Quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, nên như thế nào? (phần 3) Trân Văn & Ngọc Trân, RFA Trung Quốc tuyên bố gần như toàn bộ biển đông là lãnh hải của họ. RFA Trong cuộc hội luận giữa Trân Văn và Ngọc Trân, các ông: Đinh Kim Phúc - chuyên nghiên cứu lịch sử Việt Nam, làm việc tại Khoa Đông Nam Á học, Đại học Mở TP.HCM và ông Lê Xuân Khoa – từng là Viện phó Viện Đại học Sài Gòn, sau đó nghiên cứu và giảng dạy về quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins, đã trình bày những suy nghĩ có liên quan đến vấn đề “Quốc tế hóa các tranh chấp ở biển Đông”, các điều kiện để đạt được sự đồng thuận làm hậu thuẫn về chứng cứ, luận cứ, dư luận. Mời quý vị xem phần cuối của cuộc hội luận này… Chuyện cần mà chưa làm Ngọc Trân: Vì các ông đề cập đến việc phối hợp nghiên cứu giữa học giới trong và ngoài Việt Nam nên xin nêu thêm một thắc mắc khác, đó là hình như đa số nghiên cứu của học giới người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam thường mới chỉ ngừng lại ở mức nói cho nhau nghe. Hầu hết các công trình nghiên cứu mang tính học thuật, liên quan đến chủ quyền Việt Nam của học giới người Việt chỉ nhằm giới thiệu với độc giả người Việt. Chính phủ nên tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu, ngoài việc chủ động lập ra các tổ chức nghiên cứu mang tính quốc tế để phản biện lại các quan điểm của Trung Quốc mà phía Việt Nam cho là không đúng. Ông Đinh Kim Phúc Ông Đinh Kim Phúc: Chính phủ nên tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu, ngoài việc chủ động lập ra các tổ chức nghiên cứu mang tính quốc tế để phản biện lại các quan điểm của Trung Quốc mà phía Việt Nam cho là không đúng. Các tổ chức tư nhân cũng như chính phủ nên đưa các nghiên cứu của mình ra áp dụng, chẳng hạn như sử dụng các kết quả nghiên cứu để phản bác lại các quan điểm phía Trung Quốc đưa ra.
Trân Văn: Ông Lê Xuân Khoa có muốn chia sẻ gì thêm về vấn đề này không ạ? Ông Lê Xuân Khoa: Trong cuộc hội thảo Philadelphia, chính tôi là người phát biểu nhận xét rằng hầu hết công trình nghiên cứu và đề nghị của học giới trong và ngoài nước về chủ quyền Việt Nam chỉ là viết cho nhau đọc và nói cho nhau nghe. Nhưng mục đích của tôi qua nhận xét ấy không nhằm vào sự cần thiết phải công bố với học giới nước ngoài để phản biện lại các luận điểm của Trung Quốc mà muốn nhấn mạnh vào một mục đích khác cũng rất quan trọng là những tư liệu và ý kiến của học giới Việt Nam phải được sự chú ý của những người làm chính sách ở trong nước và các nước liên quan. Tôi không biết người ở trong nước có thể làm cách nào để ảnh hưởng tới các quyết định của nhà cầm quyền, nhưng ở nước ngoài như ở Mỹ thì tiếng nói của người dân, đặc biệt là của giới trí thức thì có thể tới được nhà cầm quyền, ngay cả Tổng thống bằng nhiều ngả, trực tiếp bằng thư tín hoặc gián tiếp qua báo chí và quốc hội. Những đóng góp của học giới Việt Nam cần phải được viết bằng tiếng Anh hay dịch sang tiếng Anh thì mới có thể lôi cuốn được sự chú ý của học giới và báo giới ngoại quốc, và của những nhà làm chính sách ở Mỹ và các nước khác. Phải “dễ hiểu” hơn Chúng tôi cũng thấy rằng, vì thế và lực của Việt Nam như thế, đồng thời vì biển Đông Nam Á là khu vực có sự đan xen quyền lợi của các nước lớn nên mọi bước đi đúng là cần phải thận trọng. Tuy nhiên, thận trọng tới mức phải gọi Trung Quốc là “nước ngoài” một cách chung chung, gọi tàu Trung Quốc là “tàu lạ”, chỉ trích những hành vi ngang ngược của Trung Quốc, kêu gọi minh định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa lại bị xem là “bị các thế lực thù địch, phản động kích động” thì sự thận trọng đó trở thành khó hiểu. Ông có thể giải thích vì sao sự thận trọng lẽ ra rất cần thiết lại trở thành khó hiểu như vậy hay không?
Mặt khác, việc nghiên cứu về mối quan hệ đa chiều trong vấn đề biển Đông Nam Á không phải ai cũng biết tường tận, nhưng quan điểm của tôi là phải tôn trọng sự thật lịch sử, bên cạnh đó, tôi nghĩ những người có trách nhiệm phải thấy được những gì đang diễn ra và người dân phải được quyền biết sự thật trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay. Với tôi, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ là trên hết. Tôi tin nhà nước Việt Nam cũng nghĩ như thế. Tại sao các anh không trực tiếp nêu những câu hỏi này với nhà nước? Không có thông tin rõ ràng, không có thái độ đúng mực thì không thể có niềm tin. Thiếu tin cậy thì khó đồng thuận, mà không đồng thuận thì chắc chắn khó đoàn kết. Tôi nghĩ nhà nước Việt Nam đã thấy được điều đó. Ngọc Trân: Còn ông, thưa ông Lê Xuân Khoa, ông nghĩ thế nào ạ? Ông Lê Xuân Khoa: Để bảo vệ độc lập, chủ quyền và duy trì sự tồn tại của nòi giống Lạc Hồng, tổ tiên người Việt Nam đã áp dụng nhu đạo vào cả hai lãnh vực quân sự và ngoại giao để đối phó với láng giềng khổng lồ phương Bắc. Nói cách khác, các vua chúa đời trước chống sức mạnh của giặc ngoại xâm không bằng sự đối đầu mà bằng mưu trí, khi thắng trận thì dùng lời lẽ khôn khéo để không làm cho kẻ địch bị mất mặt. Trong 20 năm qua, chính quyền Việt Nam đã thiên về phía Trung Quốc vì lợi ích riêng tư. Tuy nhiên, trước thái độ lấn át trắng trợn của Trung Quốc đưa đến nguy cơ mất nước, lãnh đạo Việt Nam có vẻ muốn dựa vào thế quốc tế để lấy lại thế quân bình với Trung Quốc. Ông Lê Xuân Khoa
Trong 20 năm qua, chính quyền Việt Nam đã thiên về phía Trung Quốc vì lợi ích riêng tư ấy. Tuy nhiên, trước thái độ lấn át trắng trợn của Trung Quốc đưa đến nguy cơ mất nước, lãnh đạo Việt Nam có vẻ muốn dựa vào thế quốc tế để lấy lại thế quân bình với Trung Quốc. Ông Đinh Kim Phúc tin là nhà nước Việt Nam cũng đặt độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ lên trên hết. Ông nhắc nhở Đài Á châu Tự do nên trực tiếp đặt câu hỏi với nhà nước để có được thông tin rõ ràng và từ đó có thể có niềm tin và đồng thuận dân tộc. Tôi đề nghị Đài Á châu Tự do nên tìm cách phỏng vấn các nhà lãnh đạo Việt Nam trong những ngày tháng sắp tới. Trân văn: Xin cám ơn ông Đinh Kim Phúc và ông Lê Xuân Khoa.
|