Cập nhật: 13:30 GMT - thứ hai, 11 tháng 10, 2010 Trung Quốc đã nhiều lần bắt tàu cá của Việt Nam Hãng thông tấn Associated Press cho hay thông tin này được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đưa ra bên lề hội nghị hẹp giữa các quan chức quốc phòng Asean và đối tác hôm thứ Hai. Trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc 'thả ngay và vô điều kiện' các ngư dân Việt Nam. Không biết đây có phải cử chỉ nhượng bộ bày tỏ thiện ý của Bắc Kinh trước hội nghị bộ trưởng quốc phòng mở rộng lần đầu tiên tại Hà Nội hay không. Chín ngư dân nói ở trên là của tàu cá Quảng Ngãi số hiệu QNg 66478TS, bị Trung Quốc bắt từ hôm 11/09 tại vùng biển Hoàng Sa. Phía Trung Quốc giải thích rằng "tàu cá QNg 66478TS đã sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá nên các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc quyết định xử phạt và sau khi nộp phạt, phía Trung Quốc sẽ thả tàu và ngư dân". Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam được nói đã phản đối quyết định xử lý này, khẳng định "tàu QNg 66478TS hoạt động bình thường tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam" và "trên tàu không có chất nổ". Phía Việt Nam cũng bác bỏ yêu cầu nộp phạt. Không nói về Biển Đông Cục phó Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Trung Quốc Quản Hữu Phi nói tại cuộc họp báo sau đó rằng vì thiếu thời gian, hai ông bộ trưởng đã không đề cập tới vấn đề này. Thiếu tướng Quản cũng bác bỏ rằng Biển Đông là một trong những vấn đề khiến trao đổi quốc phòng trực tiếp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ gián đoạn. "Việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan mới là lý do." Ông thiếu tướng tuyên bố hiện tình hình Biển Đông đang ổn định, và các quan chức ngoại giao Trung Quốc đang bàn thảo về quy tắc ứng xử ở nơi đây với các đối tác của các quốc gia có liên quan. Trước đó, vào sáng thứ Hai khi nói chuyện với các sinh viên Đại học Quốc gia và Học viện Quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói cần giải quyết các tranh chấp lãnh thổ qua cơ chế đa phương. Bắc Kinh luôn duy trì quan điểm vấn đề Biển Đông là chuyện cần bàn bạc song phương giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, đồng thời phản đối Mỹ can thiệp.
|