Ai muốn gì trên Biển Đông?

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Ai muốn gì trên Biển Đông?
    Tác giả: Termsak Chalermpalanupap


    Trong những tuần gần đây, rất nhiều bài báo và bình luận về biển Đông đã được xuất bản, và bài viết của ông Termsak Chalermpalanupap, giám đốc Ban giám đốc Chính trị và An ninh của Ban thư ký ASEAN sau đây sẽ nhằm mục đích giúp giải thích sự phức tạp của vấn đề này.

    Các vấn đề Biển Đông được chia làm 5 loại, liên quan đến từng quốc gia hoặc từng bên riêng biệt. Việc này có thể đơn giản hơn, song chúng ta nên làm rõ chúng ta đang nói đến vấn đề gì, từ đó đưa ra giải pháp thích hợp với các bên liên quan chính đáng.

    Quần đảo Hoàng Sa: Đây là vấn đề song phương, giữa Việt Nam và Trung Quốc (trong đó có Đài Loan). Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát Hoàng Sa sau cuộc chiến tranh trên biển kết thúc tháng 1/1974. Khi đó, miền Nam Việt Nam đã đòi lại, song không nhận được sự can thiệp của Mỹ để đẩy lùi người Trung Quốc khỏi mảnh đất này. Mỹ khi đó đang tìm cách rút chân khỏi chiến tranh Việt Nam và không muốn bất cứ xung đột nào với Trung Quốc.

    Sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975 và thống nhất đất nước, chính quyền Việt Nam đã phản đối sự chiếm đóng của Trung Quốc ở Hoàng Sa. Nhưng Bắc Kinh khăng khăng rằng quyền sở hữu của họ đối với quần đảo này đã được thiết lập từ chiến thắng năm 1974.

    Các nước láng giềng mới đây đã hoàn tất việc cắm mốc biên giới trên đất liền và sẽ sớm thực hiện việc phân giới trên biển. Từ nay tới lúc đó, họ đã có một số hoạt động hợp tác trên biển tại Vịnh Bắc Bộ. Họ cũng có một diễn đàn đối thoại quốc phòng chiến lược thường kỳ, cuộc họp sắp tới sẽ diễn ra tại Việt Nam cuối năm nay.

    Phải thừa nhận là sẽ rất tốt nếu Việt Nam và Trung Quốc có thể tận dụng diễn đàn đa phương này để giải quyết các tranh cãi liên quan đến Hoàng Sa. Như vậy, vấn đề Hoàng Sa không liên quan đến các nước khác trừ phi Trung Quốc hoặc Việt Nam đòi chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý (320km) và mở rộng thềm lục địa xung quanh quần đảo này.

    Quần đảo Trường Sa: Vấn đề này xuất hiện từ khi các nước trong khu vực, bao gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Trung Quốc (có cả Đài Loan) đều đòi chủ quyền đối với các hòn đảo lớn, đảo nhỏ, bãi đá ngầm, đảo san hô vòng, đảo thấp nhỏ và các vùng nước gần kề. Quần đảo Trường Sa được biết đến là một vựa dầu lớn nhưng chưa được chứng minh. Tất cả các bên liên quan, trừ Brunei, đều củng cố đòi hỏi chủ quyền của mình bằng việc chiếm đóng quân sự một phần quần đảo này.

    Bốn nước ASEAN kể trên đòi chủ quyền ở những phần khác nhau của Trường Sa, trong khi Trung Quốc (được hỗ trợ bởi Đài Loan) đòi toàn bộ quần đảo Trường Sa và các vùng nước liên quan là của mình, bằng cách chính thức công bố bản đồ thể hiện yêu sách đường ranh giới 9 đoạn hình chữ U, tham vọng chiếm tới 80% diện tích Biển Đông đến tận biển Natuna của Indonesia.

