Hoàng Sa, Trường Sa theo chính sử Trung Quốc Hội luận tại Bắc Cali về vụ tranh chấp Biển Đông Năm 1939 Nhật Bản phát động Chiến Tranh Thái Bình Dương, chiếm 3 đảo tại Hoàng Sa và ra Tuyên Cáo đòi chủ quyền tại Hoàng Sa Trường Sa. Đây là một hành động xâm lăng võ trang để kết hợp Mặt Trận Hoa Nam với Mặt Trận Đông Bắc tại Nam Kinh Thượng Hải. Trước nguy cơ đe dọa an ninh lãnh thổ, Trung Quốc không lên tiếng phản đối. Và như vậy đã khước từ chủ quyền tại Hoàng Sa Trường Sa. Tháng 4-1956, thừa dịp quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam theo Hiệp Định Geneva 1954, Trung Quốc chiếm 7 đảo Hoàng Sa thuộc Nhóm An Vĩnh phía đông bắc. Và tháng 1-1974, thừa dịp quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam theo Hiệp Định Paris 1973, Trung Quốc vận dụng toàn lực chiếm 6 đảo Hoàng Sa thuộc Nhóm Lưỡi Liềm phía tây nam. Từ Paris Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn nhận định rằng: “Hoàng Sa là đất của nước Việt Nam thống nhất. Khi Việt Nam còn chia đôi thì chúng ta không có tư thế để điều đình đòi lại quần đảo này”. Do đó muốn giành lại chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa phải có sự đoàn kết quốc dân trong một quốc gia thống nhất. Từ 1974 đến nay đã 36 năm, thời gian cho biết nhận định này đã tỏ ra không chính xác. Vì ngày nay đất nước ta đã thống nhất. Và toàn dân ta, với trên 85 triệu người Việt trong và ngoài nước, đã đồng tâm nhất trí đứng lên đấu tranh đòi lại những hải đảo và hải phận đã mất. Vậy mà, theo chiều hướng hiện tại, càng ngày chúng ta càng mất chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông Hải. Lý do không phải vì đất nước chúng ta bị qua phân, mà vì chúng ta có một chính quyền đi trái lòng dân. Đảng Cộng Sản không cho người dân đứng lên đấu tranh bảo toàn đất tổ và hành sử quyền yêu nước bằng những cuộc biểu dương lực lượng quy mô và đồng loạt khắp nơi trên thế giới làm chấn động dư luận quốc tế và cảnh tỉnh lương tri nhân loại. Đồng thời gây áp lực buộc kẻ xâm lược phải chùn bước xâm lăng và phải tôn trọng danh dự và chữ ký của họ. Và phải ngồi vào bàn hội nghị để các cơ quan quốc tế đưa ra những giải pháp công bằng và hợp lý theo tinh thần và bản văn Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà Trung Quốc đã ký kết năm 1982 cùng với Việt Nam và 117 quốc gia khác. Công Ước này có hiệu lực chấp hành từ năm 1994. Qua năm 1995 có hơn 170 quốc gia đã ký kết và tham gia Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Cũng như Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị 1966, đây là một văn kiện chính thức về chính sử mà hầu hết các quốc gia trên thế giới phải tôn trọng và thực thi. Địa cầu gồm 7 phần nước và 3 phần đất. Nếu có các Công Ước Quốc Tế cho Con Người tại các lục địa thì cũng phải có Công Ước Quốc Tế về Luật Biển cho các Quốc Gia. Để giải quyết những tranh chấp về hải phận và hải đảo, phải đặt vấn đề trên 3 bình diện: pháp lý, địa lý và lịch sử. Ở đây, cả 3 bình diện được tập trung trong một văn kiện duy nhất: Đó là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Công Ước này là một tài liệu lịch sử và đồng thời là một trong những văn kiện pháp lý quan trọng nhất trong lịch sử loài người. Theo Công Ước sự phân định chủ quyền hải phận và các hải đảo còn phải căn cứ vào vị trí địa lý là khoảng cách tính từ bờ biển. Hai nguyên tắc hướng dẫn Luật Biển là: 1. Dành cho các quốc gia duyên hải quyền đánh cá và khai thác dầu khí tại vủng biển gần bờ. 2. Duy trì tự do hàng hải tại vùng biển ngoài hải phận của các quốc gia duyên hải. Công Ước Luật Biển gồm 200 trang và 400 điều. Để có một ý niệm tổng quát chúng ta tham chiếu vào 2 điều: Điều 76 về Thềm Lục Địa; và Điều 8 về Biển Lịch Sử. A. Điều 76 về Thềm