Có cách nào để khai thác chung vùng tranh chấp?

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Có cách nào để khai thác chung vùng tranh chấp?

    Tác giả: Trần Hà Tĩnh
    Căng thẳng tại Biển Đông ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến hợp tác khu vực là nhận định của đa số học giả quốc tế tại Hội thảo quốc tế do Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Châu Á của Mỹ (NBR) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh hồi tháng 8 vừa qua.


    Hơn 50 học giả quốc tế và khu vực tập trung đánh giá về các nguồn năng lượng tại các vùng biển tranh chấp Châu Á, bao gồm Biển Đông, Vịnh Thái Lan và Biển Hoa Đông.

    Chung mối quan tâm với An ninh năng lượng

    Câu chuyện an ninh năng lượng là chủ đề quan trọng của Hội thảo. Một chuyên gia về năng lượng người Anh[1] nhận định rằng khi sản xuất dầu khí toàn cầu đạt đỉnh vào năm 2015 nhiều khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng của các nước xung quanh Biển Đông. Nguồn cung dầu khí càng ngày càng giảm, giá càng ngày càng cao. Lúc này, ngoại trừ Brunei, tất cả các nước xung quanh Biển Đông còn lại đều phải nhập khẩu dầu khí. Tại các nước trong khu vực, giá trị của trữ lượng dầu khí tại các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông đang được đánh giá ngày càng quan trọng.

    Tuy nhiên theo ông này, nguồn năng lượng tại Biển Đông đang được đánh giá quá cao, trên thực tế nó chỉ chiếm phần nhỏ lượng cung trong bối cảnh cầu nhập khẩu tăng mạnh trong tương lai, và không giúp giải quyết vấn đề an ninh năng lượng của các nước xung quanh mà chỉ giúp kéo dài thời kỳ "quá độ".

    Tham luận của nhóm học giả Trung Quốc thì cho rằng để xử lý vấn đề an ninh năng lượng, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á cần tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung. Trung Quốc tập trung mạnh vào việc khai thác càng nhiều càng tốt dầu mỏ và khí đốt, càng gần càng tốt (để giảm phí vận chuyển và dễ bảo vệ). Do đó, Biển Đông là một trong những hướng trọng tâm chính trong phát triển năng lượng của Trung Quốc.


    "Rào cản" cho hợp tác: Đường lưỡi bò và Quy chế pháp lý Hoàng Sa, Trường Sa


    Để xử lý phần nào vấn đề an ninh năng lượng, nhiều học giả cho rằng cần tính đến hình thức hợp tác cùng phát triển dầu khí tại các vùng biển tranh chấp. Bên cạnh đó, hợp tác cùng phát triển còn giúp xây dựng lòng tin, giảm nhẹ căng thẳng tại các vùng biển tranh chấp và là một bước tiến tới giải pháp lâu dài cho các tranh chấp. Tuy nhiên vấn đề nan giải nhất là khu vực hợp tác.

    Một số học giả Phương Tây và ASEAN cho rằng tại Biển Đông tồn tại hai "rào cản" ảnh hưởng đến việc xác định khu vực hợp tác. Thứ nhất là "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc, do lấn sâu vào các vùng biển của các quốc gia khác, không xác định rõ tọa độ và quy chế pháp lý. Thứ hai là các tranh luận về quy chế pháp lý của các vị trí tại Hoàng Sa, Trường Sa, Scaborough trong việc xác định phạm vi vùng biển xung quanh.

    Liên quan đến vấn đề này, một số tham luận và phát biểu phân tích về ảnh hưởng của các Báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa. Đa số học giả cho rằng các báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa nói chung và ở Biển Đông nói riêng đã góp phần làm rõ yêu sách của các bên liên quan đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

    Hơn nữa, tại Biển Đông, các nước ASEAN xung quanh như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và mới đây là Indonesia đã "đồng thuận" coi các vị trí tại Hoàng Sa, Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, mà chỉ có lãnh hải 12 hải lý. Trung Quốc hiện đang bị "cô lập" trong vấn đề này. Nhiều học giả kêu gọi Trung Quốc cần phải công khai rõ yêu sách của mình tại Biển Đông, đặc biệt là cần giải thích rõ về đường lưỡi bò.

