Philippines sẽ nâng cấp cơ sở ở Trường Sa

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Cập nhật: 05:02 GMT - thứ sáu, 17 tháng 9, 2010
    Philippines sẽ nâng cấp cơ sở ở Trường Sa

    Philippines nắm giữ chín đảo thuộc Trường Sa
    Phát ngôn viên của quân đội Philippines nói nước này đang có kế hoạch nâng cấp cơ sở quân sự trên các đảo thuộc Trường Sa.

    Trong những ngày tới, một số quan chức chính phủ sẽ từ Manila tới thăm khu vực Biển Đông còn đang tranh chấp.

    Philippines nắm giữ chín đảo thuộc Trường Sa. Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền và giữ hiện diện của quân đội tại khu vực này.

    Chuẩn tướng Jose Mabanta, người phát ngôn của quân đội Philippines, nói với các nhà báo: "Hiện đang có các kế hoạch quy mô nhằm nâng cấp cơ sở vật chất, bao gồm sân bay và các công trình khác, tại đây".

    Philippines gọi quần đảo này là Kalayaan.

    Theo ông Mabanta, kỹ sư và nhân viên kỹ thuật dân sự sẽ được đưa tới để làm công việc này.

    "Chúng tôi cần thực hiện nhiều công việc cải tạo vì các công trình đã xuống cấp do không được bảo dưỡng".

    Người phát ngôn quân đội cũng nói bốn bộ trưởng Philippines sẽ tới Trường Sa trong vòng một tháng tới để xem xét mức độ cải tạo.

    Các quan sát viên cho rằng Trung Quốc, và có thể các nước tham gia tranh chấp khác, sẽ lên tiếng phản đối các động thái mới này của Philippines và cho đó là hành động "làm phức tạp thêm tình hình".

    Tuy nhiên bản thân Trung Quốc cũng đang làm các công việc nâng cấp cơ sở vật chất của nước này trên các đảo trong khu vực tranh chấp.

    Trong một diễn biến khác, báo Trung Quốc đưa tin về một cuộc hội thảo chủ đề khai thác dầu khí dưới biển sâu, trong đó có dẫn lời giới chuyên gia nước này cảnh báo tình trạng các nước ngoài khai thác tràn lan nguồn lợi dầu khí tại Nam Hải (Biển Đông).

    Ông Liu Changfeng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, được trích lời nói 150 công ty của các nước khác đã khai thác gần 15 triệu tấn dầu ở khu vực này và cho rằng tình hình ờ đây "rất đáng quan ngại" và cần "gấp rút bảo vệ nguồn dầu khí dưới biển" của Trung Quốc.

    Trung Quốc cho rằng khu vực tranh chấp chiếm tới 70% lãnh hải truyền thống của Trung Quốc và 58 mỏ dầu và 45 mỏ khí mà nước ngoài khai thác là nằm trong "lãnh hải truyền thống" này.

    Nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng khiến Trung Quốc phải chú trọng tới trữ lượng dầu khí ngoài khơi và có thể dẫn đến việc cạnh tranh với các nước lân bang để giành nguồn tài nguyên.




    Posted by BBC on September 17, 2010 at 12:18:25:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]