Lục Địa Chiếu Điều 76 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển các quốc gia duyên hải được hưởng quy chế Thềm Lục Địa 200 hải lý (370km) để thăm dò và khai thác dầu khí. Đây là chủ quyền tuyệt đối và đặc quyền chuyên hữu, không tùy thuộc vào điều kiện phải có sự chiếm hữu, khai phá hay công bố minh thị. Mọi sự tự tiện chiếm cứ của ngoại bang, dầu có võ trang hay không, đều bất hợp pháp, vô giá trị và vô hiệu lực. Trong Thế Chiến II Nhật Bản chiếm Hoàng Sa Trường Sa thuộc hải phận của các quốc gia duyên hải tại Đông Nam Á như Việt Nam, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân và Trung Hoa. Sự chiếm cứ này không có giá trị pháp lý. Khi Chiến Tranh chấm dứt các Quốc Gia Đồng Minh công nhận Quốc Gia Việt Nam có chủ quyền tại các hải đảo Hoàng Sa Trường Sa trong Hội Nghị Hòa Bình San Francisco 1951. Vùng hải phận của các quốc gia duyên hải gồm có Đường Căn Bản hay Đường Cơ Sở (Baselines) cùng với Biển Lãnh Thổ (Territorial Sea) và Thềm Lục Địa (Continental Shelf) đồng thời là Vùng Đặc Quyền Kinh Tế (đánh cá) (Exclusive Economic Zone). 1. Đường Căn Bản thông thường là lằn mức thủy triều xuống thấp. Vùng bờ biển Việt Nam có nhiều cù lao hay cồn đảo như Cù Lao Chàm tại Quảng Nam, Cù Lao Ré tại Quảng Ngãi, Cù Lao Hòn tại Phan Thiết cùng các đảo Phú Quý, Côn Sơn và Phú Quốc tại miền đông nam và cực nam. Trong trường hợp này Việt Nam có thể vẽ Đường Căn Bản từ 8 đến 15 hải lý (Cù Lao Ré cách bờ biển Quảng Ngãi 12 hải lý). 2. Biển Lãnh Thổ rộng 12 hải lý là vùng biển nối tiếp Đường Căn Bản ra khơi. 3. Thềm Lục Địa Pháp Lý 200 hải lý trùng điệp với Vùng Đặc Quyền Kinh Tế (đánh cá). 4. Thềm Lục Địa Địa Chất hay Thềm Lục Địa Mở Rộng có thể đến 350 hải lý. Về mặt địa chất và địa hình, đáy biển Hoàng Sa là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Việt Nam từ đất liền kéo dài ra ngoài biển. Chiếu Điều 76 Luật Biển, Việt Nam có quyền được Ủy Ban Định Ranh Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc cho mở rộng Thềm Lục Địa Pháp Lý 200 hải lý thành Thềm Lục Địa Địa Chất hay Thềm Lục Địa Mở Rộng đến 350 hải lý (650km). Theo các chuyên viên quốc tế như Tiến Sĩ Khoa Học Armand Krempt tại Pháp và các Luật Sư Covington và Burling tại Hoa Kỳ, về phương diện khoa học kỹ thuật, Việt Nam có nhiều triển vọng được mở rộng Thềm Lục Địa tại các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa từ 200 hải lý đến mức 350 hải lý. Trong khi chờ đợi Liên Hiệp Quốc định ranh Thềm Lục Địa Mở Rộng, ngày nay vùng hải phận luật định của Việt Nam có chiều rộng 200 hải lý Thềm Lục Địa, cộng 12 hải lý Biển Lãnh Thổ, và khoảng 8 hải lý Đường Căn Bản, tổng cộng là 220 hải lý. Về mặt Địa Lý a. Tại quần đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn chỉ cách Quảng Ngãi 135 hải lý, và đảo Hoàng Sa chỉ cách lục địa Việt Nam 160 hải lý. Như vậy quần đảo Hoàng Sa nằm trong Thềm Lục Địa 200 hải lý và trong hải phận 220 hải lý của Việt Nam. Tại quần đảo Trường Sa, Bãi Thanh Long Tứ Chính và đảo Trường Sa chỉ cách lục địa Việt Nam từ 150 đến 220 hải lý. Vì vậy Bãi Tứ Chính và đảo Trường Sa nằm trong Thềm Lục Địa 200 hải lý và hải phận 220 hải lý của Việt Nam. Chiếu Điều 76 Công Ước về Luật Biển các hải đảo này thuộc chủ quyền tuyệt đối của Việt Nam. Bất cứ sự chiếm đóng nào của ngoại bang (như Nhật Bản trước kia và Trung Quốc hiện nay) đều vô giá trị và vô hiệu lực. Hơn nữa, sự xâm chiếm này đi trái với Điều 2 Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (cấm bạo hành). Những sự chiếm cứ do bạo động võ trang không có giá trị và hiệu lực pháp lý. Vì bạo hành, dầu kéo dài bao lâu, cũng không làm mất tính bạo hành của nó. Trong khi đó các đảo Hoàng Sa cách Hoa Lục 270 hải lý, và các đảo Trường Sa cách