    Cũng liên quan đến phạm vi ảnh hưởng của đảo, tham luận của một vị tiến sỹ đến từ Đài Loan và tham luận của 1 học giả Úc phân tích về các phán quyết gần đây của Tòa án Công lý quốc tế, bao gồm phán quyết về phân định biển giữa Rumani và Ucraina có liên quan đến Đảo Rắn. Một số ý chính được rút ra: thứ nhất, phương án sử dụng Tòa án để giải quyết tranh chấp đang được nhiều nước lựa chọn; thứ hai, vấn đề phân định biển chỉ có thể được giải quyết dứt điểm sau khi giải quyết xong vấn đề chủ quyền đối với các đảo; thứ ba, các đảo không có hiệu lực đáng kể trong phân định biển so với đất liền.

    Đáng chú ý bài viết của học giả Trung Quốc đề cập tranh chấp tại Biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến đảo Điếu Ngư (Senkaku) do Nhật đang nắm giữ và phân định biển tại đây, cho rằng giải pháp hợp lý là hai bên tách biệt vấn đề tranh chấp chủ quyền và phân định biển bằng cách không lấy đảo Điếu Ngư làm cơ sở cho việc đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Bà này còn cho rằng nếu Trung và Nhật không thể đạt được thỏa thuận về chủ quyền thì phương án tốt nhất là nhờ đến sự phân xử của Tòa án quốc tế.

    Khi bị chất vấn về lập trường trái ngược nhau của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, các học giả Trung Quốc cho rằng mỗi khu vực có một đặc trưng khác nhau, do đó cần giải quyết bằng thỏa thuận song phương giữa các bên liên quan, dựa trên hoàn cảnh lịch sử của từng vấn đề.

    Biển Đông căng thẳng - Ai là nhân tố chính?


    Nhìn chung bức tranh Biển Đông thời gian qua không thuận lợi cho hợp tác. Tuyên bố ứng xử các bên tại Biển Đông năm 2002 không ngăn cản được các va chạm, căng thẳng và tranh chấp tại đây. Các hoạt động hợp tác hầu như chưa được triển khai do khác biệt về cách tiếp cận giữa Trung Quốc và ASEAN.

    Nhiều học giả quốc tế và ASEAN cho rằng Biển Đông bắt đầu căng thẳng trở lại từ năm 2007, trong đó Trung Quốc là nhân tố chi phối với việc thể hiện nhiều bước đi "hiếu chiến" tại đây. Bao gồm: Tăng cường thực lực và hiện diện của hải quân, xây dựng căn cứ Tam Á, nâng cấp căn cứ tại quần đảo Hoàng Sa (đặc biệt là đường băng 2600 m tại đảo Phú Lâm), nhiều tướng lĩnh kêu gọi xây dựng căn cứ, đường băng tại Vành Khăn (Trường Sa); Đe dọa, cản trở các công ty dầu khí nước ngoài trong hợp tác với Việt Nam, Philippines; Đơn phương cấm đánh bắt cá và tăng cường tuần tra thể hiện chủ quyền; Nâng cấp Biển Đông thuộc khu vực "lợi ích cốt lõi", có nghĩa là không thể đàm phán và có thể sử dụng vũ lực; Quấy rối tàu Mỹ qua vụ Impeccable tháng 3 năm 2009.

    Theo một số học giả quốc tế, nguyên nhân của việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách tại Biển Đông chủ yếu do một số nguyên nhân sau. Thứ nhất, chủ nghĩa dân tộc dâng cao tại Trung Quốc, chủ yếu do Trung Quốc cho rằng các nước tranh chấp đang khai thác dầu khí, đánh bắt cá "của Trung Quốc", trong khi Trung Quốc không khai thác được một giọt dầu nào tại Trường Sa, ngư dân lại bị các nước khác bắt giữ, xua đuổi. Thứ hai, nhu cầu năng lượng phục vụ cho phát triển, Trung Quốc coi Biển Đông là nguồn cung cấp an toàn (gần nên dễ kiểm soát), đồng thời là tuyến đường chuyên chở thiết yếu. Thứ ba, tương quan lực lượng có lợi cho Trung Quốc, nhất là sức mạnh cứng, đặc biệt là hải quân, cho phép Trung Quốc tính đến việc phá vỡ nguyên trạng (status-quo).

