“Quốc tế hóa các tranh chấp ở biển Đông Nam Á” chỉ có lợi khi… (phần 1)

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    “Quốc tế hóa các tranh chấp ở biển Đông Nam Á” chỉ có lợi khi… (phần 1)

    Ngọc Trân và Trân Văn, thông tín viên RFA
    2010-08-15
    Kể từ khi Trung Quốc gia tăng những hoạt động nhằm xác lập chủ quyền tại khu vực biển Nam Trung Hoa – tên quốc tế cho vùng biển mà Việt Nam gọi là biển Đông, người ta bắt đầu bàn đến vấn đề “Quốc tế hóa các tranh chấp ở biển Đông”.


    Photo courtesy of Wikipedia

    Khu vực chanh chấp phóng to


    Vì sao cần “Quốc tế hóa các tranh chấp ở biển Đông”? Việt Nam phải làm gì để có thể đạt được lợi ích tốt nhất cho mình khi tham gia vào tiến trình này?

    Đây sẽ là chủ đề chính của cuộc thảo luận giữa Trân Văn và Ngọc Trân với hai nhà nghiên cứu, một đang sống tại Việt Nam là ông Đinh Kim Phúc – chuyên nghiên cứu lịch sử Việt Nam, làm việc tại Khoa Đông Nam Á học, Đại học Mở TP.HCM, và một đang cư trú tại Hoa Kỳ là ông Lê Xuân Khoa – từng là Viện phó Viện Đại học Sài Gòn, sau đó nghiên cứu và giảng dạy về quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins.

    Cơ hội đi kèm thách thức
    Trân Văn: Thưa các ông, các tranh chấp về chủ quyền ở biển Đông càng ngày càng có vẻ nghiêm trọng cả về tính chất, lẫn mức độ tác động của chúng đến cục diện chính trị không chỉ riêng ở khu vực Đông Nam Á.

    Có lẽ đây là lý do chính khiến càng ngày càng nhiều người đề cập đến ý tưởng “Quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông”.

    Với những gì đã diễn ra trên thực tế, một số người cho rằng, “Quốc tế hóa các tranh chấp ở biển Đông” sẽ vừa là thách thức, vừa là cơ hội của Việt Nam . Các ông có nghĩ như thế không?


    Ông Đinh Kim Phúc. RFA photo. Ông Đinh Kim Phúc: Theo tôi, bước đầu chúng ta nên thống nhất tên gọi biển Đông là biển Đông Nam Á.

    Ở đây có hai vấn đề: Trước nhất, sự thách thức là bắt nguồn từ tham vọng truyền thống của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á. Hiện nay vì luận cứ và luận chứng của họ yếu nên họ không muốn nói chuyện đa phương để giải quyết việc tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa nói riêng và khu vực biển Đông Nam Á nói chung. Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương, với mục đích sử dụng lợi thế của một nước lớn, mặc cả và gây sức ép với từng nước nhỏ đang tranh chấp.

    Mặc dù việc tranh chấp liên quan đến nhiều nước trong khu vực, nhưng các nước không hợp lại với nhau thành một khối để có tiếng nói chung trong vấn đề tranh chấp.

    Còn cơ hội là Việt Nam, các nước Đông Nam Á và đa số cường quốc trên thế giới đều có chung một quyền lợi chiến lược ở khu vực này là an ninh khu vực và tự do hàng hải theo thông lệ quốc tế.

    Mỹ đã lên tiếng ủng hộ quan điểm quốc tế hóa biển Đông của các nước đang tranh chấp, qua bài phát biểu của bà Clinton, Ngoại trưởng Mỹ tại Diễn đàn Khu vực ASEAN cuối tháng 7 vừa qua.

    Ngọc Trân: Còn ông Lê Xuân Khoa, thưa ông, ông nghĩ thế nào về vấn đề mà chúng tôi vừa nêu?

    Ông Lê Xuân Khoa: Trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, tôi muốn nói đến cơ hội cho Việt Nam trước khi nói đến thách thức.

    “Quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông không những chỉ giúp cho Việt Nam thoát ra khỏi hiểm họa Trung Quốc mà còn giúp cho các nước ASEAN vì không nước nào muốn thấy Trung Quốc dùng Việt Nam làm bàn đạp để thực hiện tham vọng bành trướng chủ quyền trong khu vực.

    Ô. Lê Xuân Khoa

    Đây là cơ hội vô cùng thuận lợi cho Việt Nam vì tại diễn đàn ASEAN hồi tháng bảy vừa qua, Hoa Kỳ và các nước ASEAN đều phát biểu quan điểm chung là cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình trên căn bản đa phương và tôn trọng luật lệ quốc tế về lưu thông hàng hải.

    Quan điểm chung này ngăn chặn chính sách “chia để trị” của Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á bằng những cuộc thảo luận song phương, vừa mua chuộc vừa đe dọa với từng nước, để rồi sau hết sẽ thống lĩnh toàn thể khu vực. “Quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông không những chỉ giúp cho Việt Nam thoát ra khỏi hiểm họa Trung Quốc mà còn giúp cho các nước ASEAN vì không nước nào muốn thấy Trung Quốc dùng Việt Nam làm bàn đạp để thực hiện tham vọng bành trướng chủ quyền trong khu vực. Vì vậy các nước ASEAN sẽ càng phải đoàn kết và hậu thuẫn mạnh mẽ cho Việt Nam.