lục địa Trung Hoa từ 550 đến 800 hải lý nên không nằm trong Thềm Lục Địa Trung Hoa. Về mặt Địa Chất Năm 1925, Tiến Sĩ Khoa Học Armand Krempt , Giám Đốc Viện Hải Học Đông Dương, sau 2 năm nghiên cứu về địa chất (đất đai, cây cỏ và sinh vật), đo đạc và vẽ bản đồ các hải đảo và đáy biển Hoàng Sa, đã lập phúc trình để kết luận rằng: “Về mặt địa chất các đảo Hoàng Sa là thành phần của Việt Nam”. (Geologiquement les Paracels font partie du Vietnam). Về mặt địa hình, các đảo Hoàng Sa là một cao nguyên chìm dưới đáy biển nối tiếp lục địa Việt Nam. Độ sâu nhất tại vùng biển Hoàng Sa là 900m. (Trong quá trình hình thành Biển Đông Hải, mực nước đã rút xuống 4000m). Ngày nay nếu nước biển rút xuống 900m thì các đảo Hoàng Sa sẽ biến thành một dãy hành lang chạy thoai thoải từ Trường Sơn qua Cù Lao Ré đến các đảo Tri Tôn, Hoàng Sa và Phú Lâm. (Phúc Trình Krempt về Hoàng Sa được lưu trữ tại Văn Khố Trường Viễn Đông Bác Cổ Paris). Trong khi đó từ Hoàng Sa về lục địa Trung Hoa có một rãnh biển sâu tới 2300m. Như vậy, về mặt địa chất và địa hình, đáy biển Hoàng Sa không phải là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Trung Hoa từ đất liền ra ngoài biển. Trong trường hợp này Trung Hoa không được hưởng quy chế Thềm Lục Địa Mở Rộng. Tại Trường Sa cũng vậy. Tại Bãi Thanh Long Tứ Chính, nơi khai thác dầu khí, độ sâu chỉ tới 400m, và tại Đảo Trường Sa và Cồn An Bang, độ sâu chỉ tới 200m. Như vậy về mặt địa chất và địa hình, đáy biển Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Việt Nam từ đất liền ra ngoài biển. Theo quan điểm của các Luật Sư Covington và Burling trong Bản Tường Trình tháng 6-1995, vùng biển Trường Sa có triển vọng được hưởng quy chế Thềm Lục Địa Mở Rộng quá 200 hải lý đến mức 350 hải lý. Trong khi đó từ Trường Sa về Hoa Lục có một rãnh biển sâu tới 4550m. Như vậy các đảo Trường Sa không phải là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Trung Hoa từ đất liền ra ngoài biển. Và Trung Quốc không được hưởng quy chế Thềm Lục Địa Mở Rộng 350 hải lý. Dầu sao, trong mọi trường hợp, khoảng cách từ Hoa Lục tới đảo Trường Sa là 750 hải lý (quá xa tầm 350 hải lý Thềm Lục Địa Mở Rộng nếu có). Tháng 5-2009 là thời hạn chót để các quốc gia duyên hải đệ nạp Bản Phúc Trình về Thềm Lục Địa Mở Rộng căn cứ vào những yếu tố khoa học kỹ thuật do Liên Hiệp Quốc ấn định. Thay vì đệ trình hồ sơ Thềm Lục Địa Mở Rộng, Trung Quốc chỉ nạp tấm bản đồ hình chữ U mà họ gọi là Biên Thùy Chiến Lược của Trung Quốc. Tuy nhiên “biên thùy” này cách xa bờ biển Trung Hoa đến 2000km nên không được chấp nhận là biên thùy của một lục địa (Trung Hoa) hay biên thùy của một hải đảo (Hải Nam). Vì không nêu ra được một yếu tố pháp lý, địa lý hay lịch sử nào đáng tin cậy để đòi chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa nên Trung Quốc lý sự rằng vùng hải phận này là Biển Lịch Sử của Trung Quốc từ hàng ngàn năm nay. B. Điều 8 về Biển Lịch Sử hay Lưỡi Rồng Trung Quốc. Bắc Kinh gọi Biển Lịch Sử là Lưỡi Rồng Trung Quốc (nhưng dân gian chỉ gọi là Lưỡi Bò). Nó chiếm 80% hải phận Biển Đông Nam Á và nằm sát bờ biển các quốc gia duyên hải, cách Quảng Ngãi 40 hải lý, cách Phi Luật Tân và Mã Lai 25 hải lý. Nó tước đoạt ít nhất 160 hải lý của Thềm Lục Địa Pháp Lý Việt Nam, và 175 hải lý của các Thềm Lục Địa Pháp Lý Phi Luật Tân và Mã Lai. Đây hiển nhiên là sự vi phạm thô bạo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển dành chủ quyền chuyên biệt cho các quốc gia duyên hải được hưởng tối thiểu 200 hải lý Thềm Lục Địa Pháp Lý để thăm dò và khai thác dầu khí, kể cả 12 hải lý Biển Lãnh Thổ nối tiếp Đường Căn Bản từ bờ biển ra khơi. Ngày nay Thuyết Biển Lịch Sử của Trung Quốc đã bị Luật Pháp và Tòa Án bác bỏ. Theo Tòa Án Quốc Tế “biển