Châu tuồng như lại âm thầm nối đuôi sau lưng Hoa Kỳ để cần bằng ảnh hưởng của Trung Quốc mà người ta tin có thể có trong tương lai.”

    --------------------------------------------------------------------------------
    Có lẽ Hoa Kỳ muốn đặt Trung Quốc về lại vị trí của họ, hoặc đơn giản, đây là phản ứng của Hoa Kỳ trước các quan ngại do khối ASEAN đưa ra, chẳng hạn quan ngại của Việt Nm đối với thái độ ngày càng quả quyết của Trung Quốc. Bất kể ý đồ thực của Washington là gì, các quốc gia Ðông Nam Châu Á hiện đang có tranh chấp (lãnh hải, với Trung Quốc), nên cảm thấy khích lệ trước các phát biểu của Ngoại Trưởng Clinton...

    (Straits Times, 10 tháng 8)


    --------------------------------------------------------------------------------

    Trong khi Hoa Kỳ thẳng thắn đối mặt với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Ðông, Hà Nội thì chứng minh với Bắc Kinh rằng sự mở rộng, một cách nhanh chóng, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng trở nên thực chất, nhất là nếu nhắc đến quyết định rõ ràng của Tòa Bạch Ốc mở rộng quan hệ hạt nhân với Việt Nam.

    (Council on Foreign Relations, 10 tháng 8)


    --------------------------------------------------------------------------------

    Năm 2009, khi được yêu cầu chọn một quốc gia có thể đóng vai trò lớn nhất cho hòa bình và ổn định của khu vực trong 10 năm tới, các chuyên gia chiến lược (strategic elites) trong vùng đồng loạt chọn Hoa Kỳ... Về phía quốc gia có thể gây đe dọa lớn nhất trong vùng, cuộc thăm dò cho thấy đó là Trung Quốc, chứ không phải Bắc Hàn.

    (Washington Post, 9 tháng 8)


    --------------------------------------------------------------------------------


    Năm 2009, khi được hỏi hãy chọn một quốc gia có vai trò cung ứng nguồn hòa bình và ổn định nhất trong khu vực trong vòng 10 năm tới, “các nhà chiến lược cừ khôi” trong vùng đều khẳng định đó là Hoa Kỳ, theo thăm dò của Center for Strategic and International Studies ở Washington. Ngược lại, họ cho Trung Quốc chứ không phải Bắc Hàn là quốc gia gây đe dọa nhiều nhất trong khu vực.

    Giới thạo tin nhận xét rằng Việt Nam thu mua vũ khí có tầm quan trọng đặc biệt vì nhắm đến việc làm nản lòng Trung Quốc. Ðặc biệt là Việt Nam cố gắng tạo sức phòng thủ vùng duyên hải đủ mạnh để Trung Quốc phải suy nghĩ kỹ lại trước khi đẩy mạnh việc thi hành điều mình tuyên bố.

    Washington Post trích thuật lời của Giáo Sư Carl Thayer thuộc Autralian Defence Force Academy, “Việt Nam hiện đổ ra nhiều tiền tập trung vào vùng biển với tàu ngầm, chiến đấu cơ và ngay cả phi đạn nữa.”

    Việt Nam đang vươn ra với nhiều đối tác khác nhau, như có liên hệ chặt chẽ với Ấn Ðộ, một đối thủ chính của Trung Quốc ở trong khu vực. Quân đội Ấn cho triển khai nhiều tàu ngầm Kilo mà người ta tin là để huấn luyện thủy thủ Việt Nam học cách hoạt động các tiềm thủy đỉnh.

    Ðồng thời Việt Nam cũng gia tăng gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Viên chức quân sự lẫn chính quyền giữa hai nước gặp gỡ nhau thường xuyên, đôi bên có những cuộc thảo luận về quan hệ chiến lược. Những cuộc gặp gỡ cấp cao để bình thường hóa một sự liên hệ về quân sự dự trù sẽ diễn ra trong năm nay. Trao đổi mậu dịch giữa hai nước tăng từ $2.91 tỉ trong năm 2002 lên $15.4 tỉ vào năm 2009.

    Theo đài quốc tế RFI, mối quan hệ này cũng đang được mở rộng trong lĩnh vực hạt nhân, với thông tin báo chí Mỹ, theo đó, Hoa Kỳ đang đàm phán với Việt Nam một hiệp định về việc chia sẻ công nghệ và nhiên liệu hạt nhân dân sự. Bắc Kinh đã phản ứng mạnh trước thông tin này, bởi vì hiệp định nói trên sẽ cho phép Việt Nam làm giàu chất uranium trên lãnh thổ của mình. Phía Mỹ đã xác nhận tin đó, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm Thứ Sáu vừa qua đã lên tiếng cải chính.