    Bây giờ nói đến thách thức thì đây là thách thức đối với chính quyền Việt Nam, vì cho đến rất gần đây chính quyền Việt Nam vẫn cho thấy sự thiên lệch, có thể nói là lệ thuộc, của họ đối với Trung Quốc nhằm bảo vệ quyền lực và quyền lợi của Đảng và chế độ.


    Ngoại trưởng Hillary Clinton tại hội nghị khu vực ASEAN 17 hôm 23-07-2010. AFP PHOTO / Paul J. Richards Trước thái độ ngang ngược và lấn tới của Trung Quốc, những khẩu hiệu “bốn tốt” và “mười sáu chữ vàng” đã trở thành trò hề, và nguy cơ mất nước đã trở nên quá hiển nhiên, Đảng và Nhà Nước cần phải chọn giải pháp “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, thay đổi chính sách lệ thuộc đối với Trung Quốc, thay đổi chính sách đối nội tức là từ bỏ chế độ độc tài toàn trị và thực hiện tiến trình dân chủ hóa. Liệu Đảng và Nhà nước có đủ quyết tâm và dũng cảm chấp nhận thách thức này và biến nó thành cơ hội để cứu nước và tự cứu mình hay không?

    Tại sao nên thay đổi cách gọi biển Đông?

    Trân Văn: Thưa ông Phúc, hình như ông không phải là người đầu tiên đề nghị thay đổi cách gọi biển Đông thành biển Đông Nam Á. Đề nghị thay đổi cách gọi biển Đông của học giới hình như là một phần của nỗ lực chung trong cuộc vận động “Quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông”. Ông có thể giải thích thêm vì sao cần thay đổi cách gọi biển Đông không?

    Ông Đinh Kim Phúc: Tôi nghĩ, mặc dù tên gọi không phản ánh chủ quyền quốc gia theo những quy định của luật pháp quốc tế, nhưng tên gọi biển Nam Trung Hoa hiện đang được Trung Quốc sử dụng như một vũ khí để đánh lừa dư luận quốc tế.

    Tôi nghĩ, mặc dù tên gọi không phản ánh chủ quyền quốc gia theo những quy định của luật pháp quốc tế, nhưng tên gọi biển Nam Trung Hoa hiện đang được Trung Quốc sử dụng như một vũ khí để đánh lừa dư luận quốc tế.


    Ông Đinh Kim PhúcViệc đề nghị đổi tên biển Nam Trung Hoa thành biển Đông Nam Á một mặt để đấu tranh chống lại cái gọi là “miền Đông Hải của Trung Quốc”, mặc khác nó cũng thể hiện ý chí hòa bình và hữu nghị giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á.

    Ông Lê Xuân Khoa: Tôi đồng ý với câu trả lời của ông Đinh Kim Phúc. Tôi muốn nhận xét thêm rằng việc đổi tên biển sẽ không được đặt thành vấn đề nếu Trung Quốc không lạm dụng tên Biển Nam Trung Hoa để đòi hỏi chủ quyền của họ.

    Việc một quốc gia dùng tên nước của họ để đặt tên cho vùng biển kế cận chỉ là một cách thuận tiện để ấn định vị trí địa lý chứ không phải để xác nhận chủ quyền. Như vậy, Biển Nam Trung Hoa chỉ có nghĩa là vùng biển ở phía Nam của Trung Hoa, cũng như Biển Đông Việt Nam chỉ có nghĩa là vùng biển ở phía Đông của Việt Nam.

    Từ xưa đến nay giữa hai nước không có vấn đề tranh chấp vì những tên gọi như vậy, cho đến gần đây khi Trung Quốc thấy có cơ hội bành trướng trong khu vực đã tuyên bố chủ quyền của họ trên toàn thể vùng biển tiếp giáp tất cả các nước Đông Nam Á.


    Ông Lê Xuân Khoa (áo xanh). RFA photo. Việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên Biển Nam Trung Hoa không thể được quốc tế chấp nhận, vì như vậy, Ấn Độ cũng có thể đòi hỏi chủ quyền của nước họ trên toàn thể Ấn Độ Dương, hay ít ra cũng trên hai vùng biển tiếp giáp với bờ biển phía Đông và phía Tây của Ấn Độ, gây tranh chấp với một số các quốc gia Đông Nam Á và một số các quốc gia Trung Đông và Phi châu.


    Bởi thế, để vô hiệu hóa đòi hỏi phi lý của Trung Quốc, cần chính danh hóa vùng biển phía Nam của Trung Quốc và phía Đông của Việt Nam bằng tên đúng của nó là Biển Đông Nam Á. Giới học giả Việt Nam và ngoại quốc đã đưa ra đề nghị đổi tên Biển Nam Trung Hoa thành Biển Đông Nam Á từ mấy chục năm nay rồi.

    Trong tranh chấp về chủ quyền ở biển Đông Nam Á, khi Trung Quốc hơn hẳn cả về thế lẫn lực, lúc “Quốc tế hóa các tranh chấp ở biển Đông Nam Á” trở thành một cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng, nhằm bảo vệ hữu hiệu chủ quyền của mình ở vùng biển phía Đông, Việt Nam cần làm những gì để có thể đạt được lợi ích tốt nhất cho mình nếu tranh chấp được quốc tế hóa? Đó sẽ là nội dung được chúng tôi nêu ra để thảo luận với các ông Đinh Kim Phúc, Lê Xuân Khoa trong lần phát thanh tới, mời quý vị đón nghe



    Posted by RFA on August 15, 2010 at 19:58:46:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]