lịch sử chỉ là nội hải”. Chiếu Điều 8 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển: “Ngoại trừ trường hợp các quốc gia quần đảo [như Phi Luật Tân hay Nhật Bản], biển lịch sử hay nội hải của một quốc gia nằm trên đất liền, về phía bên trong Đường Căn Bản của Biển Lãnh Thổ” (The International Court of Justice has defined “historic waters as internal waters”. Waters on the landward side of the baseline of the Territorial Sea form part of the internal waters of the State” Art. 8 LOS Convention 1982). Theo học giả Mark J. Valencia tại Viện Hải Học Đông Tây Hawaii (East-West Institute) yêu sách của Trung Quốc về Biển Lịch Sử không được Luật Pháp và Tòa Án chấp nhận. Ngày nay càng ngày dư luận quốc tế càng phê phán và chế giễu Lưỡi Rồng Trung Quốc là khôi hài và lố bịch (China’s claim is being increasingly criticized and even ridiculed: China and the South China Sea Disputes, Mark J. Valencia, Oxford University Press. October 1995). Theo quan điểm của các Luật Sư Covington và Burling đăng trên Asian Wall Street Journal tháng 6-1995 “lập trường của Trung Quốc hoàn toàn đi trái với những điều khoản căn bản về Luật Quốc Tế” [như Điều 76 và Điều 8 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển]. Cũng trên Asian Wall Street Journal tháng 7-1995, người viết, nhân danh Hội Luật Gia Việt Nam tại California, đã đệ trình các vị nguyên thủ quốc gia trong tổ chức ASEAN bản tường trình về vấn đề tranh chấp tại Biển Đông Nam Á trên phương diện pháp lý và địa lý. Theo các quan sát viên quốc tế văn thư này đưa ra giải đáp về pháp lý, địa lý và lịch sử cho vấn đề tranh chấp giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc. Bằng phương thức tranh nghị để đi đến hòa bình. (Paracels Forum: The Discussion Proceeds for Peace: Asian Wall Street Journal, July 1995) Như vậy về cả 3 phương diện pháp lý, địa lý và lịch sử, Trung Quốc không trình được một lý lẽ hay tài liệu đáng tin cậy nào để chứng minh rằng Hoàng Sa Trường Sa thuộc chủ quyền của họ. Với chính sách bá quyền, Đế Quốc Đại Hán đã rập theo khuôn mẫu trước kia của Đế Quốc La Mã đòi chủ quyền lãnh thổ toàn vùng Biển Địa Trung Hải mà họ gọi là “Biển Lịch Sử Của Chúng Tôi!”. Đây là một quan niệm lỗi thời từ hàng ngàn năm nay. Về điểm này chúng ta nhắn nhủ nhà cầm quyền Bắc Kinh rằng: Trong thế kỷ này và dưới vòm trời này, không có điều gì, việc gì, hay vấn đề gì là bất khả tranh nghị. Về mặt tinh thần, văn hóa và đạo lý, Trung Quốc không thể nói một đàng làm một nẻo. Họ phải tôn trọng danh dự quốc gia và chữ ký của họ trong Công Ước. Họ phải công khai hóa vụ tranh chấp và phải đưa ra trước thanh thiên bạch nhật những tài liệu và quan điểm cho biết tại sao và căn cứ vào đâu mà đòi tước đoạt chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia Đông Nam Á tại các thềm lục địa như đã quy định trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà họ đã ký kết tham gia với tư cách một trong Ngũ Cường hội viên thường trực Hội Đồng Bảo An có quyền phủ quyết? Nếu không đưa ra được sự giải thích hợp lý và các cơ sở pháp lý thì Trung Quốc vẫn chỉ là kẻ sài Luật Rừng Xanh theo chủ trương Mạnh Được Yếu Thua của loài cầm thú. Để tước đoạt 4/5 Thềm Lục Địa Pháp Lý của Việt Nam, và 7/8 Thềm Lục Địa Pháp Lý của Phi Luật Tân và Mã Lai. Trung Quốc phải hay biết rằng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 là một văn kiện pháp lý đồng thời là một tài liệu chính sử mà trên 170 quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc phải tôn trọng và thực thi. Ngoài Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, còn có rất nhiều tài liệu lịch sử rút ra từ chính sử Trung Quốc theo đó chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa Trường Sa