Đọc cuốn “Hải Chiến Hoàng Sa”

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Cập nhật: 08:53 GMT - thứ bảy, 23 tháng 10, 2010
    Đọc cuốn “Hải Chiến Hoàng Sa”
    Trần Bình Nam

    Gửi cho BBCVietnamese.com từ California


    Cuốn Hải Chiến Hoàng Sa do Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa soạn thảo. Ủy ban được gọi tắt là Ủy Ban Hoàng Sa (UBHS) và do Tổng Hội Hải Quân & Hàng Hải Việt Nam Cộng Hòa và Hội Đồng Hải Sử bảo trợ thành lập. UBHS ra đời năm 2004 và cuốn Hải Chiến Hoàng Sa là kết quả của 6 năm làm việc không ngừng của UBHS do cựu Hải Quân Thiếu Tá Trần Trọng Ngà làm Trưởng Ban cùng với 7 Ủy viên khác đều là cựu sĩ quan hải quân.

    Trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974 đã làm mất nhiều giấy mực. Nhưng trong xúc động và xáo trộn của biến cố 30/4/1975 liền sau đó các sự việc của trận đánh (như nguyên nhân, diễn tiến, kết thúc, thắng bại, hoạt động ngoại giao…) chưa được phân tích đầy đủ.

    Khác biệt ý kiến

    Ngày 30/4/1975 khi đoàn tàu HQ/VNCH rời khỏi nước không ai mang theo các tài liệu liên quan đến trận hải chiến, trong đó có một tài liệu quan trọng là Bản Tường Trình của Ủy Ban điều tra về trận đánh của Bộ Tư Lệnh Hải Quân (BTL/HQ). Nếu có tài liệu này, sự tranh cãi giữa các nhân vật liên hệ có thể đã không diễn ra hay ít nhất cũng giới hạn được rất nhiều các điểm cần tranh cãi.

    Đại tá Hà Văn Ngạc trước khi qua đời năm 1999 tại Hoa Kỳ có viết một tài liệu nhan đề “Trận Hải chiến lịch sử Hoàng Sa” nói về trận đánh. Đây là tài liệu có thẩm quyền nhất của người trong cuộc. Nhưng một số hạm trưởng trong hải đoàn đặc nhiệm bảo vệ Hoàng Sa của ông nhìn diễn tiến cuộc chiến qua lăng kính của chiến hạm họ chỉ huy đã nêu ra nhiều điểm khác biệt. Và trong nội bộ HQ/VNCH đã có những cái nhìn rất khác nhau ngoài mẫu số chung là HQ/VNCH đã giao chiến với HQ/TQ khi Trung Quốc muốn chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Sự khác biệt nhau rất rộng ngay cả sự đánh giá thắng hay bại.

    Thậm chí khi Hội Bạch Đằng ở San Jose tự sưu tầm tài liệu và nhân chứng thực hiện một DVD ngắn nói về trận hải chiến Hoàng Sa được vị cựu Tư Lệnh Hải Quân Trần Văn Chơn và nhiều sĩ quan HQ/VNCH khác xem là tương đối gần sự thật nhất cũng đã gặp phải sự “phiền hà” gay gắt của một trong 3 hạm trưởng còn sống sót khi DVD nói một trong 4 chiến hạm tham chiến đã gặp trở ngại tác xạ sau phát súng đại bác đầu tiên.

    Có lẽ đó là lý do UBHS ra đời với mục đích nghiên cứu để viết một tài liệu lịch sử thật chính xác về cuộc hải chiến Hoàng Sa.

    Trận đánh diễn ra cách đây 36 năm nên chưa đủ dài để có một lịch sử thật chính xác. Thí dụ các tài liệu mật về phía Trung Quốc (Trung Quốc có tiết lộ một số chi tiết với mục đích tuyên truyền). Và những sự việc quan trọng như ông Kissinger, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đã nói gì với Thủ tướng Chu An Lai khi hai người gặp nhau tại Bắc Kinh cuối năm 1973 bàn về quan hệ Mỹ-Nga-Tàu.

    UBHS đã dùng một số tài liệu Trung Quốc công bố sau khi gạn lọc. Nhưng về quan hệ Mỹ-Trung - có lẽ UBHS cho là một vấn đề tế nhị và chưa có bằng chứng xác thực - đã không nghiên cứu kỹ hơn.