    Lập luận của Trung Quốc chủ yếu mang tính lịch sử. Họ nói rằng Biển Đông từng là "nơi sinh sống của ngư dân Trung Quốc" từ thế kỷ thứ 15, và các chính phủ Trung Quốc kế tiếp nhau trong thời hiện đại đã tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với TrườngSa và các đảo khác ở phía Nam biển Đông mà không bị thế giới phản đối.

    Cần đối thoại thân thiện

    Trong hoàn cảnh hiện nay, ưu tiên của tất cả các bên liên quan dường như là đối thoại song phương thân thiện. Thường thì các cuộc đàm phán về Trường Sa là giữa Trung Quốc với một trong bốn nước ASEAN liên quan. Đôi khi, bốn nước ASEAN cũng gặp nhau không chính thức để thảo luận về các động thái của Trung Quốc, hoặc có các cuộc gặp song phương để thảo luận các vấn đề đặc biệt giữa hai nước.

    Cần phải nói rõ rằng bản thân ASEAN không hoặc không thể can thiệp có lợi cho bất cứ nước nào trong bốn nước trên. Và một cách khá thận trọng, chưa nước nào trong bốn nước này đề nghị ASEAN ủng hộ việc đòi chủ quyền của mình.

    Chỉ khi ASEAN có quan điểm chung về Trường Sa thì vấn đề này mới được giải quyết một cách hòa bình giữa các bên liên quan, mà không phải sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Điều này đã được nêu rõ trong Tuyên bố của ASEAN về Biển Đông mà các Bộ trưởng Ngoại giao Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã ký ở Manila tháng 7/1992. Các Bộ trưởng cũng kêu gọi sử dụng các nguyên tắc của Hiệp ước Đối tác và Thân thiện tại Đông Nam Á (TAC) ký năm 1976 trên cơ sở tạo ra một quy tắc ứng xử quốc tế trên Biển Đông. Và họ đã đề nghị các bên liên quan ủng hộ ý tưởng này.

    Việt Nam phê chuẩn TAC tháng 7/1992 và gia nhập ASEAN tháng 7/1995. Việt Nam cũng tham gia đầy đủ Tuyên bố ASEAN năm 1992. Về phần mình, Trung Quốc chỉ ủng hộ một phần Tuyên bố này, song cũng không rõ họ phản đối phần nào.

    Năm 1990, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã đề nghị gạt sang một bên vấn đề chủ quyền và cùng nhau khai thác tài nguyên tại các khu vực tranh chấp. Nhưng không nước nào trong số bốn nước ASEAN liên quan coi đây là một đề nghị nghiêm túc.

    Lý do của họ rất đơn giản: chấp nhận đề nghị khai thác chung của Trung Quốc mà không giải quyết dứt điểm vấn đề chủ quyền trước tiên sẽ chẳng khác nào thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo đang tranh chấp. Hơn nữa, Trung Quốc cho rằng toàn bộ quần đảo này là của họ và chỉ muốn tỏ ra cao thượng bằng cách đề xuất một giải pháp khai thác tài nguyên chung.

    Trong những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu phát triển các quan hệ hợp tác với ASEAN. Các cuộc đối thoại Trung Quốc - ASEAN về Biển Đông đã bắt đầu một cách không chính thức tại một buổi ăn tối làm việc giữa các quan chức cấp cao hồi tháng 4/1995 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Phía Trung Quốc do Bộ trưởng Ngoại giao Đường Gia Truyền dẫn đầu.

    Nhưng Biển Đông quá nhạy cảm đối với Trung Quốc nên nước này đã đề nghị ASEAN không đưa chủ đề này vào lịch trình của bất cứ diễn đàn nào giữa Trung Quốc - ASEAN.

    Sau đó, Trung Quốc và ASEAN đã gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau, và nửa cuối những năm 1990, quan hệ Trung Quốc - ASEAN đã phát triển nhanh chóng.