đã được thừa nhận bởi các quốc gia trên thế giới. C. Trung Quốc Không Có Chủ Quyền lãnh thổ tại Hoàng Sa Trường Sa 1. Như đã trình bầy, năm 1939, Chính Phủ Trùng Khánh không phản đối hành vi xâm lăng của Nhật Bản tại Biển Đông Hải và như vậy đã khước từ chủ quyền lãnh thổ tại Hoàng Sa Trường Sa. 2. Trong Tuyên Cáo Cairo 1943, Tổng Thống Tưởng Giới Thạch không đòi Hoàng Sa Trường Sa, và như vậy cũng đã khước từ chủ quyền tại hai quần đảo này. 3. Hội Nghị Hòa Bình San Francisco 1951 không thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa Trường Sa. Trong một phiên Khoáng Đại Hội Nghị, Ngoại Trưởng Liên Sô Andrei Gromyko đệ trình Tu Chính Án yêu cầu trao Trường Sa và Hoàng Sa cho Trung Quốc. Tu Chính Án này đã bị Đại Hội bác bỏ với 46 phiếu chống, 3 phiếu thuận và 1 phiếu trắng. Sau đó Thủ Tướng Trần Văn Hữu, Trưởng Phái Đoàn Quốc Gia Việt Nam lên diễn đàn công bố chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa Trường Sa và không gặp sự phản kháng nào của 51 quốc gia tham dự Hội Nghị. 4. Chủ Quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa Trường Sa được xác nhận trong Hiệp Định Geneva 1954 nơi Điều 4: “Giới tuyến giữa Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam (Vĩ Tuyến 17) kéo dài ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển. Lực lượng Liên Hiệp Pháp (gồm có Quốc Gia Việt Nam, Pháp và đồng minh) phải rút khỏi tất cả các hải đảo tại phía Bắc giới tuyến (Vĩ Tuyến 17). Quân đội Nhân Dân Việt Nam (Bắc Việt) phải rút khỏi tất cả các hải đảo tại phía Nam giới tuyến” (Vĩ Tuyến 17) nơi tọa lạc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 7, từ Quảng Trị xuống Nam Cà Mau). Đối với Trung Quốc, Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và Hiệp Định Geneva 1954 là những tài liệu rút ra từ chính sử Trung Quốc. 5. Ngoài Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, trong chính sử Trung Quốc còn cuốn “Lịch Sử Trung Quốc Thời Trung Cổ” do Hàn Lâm Viện Trung Quốc xuất bản tại Đài Bắc năm 1978 trong đó có đoạn như sau: “Suốt chiều dài lịch sử dân tộc Trung Hoa không tha thiết đến đại dương. Theo những tài liệu lịch sử chính thống, thản hoặc nhà cầm quyền Trung Hoa cũng gửi những đoàn thám hiểm đến Nhật Bản trong các thế kỷ thứ ba và thứ hai Trước Công Nguyên, và tại Đông Nam Á, Ấn Độ, Ba Tư và Đông Phi Châu trong thế kỷ 15. Điểm rõ nét nhất là tại Thái Bình Dương có rất ít, nếu không nói là không có, những vụ xâm nhập quy mô của Trung Quốc” suốt chiều dài lịch sử từ đời Đế Quốc Tần Hán thế kỷ thứ ba Trước C. N. đến đời Nhà Thanh từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Đời Nhà Hán, theo chính sử, trong thế kỷ thứ nhất Trước C.N., Hán Nguyên Đế (48-33 Trước C. N) đã rút quân khỏi đảo Hải Nam, mãi tới đời nhà Lương và nhà Tùy vào cuối thế kỷ thứ 6 mới đặt lại quyền cai trị”. Nếu Nhà Hán đã bỏ Hải Nam thì cũng không chiếm hữu Hoàng Sa Trường Sa, cách Hải Nam từ 150 đến 450 hải lý về phía nam. Đời Nhà Đường, các sử gia tường thuật về những nơi kỳ dị tại Giao Châu (Việt Nam) như tại Thất Châu Dương (Nhóm An Vĩnh, Hoàng Sa) trong đó có nhiều từ thạch khiến các thuyền ngoại dương có đóng chốt sắt không đi qua được. Đời Nhà Tống, trong hai thế kỷ thứ 10 và 11, quân Đại Việt đã 3 lần đánh thắng quân Trung Quốc: Lần thứ nhất, năm 981, Lê Đại Hành phá đội hải quân của Lưu Trừng tại Bạch Đằng Giang; trong hai năm 1075 và 1076, Lý Thường Kiệt lại đánh thắng quân Nhà Tống tại Quảng Đông, Quảng Tây và trên sông Như Nguyệt và sông Phú Lương. Sau 3 phen thất trận, theo trình tấu của hoàng thân Triệu Nhữ Quát, vua Tống Thần Tông đã theo chính sách Trọng Võ Ái Nhân (thận trọng việc võ bị, thương xót mạng người, không phơi binh nơi lam chướng) để thừa nhận nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Đại Việt. Đời Nhà Nguyên, trong thế kỷ 13, vào những năm 1257, 1284 và 1287, như dưới đời Nhà Tống, quân Đại Việt đã ba lần đơn phương phá vỡ kế hoạch Nam Tiến của Mông Cổ. Đầu thế kỷ này, dưới hiệu kỳ Thành Cát Tư Hãn, quân Mông Cổ đã thôn tính toàn giải lục địa Á Châu 6 ngàn dậm đến tận Nam Nga và Hung Gia Lợi về phía bắc, và đến Ba Tư về phía nam. Những chiến thắng này của Đại Việt được quân sử thế giới ghi là vô tiền khoáng hậu. Sau ba phen thất bại, Nhà Nguyên không còn dòm ngó Việt Nam từ trên lục địa đến ngoài hải đảo. Và trong các thế kỷ 13 và 14, theo chính sử, quân Mông Cổ không xâm chiếm Hoàng Sa Trường Sa. Sự kiện này được xác nhận trong cuốn “Tranh Chấp tại Biển Nam Hoa” của Marwyn Samuels theo đó: “Trong suốt thế kỷ 14 các đội hải thuyền hùng mạnh của Nhà Nguyên có đi tuần tiễu, nhưng tại Biển Nam Hoa, Hoàng Sa Trường Sa không bị chiếm đóng và không thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”. Việc này còn được xác nhận trong cuốn Nguyên Sử Địa Lý Chí với đoạn như sau: “Cương vực Trung Quốc đời Nhà Nguyên về phía Nam chỉ đến Đảo Hải Nam, và về phía Bắc không quá Sa Mạc Gobi”. Năm 111 Trước C. N. Trung Quốc thôn tính nước Nam Việt và đổi tên là Giao Chỉ Bộ. Vùng Biển Đông Hải từ bờ biển Bắc Việt đến Thanh Hóa, Nghệ An (Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam) có tên là Giao Chỉ Dương. Dưới đời Nhà Minh, trong bản đồ Mao Khôn, Biển Đông Hải cũng được gọi là Giao Chỉ Dương. Ngoài ra trong các bản đồ Trịnh Hòa Hạ Tây Dương và Trịnh Hòa Hàng Hải Đồ cũng không thấy ghi Hoàng Sa Trường Sa trên các lộ trình và hải đạo của Trịnh Hòa 7 lần “đi qua Biển Nam Hoa để khai phá Ấn Độ Dương” (to cross the South China Sea and explore the Indian Ocean). Tới hậu bán thế kỷ 15, dưới đời vua Lê Thánh Tông (năm 1471), Chiêm Thành đã thuộc lãnh thổ Đại Việt gồm có lục địa, hải phận với các hải đảo Hoàng Sa Trường Sa. Về việc này Minh Sử viết như sau: “Sứ thần Chiêm Thành nói: Cổ lai đất nước Chiêm có 27 xứ, 4 phủ, 7 châu, 22 huyện, nay vua An Nam lấy đi chỉ còn 5 xứ, từ Bang Đô Lang (Phan Rang) đến Chân Lạp”. Lúc này vua Nhà Minh sai sứ sang yêu cầu vua Lê Thánh Tông trả đất cho Chiêm Thành, nhưng Ngài không chịu. (Lý do là vì Minh Chủ không trả đất Nam Việt đời Triệu Vũ Đế cho Đại Việt). Như vậy, từ thế kỷ 15, Hoàng Sa Trường Sa nguyên là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành, đã thuộc lãnh thổ Đại Việt. Lịch sử cũng ghi: Năm 1427 Lê Lợi đánh thắng quân Nhà Minh và giành lại chủ quyền độc lập đã bị Trung Quốc tước đoạt từ 20 năm trước (1407). Dưới đời Nhà Thanh, theo bản đồ Hoàng Thanh Nhất Thống Dư Địa Tổng Đồ năm 1894, và cuốn Trung Quốc Địa Lý Học Giáo Khoa Thư năm 1906, thì đến cuối thế kỷ 19, “lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam tại vỹ tuyến 18”. Sự kiện này được xác nhận trong cuốn Tranh Chấp tại Biển Nam Hoa của học giả Marwyn S. Samuels theo đó, cũng như dưới đời Nhà Nguyên, “không có bằng chứng nào cho thấy nhà Thanh đã sát nhập các hải đảo [Hoàng Sa Trường Sa] vào lãnh thổ Trung Quốc”. Trong tập Địa Dư Chí Tỉnh Quảng Đông năm 1731 và cuốn Đại Thanh Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán Trung Hoa soạn năm 1842 cũng không thấy ghi Hoàng Sa Trường Sa thuộc hải phận Trung Quốc. Trong vụ ngư dân đảo Hải Nam cướp đồng trên các tàu ngoại dương bị đắm trôi giạt vào Hoàng Sa vào những năm 1895-1896, để trả lời văn thư phản kháng của Chính Phủ Anh, Tổng Đốc Lưỡng Quảng phủ nhận trách nhiệm viện lý do“Hoàng Sa không liên hệ gì đến Trung Quốc”. Trước những sự thật lịch sử hiển nhiên như vậy Bắc Kinh vẫn mạo nhận rằng Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa Trường Sa từ thế kỷ 15 