    Tài liệu về phía HQ/VNCH cũng thiếu sót nhiều. Vị sĩ quan hải quân Chủ tịch Ủy Ban điều tra hiện ở Hoa Kỳ cũng cho biết không còn nhớ được bao nhiêu vì thời gian. Riêng tài liệu về phía Hoa Kỳ chỉ có một bản tường trình công khai của ông cựu đại úy Gerald Kosh khi theo đoàn tàu HQ/VN ra Hoàng Sa và bị bắt trên đảo. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ còn cất giữ nhiều tài liệu về vụ Hoàng Sa. UBHS có thể dùng luật “Information Act” của Hoa Kỳ để xin giải mật những tài liệu này nhưng UBHS không đủ thời gian và phương tiện.

    Cuộc phỏng vấn các sĩ quan hải quân cao cấp VNCH liên hệ còn sống tại hải ngoại trong đó có vị TL/HQ năm nay đã hơn 90 tuổi và phó Đề Đốc Tư lệnh Vùng I Duyên Hải lúc đó thì nói chung vì tuổi tác và thời gian cũng không ăn khớp với nhau. Đáng tiếc nhất là ngoài đại tá Hà Văn Ngạc đa qua đời, trong 3 vị hạm trưởng còn sống, chỉ có Trung Tá Lê Văn Thự, hạm trưởng HQ 16 nhận trả lời phỏng vấn của UBHS.


    Cần thêm những tư liệu mới về trận đánh năm 1974

    Ba phần chính

    Cuổn HCHS gồm 3 phần chính: Phần I nói về địa lý và lịch sử của quần đảo Hoàng Sa. Phần II nói về trận hải chiến. Phần III là phụ bản ghi lại nguyên văn (verbatim) các cuộc phỏng vấn, ngoại trừ cuộc trà đàm với ông Nguyễn Văn Ngân, cựu cố vấn đặc biệt tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được UB ghi lại.

    Phần I, với nhưng bằng chứng lịch sử, diện địa, đất đai, và tài liệu ngoại giao UBHS đã chứng minh một cách hùng hồn quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Cuộc đấu tranh giành lại biển đảo đã mất sẽ rất cam go. Thế kỷ này là thế kỷ của Trung Quốc trên con đường vươn lên để làm bá chủ. Trung Quốc đang biến quần đảo Hoàng Sa thành một căn cứ quân sự nối dài về phía sau với căn cứ Hải quân tại Yulin ở cực nam đải Hải Nam, và nối dài về phía trước với quần đảo Trường Sa trong sách lược chiếm cứ Biển Đông và chia đôi Thái Bình Dương với Hoa Kỳ .

    Phần II miêu tả những vận chuyển chiến thuật của 4 chiến hạm VNCH khi lâm trân. HQ/VNCH đã phải nổ súng trước, khi các tàu Trung Quốc ngăn cản không cho đổ lính và người nhái lên đảo. Mặt khác, nổ súng trước để lấy thế thượng phong.

    HQ/VNCH cũng như HQ/TQ đều chưa có nhiều kinh nghiệm hải chiến trên đại dương nên UB không thể trình bày một thế trận theo sách vở tại các trường dạy về hải chiến. Cuối cùng HQ/VNCH quyết định triệt thối về căn cứ hải quân Đà Nẵng để bảo toàn chủ lực. HQ/TQ bắt tù binh trên đảo và trên biển, trong đó có đại úy Kosh. Sau đó Trung Quốc đưa nhiều tiểu đoàn bộ binh đến đổ bộ chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đưa tất các tù binh về đảo Hải Nam và Quảng Đông, được ghi nhận đối đãi tử tế. Sau khi phỏng vấn tù binh lấy lệ, 10 ngay sau Trung Quốc trả tự do cho ông Kosh và 4 quân nhân Việt Nam, và cuối tháng 2/1974 tất cả 45 tù binh sĩ quan cũng như binh sĩ VNCH còn lại đều được trả tự do tại Hồng Kông.

    Phần III là phần phỏng vấn. Nội dung các cuộc phỏng vấn đã được UB dùng một cách có hệ thống trong suốt cuốn HCHS. Trong 16 nhân vật được phỏng vấn có 3 cuộc phỏng vấn đáng quan tâm, và đáng ra UBHS nên in lại nguyên văn bài viết “Trận Hải chiến lịch sử Hoàng Sa” của Đại Tá Hà Văn Ngạc trong phần này dù ông đã qua đời .

    Cuộc phỏng vấn cựu Ngoại trưởng Vương Văn Bắc tiết lộ cuộc đấu tranh ngoại giao hết sức tích cực và đúng bài bản trên diễn đàn quốc tế để chứng minh quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Trước cuộc chiến, Bộ Ngoại Giao VNCH đã đưa ra những tuyên bố tố cáo định tâm xâm lăng của Trung quốc. Và sau cuộc chiến cũng đã đệ nạp cho Liên hiệp quốc những văn kiện khiếu nại cần thiết. Các thủ tục ngoại giao quốc tế và các tài liệu để lại sẽ là căn bản pháp lý quan trọng cho công cuộc đấu tranh giành lại đất đai về sau.