    Đến tháng 7/1996, Trung Quốc trở thành đối tác đối thoại của ASEAN. Chủ tịch Giang Trạch Dân đã gặp chín lãnh đạo ASEAN lần đầu tiên trong một cuộc hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - ASEAN tại Kuala Lumpur tháng 12/19997. Kết thúc cuộc gặp này, các lãnh đạo đã ra một thông cáo chung về "Hợp tác Trung Quốc - ASEAN hướng tới thế kỷ 21", trong đó Đoạn 8 có viết:

    "Thừa nhận rằng duy trì hòa bình khu vực và ổn định là có lợi cho tất cả các bên, nên các bên đồng ý giải quyết các tranh chấp hoặc bất đồng của mình thông qua các phương pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

    "Các bên liên quan chấp nhận giải quyết các tranh chấp của mình ở Biển Đông thông qua các cuộc tham vấn và đàm phán thân thiện, phù hợp với luật pháp quốc tế được công nhận trên toàn cầu, bao gồm Công ước luật Biển của LHQ năm 1982.

    "Trong khi tiếp tục nỗ lực tìm ra giải pháp, các bên nhất trí hợp tác trong những khu vực liên quan.

    "Nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định, cũng như xây dựng lòng tin lẫn nhau trong khu vực, các bên liên quan nhất trí tiếp tục kiềm chế và xử lý các bất đồng liên quan một cách bình tĩnh và xây dựng. Họ cũng nhất trí không cho phép các bất đồng hiện nay làm hại tới sự phát triển của các quan hệ bằng hữu và hợp tác".

    Thỏa thuận này đến nay vẫn có tác dụng. Nhưng trong những bài viết mới đây nói về đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông, Trung Quốc coi đây là một "lợi ích cốt lõi" của quốc gia, có thể so sánh với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương - trong đó việc sử dụng vũ lực không bị loại trừ.

    Vì việc này có liên quan đến ASEAN, thỏa thuận năm 1997 về việc không sử dụng vũ lực vẫn còn hiệu lực. Hơn nữa, Trung Quốc cũng có nghĩa vụ tuân thủ TAC năm 1976, mà họ tham gia tháng 10/2003, để giải quyết các bất đồng hoặc tranh cãi giữa các bên tham gia TAC bằng các giải pháp hòa bình, và kiềm chế sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các tranh chấp giữa các nước tại Đông Nam Á.

    Các vấn đề gặp phải

    Sau năm 1997, ASEAN và Trung Quốc càng thuận tiện hơn để nói về Biển Đông. Họ đã thảo luận ý tưởng về một bộ quy tắc ứng xử, có thể là một giải pháp chính trị không có tác dụng ràng buộc về pháp lý quốc tế thực sự.

    Nhưng thật không may, các cuộc đối thoại này đã gặp phải ba vấn đề: Phạm vi của quy tắc ứng xử sẽ là gì? Không phải toàn bộ Biển Đông đang bị tranh chấp. Các nước liên quan có những vùng nước thuộc lãnh hải của mình và không có gì phải tranh cãi, vì vậy không muốn những khu vực này trở thành đối tượng của bất kỳ quy tắc ứng xử nào.

    Như vậy quy tắc ứng xử sẽ chỉ được áp dụng đối với các khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông. Nhưng điều này dẫn tới khó khăn thứ hai: Việt Nam muốn bộ quy tắc trên bao gồm Trường Sa, Trung Quốc thì phản đối.

    Khó khăn cuối cùng là liệu các nước khác như Nhật Bản, Australia và Mỹ, vốn đang được hưởng quyền tự do đi lại trên biển và trên vùng trời của khu vực đang tranh chấp hoặc gần đó, liệu có phải tham gia quy tắc ứng xử trên hay không.

    Cuối cùng, ASEAN và Trung Quốc đã nhượng bộ, và nhất trí xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), do các bộ trưởng ASEAN và đặc phái viên Trung Quốc - Thứ trưởng Ngoại giao Vương Nghị - ký tại Phnom Penh ngày 4/11/2002, bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN -Trung Quốc lần thứ 6.

    (Còn nữa)

    Quốc Thái theo The Nation



    Posted by Vietnamnet on September 16, 2010 at 00:47:24:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]