    Chiến đấu cơ của Nga Sukhoi 33MKK. (Hình: SinoDefense.com)


    Cũng theo RFI, sau khi tham dự cuộc tập trận quân sự với Nam Hàn vào giữa Tháng Bảy, hàng không mẫu hạm USS George Washington cập bến Ðà Nẵng hôm Chủ Nhật 8 Tháng Tám. Về mặt chính thức, chuyến viếng thăm này nằm trong khuôn khổ đợt kỷ niệm 15 năm bình thường hóa bang giao Mỹ-Việt, nhưng nó cũng cho thấy mối quan tâm ngày càng lớn của Hoa Kỳ đến việc duy trì ổn định và an ninh ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Sự hiện diện của hàng không mẫu hạm này tại một bến cảng của Việt Nam nhằm cho thấy Mỹ không để cho Trung Quốc tự do tung hoành trong khu vực.

    Theo AP, các giới chức hải quân Hoa Kỳ cho biết, trong mấy ngày qua các tàu hải quân của Trung Quốc liên tục theo dõi chiếc USS Washington từ xa, khi hàng không mẫu hạm này tiến vào biển Ðông.

    Theo tin của VOA, hạm trưởng chiếc USS Washington, Ross Myers hôm Chủ Nhật nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của vùng lãnh hải tại biển Ðông và sự tự do lưu thông trong khu vực này là điều thiết yếu đối với cả hai nước Việt-Mỹ.

    Khi được hỏi ông nghĩ gì về sự lấn lướt của Trung Quốc tại khu vực, hạm trưởng Myers nói ông biết chính phủ và nhân dân Trung Quốc đang ra sức bảo vệ quyền lợi của họ, nhưng quan trọng hơn là Việt Nam và các nước đối tác phải chứng tỏ rằng họ cũng có quyền bình đẳng về thịnh vượng kinh tế và hòa bình trong khu vực.

    Ðậu thường trực ở Nhật Bản, hàng không mẫu hạm USS George Washington được ví như là một thành phố nổi, vì nó có thể chở được đến 70 phi cơ, hơn 5 ngàn thủy thủ và phi công, cộng thêm một khối lượng bom khoảng 1.8 triệu kg, theo RFI. Xét về quan hệ Mỹ-Việt thì chuyến viếng thăm lần này của USS George Washington có tính biểu tượng rất cao, bởi vì Ðà Nẵng từng là căn cứ lớn của quân đội Mỹ trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Nhưng về mặt hành chính, Ðà Nẵng cũng là nơi đặt trụ sở huyện đảo Hoàng Sa với tư cách là thành phố quản lý quần đảo này.

    USS George Washington đến Ðà Nẵng vào lúc mà vấn đề chủ quyền biển Ðông ngày càng nóng bỏng. Trong số các quốc gia tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa với Trung Quốc, Việt Nam vẫn lên tiếng mạnh nhất, phản đối kế hoạch của Bắc Kinh phát triển du lịch ở khu vực này và cách đây vài ngày đã phản đối việc Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chấn gần Hoàng Sa.

    Ðiều chắc chắn là việc Hoa Kỳ ngày càng khẳng định sự hiện diện ở khu vực Ðông Nam Á là một yếu tố thuận lợi cho Việt Nam, vốn không thể một mình chống lại tham vọng bá quyền của Trung Quốc, mà cũng không thể dựa vào các đối tác ASEAN.

    Trong hồ sơ này, Việt Nam có vẻ đang có sự hậu thuẫn ngày càng mạnh của Hoa Kỳ, với việc Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton, nhân cuộc họp Diễn Ðàn Khu Vực ASEAN tại Hà Nội vào tháng trước, đã kêu gọi Trung Quốc giải quyết vấn đề chủ quyền biển Ðông với các nước Ðông Nam Á. Bà Clinton còn tuyên bố rằng giải quyết những đòi hỏi chủ quyền nói trên cũng là vấn đề quyền lợi quốc gia đối với Hoa Kỳ. Lời kêu gọi nói trên của ngoại trưởng Mỹ đã khiến Trung Quốc giận dữ, theo RFI.

    Theo BBC, bài báo đăng trên trang nhà của China Daily ghi nhận sự có mặt của tàu sân bay và nhắc lại chỉ mới tuần trước, người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc tiến hành khảo sát địa chấn, san lấp và mở rộng đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa.

    Một ngày sau đó, người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Khương Du nói nước này phản đối mọi bình luận và hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và vùng biển kế cận ở biển Ðông.