trong Chuyến Đi Thứ Tư của Trịnh Hòa năm 1413. Khôi hài và lố bịch hơn nữa, mới đây họ còn quảng bá trên hệ thống truyền hình quốc tế rằng, trong Chuyến Đi Thứ 6, Trịnh Hòa đã vượt Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương để khám phá Mỹ Châu năm 1421, trước Christopher Columbus 71 năm (1492) Sự tuyên truyền dối trá này đã bị lịch sử vạch trần: Theo cuốn Lịch Sử Trung Quốc Thời Trung Cổ “từ 1405 đến 1433, phái bộ Trịnh Hòa đã viếng thăm 37 quốc gia duyên hải tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Các địa điểm xa nhất là Vịnh Ba Tư, Biển Hồng Hải về phía tây bắc, và đông Phi Châu về phía cực tây Ấn Độ Dương”. Vả lại, theo chính sử Trung Quốc, Chuyến Đi Thứ Sáu của Trịnh Hòa chỉ kéo dài 7 tháng (từ tháng 2-1421 đến tháng 9-1421). Trong chuyền đi ngắn ngủi này Trịnh Hòa chỉ đi từ Phúc Kiến đến Sumatra (Nam Dương). Kể từ đó hai sĩ quan tùy viên Yang Ching và Hung Pao đã đứng ra điều khiển cuộc hải trình. Nghĩa là, trong thế kỷ 15, không có việc Trịnh Hòa khám phá Mỹ Châu như Bắc Kinh khẳng định. Việc Columbus là người đầu tiên khám phá Mỹ Châu là một sự kiện lịch sử đã được nhân loại ghi nhận từ 6 thế kỷ. Vậy mà ngày nay Trung Quốc dám sửa chữa Lịch Sử và bóp méo Sự Thật. Huống chi việc kiểm soát những hải đảo nhỏ bé không có thường dân cư ngụ và không tự túc về kinh tế ở một vùng hải phận xa xôi như Hoàng Sa Trường Sa. Về hai chiến dịch truyền thông cho rằng Trịnh Hòa đã khám phá Mỹ Châu năm 1421, và đã chiếm cứ Hoàng Sa Trường Sa năm 1413, chúng ta chỉ có thể kết luận: Phải là người Đại Hán có đảm lược (to gan lớn mật) mới dám lấy những chuyện hoang đường võng tưởng làm Sự Thật Lịch Sử.
Phụ Đính: Luật Pháp và Trật Tự tại Biển Đông Nam Á (Văn Thư ngày 14-7-1995 của Hội Luật Gia Việt Nam tại California Gửi Tổng Thống Phi Luật Tân Fidel Ramos) “Nhân danh Hội Luật Gia Việt Nam tại California, chúng tôi xin trình bầy cùng Tổng Thống vấn đề tranh chấp tại quần đảo Trường Sa. 7 năm trước đây, năm 1988, có trận hải chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc tại vùng biển Trường Sa. Trong dịp này Trung Quốc đòi chủ quyền lãnh thổ tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và đã chiếm cứ một số hải đảo gây nên mâu thuẫn và tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam và Phi Luật Tân. Mới đây Trung Quốc còn lấn chiếm một số cồn, đá, bãi toạ lạc tại thềm lục địa Phi Luật Tân như Mischief Reef, Half Moon Shoal, Sabina Shoal và Jackson Bank. Hành động này đe dọa an ninh toàn vùng Đông Nam Á và cản trở sự tự do giao thông tại Biển Nam Hoa. Từ 3 năm trước, năm 1992, Trung Quốc cũng đã xâm chiếm vùng biển tại Bãi Tứ Chính (Vanguard Bank) mà họ gọi là Bãi Vạn An (Wanan Bei) để tự tiện nhượng quyền khai thác dầu khí cho Hãng Crestone. Vùng bãi này nằm trong Thềm Lục Địa Việt Nam cách bờ biển 190 hải lý về phía đông nam. Phía đông Bãi Tứ Chính là quần đảo Trường Sa, đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương, Brunei và Đài Loan. Lưỡi Rồng Trung Quốc hình chữ U, chiếm 80% Biển Nam Hoa, phía đông giáp Phi Luật Tân, phía tây giáp Việt Nam và phía nam giáp Mã Lai, Brunei và Nam Dương, điểm xa nhất cách Hoa Lục 1100 hải lý (2000km). Hành động như vậy Trung Quốc coi Biển Nam Hoa là “nội hải” của họ cũng như Đế Quốc La Mã ngày xưa gọi Địa Trung Hải là “Biển Của Chúng Tôi” (Mare Nostrum). Chiếu Điều 57 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, các quốc gia duyên hải có đặc quyền đánh cá tại Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý. Chiếu Điều 76 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, các quốc gia duyên hải có đặc quyền thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa kéo dài từ 200 hải lý đến 350 hải lý, nếu về mặt