    Ngày 30/4/1975 khi đoàn tàu HQ/VNCH rời khỏi nước không ai mang theo các tài liệu liên quan đến trận hải chiến, trong đó có một tài liệu quan trọng là Bản Tường Trình của Ủy Ban điều tra về trận đánh của Bộ Tư Lệnh Hải Quân (BTL/HQ). Nếu có tài liệu này, sự tranh cãi giữa các nhân vật liên hệ có thể đã không diễn ra hay ít nhất cũng giới hạn được rất nhiều các điểm cần tranh cãi.
    Cuộc phỏng vấn thứ hai với cựu Thiếu Tá Không quân Hồ Kim Giàu, phi đoàn trưởng phi đoàn nghênh cản 538 là lý thú nhất vì từ trước đến nay chưa được ai đề cập tới.

    Phi đoàn nghênh cản của Không quân Việt Nam được thành lập cuối năm 1973 để đối phó với Không quân Bắc Việt trường hợp họ tấn công các phi trường thuộc Vùng I chiến thuật. Ngày 19/1/1974 khi cuộc chiến tại Hoàng Sa còn chưa ngả ngủ, Thiếu Tá Giàu được lệnh chuẩn bị phi đoàn bay ra Hoàng Sa oanh tạc các chiến hạm Trung quốc. Phi đoàn nghênh cản gồm 4 chiến đấu cơ F5-A và 12 chiến đấu cơ F5-E tối tân và với bình xăng phụ có khả năng bay ra Hòang Sa tác chiến trong vòng 15 phút và trở về. Các phi công đều được huấn luyện không chiến tại Hoa Kỳ.

    Sáng ngày 20/1 phi đoàn sẵn sàng lên đường. Nhưng đến trưa có lệnh từ phủ tổng thống hủy bỏ công tác.

    Cuộc phỏng vấn thứ ba là một cuộc trà đàm không ghi âm với ông Nguyễn Văn Ngân do UB ghi lại theo trí nhớ gồm 7 điểm. Trong đó chỉ có điểm số 6 liên quan đến những gì ông Ngân nghe biết về vụ Hoàng Sa. Sáu điểm còn lại không liên quan đến vụ Hoàng Sa mà chỉ là những nhận xét chính trị của ông Ngân về quan hệ Việt –Mỹ sau Hiệp Định Paris.

    Nhưng trong điểm 6 ông Ngân là người duy nhất trong 16 nhân vật được phỏng vấn nêu nghi vấn Hoa Kỳ đã thỏa thuận làm ngơ để cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa trước khi Hà Nội chiếm miền Nam Việt Nam, một điều Hoa Kỳ biết trước sau cũng xảy ra. Ý của Hoa Kỳ là dùng Trung Quốc cản đường Nga Xô sau này dựa thế đồng minh với Hà Nội tiến vào Biển Đông đe dọa eo biển Malacca và Ấn Độ Dương.

    Rất tiếc UB không đi vào chi tiết để tìm hiểu cơ sở lý luận của ông Ngân, và đào sâu thêm nghi vấn quan trọng này trong mối quan hệ giữa VNCH và Hoa Kỳ vào giờ thứ 25.

    Giá trị

    Cuốn Hải Chiến Hoàng Sa là một tài liệu công phu và nghiêm chỉnh nhất từ trước đến nay. Quyết định của Tổng Hội HQ&HH Việt Nam Cộng Hòa và Hội Đồng Hải Sử thành lập Ủy ban Nghiên cứu trận Hải chiến Hoàng Sa là một quyết định có tầm vóc.

    UBHS với số ủy viên chỉ còn 5 người khi hoàn thành cuốn Hải Chiến Hoàng Sa, đã làm việc kiên trì và liên tục trong 6 năm liền là một đóng góp lớn lao cho kho lịch sử dựng nước và giữ nước, và là một phần của lịch sử HQ/VNCH khi đất nước còn bị chia cắt.

    Tài liệu này là một thứ vũ khí đóng góp không nhỏ cho công cuộc tranh đấu đòi đất, đòi đảo của dân tộc Việt Nam không phân biệt chính kiến.

    Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, đang sống ở tiểu bang California, Hoa Kỳ.




    Posted by BBC on October 23, 2010 at 11:48:14:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]