    China Daily dẫn lời ông Su Hao, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Quản Lý Xung Ðột và Chiến Lược thuộc Học Viện Ngoại Giao của Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc “là nước đầu tiên phát hiện và đặt tên cho Tây Sa ở Nam Hải và cũng là nước đầu tiên chính thức đặt Nam Hải dưới quyền quản lý của chính phủ.”

    Tiếp lời, ông Xu Liping của Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, nhắc lại rằng khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, thì không thấy nhắc chủ quyền Trung Quốc ở Tây Sa và vùng biển lân cận, cũng theo BBC.

    Ông này cáo buộc Việt Nam “nay đang thách thức nguyên trạng lâu nay mà chẳng có bằng chứng lịch sử và pháp lý, và bình luận của nước này trùng khớp với quan điểm của Mỹ”.

    Ông Su Hao cho rằng Việt Nam đã “cố tình” đưa ra vấn đề biển Ðông ở Diễn Ðàn Khu Vực ASEAN tại Hà Nội, nơi Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Mỹ quan tâm giải quyết tranh chấp biển đảo.

    Nhưng ông này cho rằng hai nước Mỹ-Việt “sẽ chẳng quá thân thiết, hiện tại họ chỉ lấy của nhau những gì họ đang cần mà thôi”.

    BBC trích thuật nhận xét của Giáo Sư Thayer, “Theo tôi việc Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố thẳng thừng rằng họ không chấp nhận cơ sở mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại biển Ðông, rằng chuyện này phải dựa trên luật pháp quốc tế, chắc là được các nước liên quan hoan nghênh, trong đó có Philippines, Malaysia và Việt Nam, vốn cũng nhận chủ quyền. Ðó là vì Trung Quốc chỉ nói họ có chủ quyền không thể chối cãi dựa trên lịch sử, mà không dựa vào công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc.”

    Ðược BBC hỏi Việt Nam nên chuẩn bị những gì nếu tính đến tiềm lực không mạnh và không đủ khả năng để mua các loại vũ khí, kỹ thuật tối tân? Giáo Sư Thayer đáp rằng, ngoài việc mua thêm tàu ngầm và chiến đấu cơ của Nga, “cho thấy Việt Nam đang có các biện pháp tự cứu mình. Họ đang mua các thiết bị để bảo vệ tài sản của mình, và đây là điều quan trọng.

    “Một điều nữa là Việt Nam vẫn còn 6 tháng nữa để nắm chức chủ tịch ASEAN, và sẽ chủ trì các phiên họp quan trọng, đặc biệt vào Tháng Mười năm nay có hội nghị đầu tiên của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN với các đối tác và thượng đỉnh ASEAN với các đối tác cấp cao.”

    “Thế nên thay vì biến chuyện này thành chuyện giữa Trung Quốc-Việt Nam, hay chuyện giữa Hoa Kỳ-Việt Nam-Trung Quốc, người ta nên biến chuyện này thành đa phương, với nhiều bên tham gia trong khu vực.”

    “Vì thế dạng tranh chấp biển Ðông, nói ví von, là đang được đưa ra tòa cấp cao hơn, lên cấp lãnh đạo, để giải quyết. Do vậy, Việt Nam có thể tìm cách tránh khó khăn này bằng cách đưa vấn đề chỉ từ cấp song phương như hiện nay lên cấp đa phương là tốt nhất.”

    VOA tường trình rằng quan hệ hợp tác quân sự Việt-Mỹ gia tăng kể từ khi tàu chiến đầu tiên của Hoa Kỳ ghé thăm Sài Gòn hồi năm 2003, cùng với các cuộc đàm phán cấp cao giữa giới chức quốc phòng đôi bên và các buổi huấn luyện.

    BBC trích thuật lời Giáo Sư Thayer rằng năm ngoái các giới chức quân sự Việt Nam đã lên thăm hàng không mẫu hạm John C. Stennies ở biển Ðông. Tại Washington, phó đại sứ Việt Nam lên thăm hàng không mẫu hạm mới nhất của Mỹ George Bush. Giờ đây chúng ta chứng kiến chuyến thăm của tàu George Washington, vốn là chiến hạm đóng thường trực tại Thái Bình Dương, kết nối các sự kiện này lại với nhau, chắc Trung Quốc sẽ phẫn nộ lắm.

    Ngày hôm qua, giờ Việt Nam, khu trục hạm John S. McCain ghé Ðà Nẵng. Dự tính, hải quân Việt-Mỹ tổ chức những cuộc trao đổi văn hóa, mở các buổi tập luyện về hoạt động tìm kiếm và cứu cấp. (T.P.)




    Posted by nguoi-viet.com on August 11, 2010 at 23:53:18:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]