địa hình, đáy biển là sự tiếp nối tự nhiên của nền lục địa (continental margin) từ đất liền ra ngoài biển. Về mặt pháp lý các quốc gia duyên hải đã ký kết hay tham gia Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển đương nhiên được hưởng quy chế thềm lục địa pháp lý 200 hải lý. Chiếu Điều 77 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển các quốc gia duyên hải có chủ quyền tuyệt đối tại thềm lục địa để thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đây là đặc quyền chuyên hữu theo đó không ai có quyền thăm dò và khai thác dầu khí nếu không có sự ưng thuận minh thị của quốc gia duyên hải. Những quyền này không tùy thuộc vào điều kiện phải có sự chiếm cứ hay công bố minh thị. Điều 81 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển một lần nữa xác nhận chủ quyền tuyệt đối và đặc quyền chuyên hữu của quốc gia duyên hải trong việc tự mình đứng ra thăm dò và khai thác dầu khí, hay ký khế ước cộng tác với các quốc gia đệ tam về dịch vụ này. Chiếu nguyên tắc “các hiệp ước quốc tế phải được tôn trọng”, Điều 26 Công Ước Vienna về Luật Hiệp Ước (1969) quy định như sau: “Các hiệp ước quốc tế có hiệu lực chấp hành buộc các quốc gia kết ước phải ngay tình tuân thủ”. Ủy Ban Liên Hiệp Quốc Về Luật Quốc Tế coi đó là “một nguyên tắc căn bản về Luật Hiệp Ước, có lẽ là nguyên tắc quan trọng nhất trong công pháp quốc tế”. Chiếu nguyên tắc về giá trị thượng tôn của Luật Quốc Tế đối với Luật Quốc Nội, các quốc gia kết ước phải thực sự thi hành những quyền hạn và nghĩa vụ ghi trong các hiệp ước hay công ước quốc tế. Họ không thể viện dẫn luật quốc nội để khước từ thi hành nghĩa vụ của họ ghi trong các hiệp ước và công ước quốc tế mà họ đã ký kết hay tham gia. Đó chính là trường hợp của Trung Quốc. Sau khi ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, 10 năm sau, năm 1992, Bắc Kinh ban hành Luật Quốc Gia về Biển (Domestic Law of the Sea) xâm phạm chủ quyền lãnh thổ tại các Thềm Lục Địa của Việt Nam và Phi Luật Tân, cũng như tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những vi phạm luật biển phải được đệ trình Tòa Án Quốc Tế (The Hague) hay các Tòa Án Luật Biển thiết lập do Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển. Muốn giải quyết những mâu thuẫn và tranh chấp về thềm lục địa, về hải phận hay hải đảo, các quốc gia đương tụng phải, trước hết, tuân hành những phương thức ôn hòa như điều đình, hòa giải, thương nghị hay trọng tài. Ngoài ra Tòa Án Quốc Tế cũng có thẩm quyền giải thích và áp dụng những điều khoản trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển có hiệu lực chấp hành từ năm 1994. Sự giải quyết tranh chấp bằng những phương pháp ôn hòa như hòa giải, thương nghị, trọng tài hay tố tụng sẽ giúp cho Đông Nam Á khỏi biến thành một vùng tranh chấp thường xuyên như Trung Đông. Với việc sử dụng luật pháp (pháp trị) thay thế việc sử dụng võ lực (phi pháp), Đông Nam Á sẽ có cơ may được hưởng một kỷ nguyên hòa bình, ổn định, hợp tác và phồn thịnh. Nhân dịp này chúng tôi cũng yêu cầu các quốc gia hội viên trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ra quyết định đổi danh xưng Biển Nam Hoa thành Biển Đông Nam Á. Danh xưng Nam Hải chỉ áp dụng cho Trung Quốc. Đối với Việt Nam, nó có tên là Đông Hải. Đối với Tân Gia Ba, Nam Dương, Mã Lai và Brunei, nó là Bắc Hải. Đối với Phi Luật Tân nó là Biển Tây. Hơn nữa danh xưng Biển Nam Hoa có thể bị ngộ nhận và giải thích sai lạc là Biển của nước Trung Hoa về phía Nam. Hãy trả Caesar những gì của Caesar. Hãy trả Biển Đông Nam Á cho các Quốc Gia Đông Nam Á. Chúng tôi xin cám ơn sự chú tâm của Tổng Thống về vấn đề này. Thay mặt Hội Luật Gia Việt Nam tại California Luật Sư Nguyễn Hữu Thống, Chủ Tịch” Ls. Nguyễn Hữu Thống
|