    Nhiều ý kiến cho rằng điều chỉnh chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông có vẻ không phát huy tác dụng. Trung Quốc càng hiếu chiến, càng khiến các nước ASEAN lo ngại, tìm kiếm hỗ trợ ở Mỹ nhằm cân bằng, Mỹ và các nước khác càng có cớ để dính líu vào khu vực. Trung Quốc muốn ép các nước "gác tranh chấp, cùng khai thác" bằng các hành động hiếu chiến thì chủ nghĩa dân tộc càng dâng cao tại các nước này, khiến các thỏa thuận mang tính thỏa hiệp càng khó đạt được. Trung Quốc ép các công ty dầu khí, nhưng không buộc được các công ty này ngừng làm ăn tại Việt Nam, mà ngược lại kéo Mỹ thể hiện quan điểm để bảo vệ họ. Trung Quốc càng hung hăng, sức mạnh mềm của Trung Quốc tại Đông Nam Á càng giảm sút.

    Đa số học giả cho rằng Diễn đàn an ninh khu vực ARF 17 vừa qua tại Hà Nội đánh dấu một "thắng lợi ngoại giao" của Việt Nam với việc 14 nước nêu vấn đề Biển Đông, trong đó có phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Clinton thể hiện mạnh mẽ quan điểm của Mỹ. Qua ARF vừa qua, đa số học giả đều coi vấn đề Biển Đông đã bước sang giai đoạn mới, đã được đa phương hóa và quốc tế hóa với sự dính líu thực sự của Mỹ. Các học giả nhắc lại các bài học trong gần hai mươi năm Hội thảo kiềm chế xung đột tiềm tàng tại Biển Đông là các bên tranh chấp cần tính đến lợi ích của các nước khác quan tâm đến việc giải quyết hòa bình các tranh chấp.

    Một số đại biểu cho rằng Trung Quốc cần chú ý đến chiến lược nước lớn của mình để điều chỉnh chính sách tại Biển Đông theo hướng trách nhiệm hơn, nhằm làm yên tâm các nước ASEAN, qua đó tăng cường sức mạnh mềm, củng cố hình ảnh quốc gia.

    Một số kiến nghị tăng cường minh bạch và hợp tác

    - Trung Quốc cần hợp tác với các nước xung quanh trong việc cùng quản lý nguồn cá tại Biển Đông, qua đó không cần ban bố các lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương gây căng thẳng khu vực.

    - DOC cung cấp khuôn khổ cho việc thúc đẩy xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác tại Biển Đông, do đó cần thúc đẩy:

    + Tăng cường đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc tại các trao đổi thường niên về an ninh và quốc phòng.

    + Thông báo trước các cuộc tập trận và tuần tra tại Biển Đông.

    + Thiết lập mạng lưới các đường dây nóng để sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp.

    + Đàm phán về các hiệp định tránh đụng độ nhằm tránh các va chạm trên biển giữa lực lượng hải quân các nước.

    + Trao đổi để đi đến thỏa thuận về phạm vi ảnh hưởng của các vị trí tại Hoàng Sa, Trường Sa đối với các vùng biển xung quanh.

    - Tăng cường trao đổi xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa trong vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực, bao gồm cả ADMM+ và các cơ chế an ninh khác.

    - Biện pháp giúp tăng cường độ tin cậy và xây dựng lòng tin là các bên cần tăng cường minh bạch các chương trình hiện đại hóa quân đội của mình.

    - Đối với vấn đề an ninh năng lượng, điều cơ bản nhất không phải là đa dạng hóa nguồn cung mà là tăng cường tính hiệu quả của việc sử dụng năng lượng.

    --------------------------------------------------------------------------------

    [1] Hội thảo theo nguyên tắc của Chatham House, mọi ý kiến đều có thể được trích dẫn nhưng không dẫn tên người phát biểu.




    Posted by Vietnamnet on September 05, 2010 at 20:03:04:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]