Bốn trở ngại chính cho tranh chấp Biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Bốn trở ngại chính cho tranh chấp Biển Đông

    Tác giả: TS Nguyễn Hồng Thao (ĐHQG Hà Nội)

    Quản lý tranh chấp là nhiệm vụ vô cùng phức tạp khi phải dung hòa quan điểm các bên, từ tranh chấp chỉ giải quyết trên cơ sở đàm phán song phương tới một cách tiếp cận khu vực. TS Nguyễn Hồng Thao, ĐHQG Hà Nội phân tích sâu 4 trở ngại chính cho vấn đề tranh chấp Biển Đông.

    LTS: Cùng với tranh chấp gần đây tại Biển Hoa Đông, căng thẳng ở Biển Đông khiến cho tình hình châu Á nóng lên, làm các nước trong khu vực cảnh giác và e ngại, tác động đến sự ổn định và phát triển kinh tế.

    Từ tất cả các góc độ địa lý tự nhiên, địa chiến lược, kinh tế, luật pháp và văn hóa, bản thân vấn đề Biển Đông đã mang tính quốc tế. Nhu cầu quản lý tranh chấp đang ngày càng trở nên bức thiết, không chỉ là trách nhiệm của nước đòi hỏi chủ quyền mà cả các nước khác có quyền lợi và nghĩa vụ chính đáng.

    Thế nhưng, quản lý tranh chấp là nhiệm vụ vô cùng phức tạp khi phải dung hòa quan điểm các bên, từ tranh chấp chỉ giải quyết trên cơ sở đàm phán song phương tới một cách tiếp cận khu vực. TS Nguyễn Hồng Thao, ĐHQG Hà Nội phân tích sâu 4 trở ngại chính cho vấn đề tranh chấp Biển Đông.

    "Đường lưỡi bò" và những nhóm lợi ích ở Trung Quốc
    Giải mã "lợi ích cốt lõi" và "đường lưỡi bò" của Trung Quốc

    Chủ quyền

    Đây là điều kiện tiên quyết để giải quyết tranh chấp biển đảo.Các bên yêu sách thường tuyên bố sẵn sàng giải quyết các tranh chấp về đảo trên cơ sở luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982. Công ước quy định các cơ chế giải quyết các tranh chấp biển, nhưng không có điều khoản nào đề cập đến giải quyết các tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ngoài khơi.[i]

    Theo nguyên tắc của Luật biển "Đất thống trị biển" thì việc xác lập chủ quyền là điều kiện để đòi hỏi các vùng biển hợp pháp phù hợp Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982. Các vùng biển cũng chỉ được phân định một khi các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo và đá ngầm được giải quyết.


    Ảnh Lê Anh Dũng.

    Trong tiến trình tranh chấp, các nước đã đưa ra hai dạng yêu sách chủ quyền: 1) từ các phương thức thụ đắc lãnh thổ đã đề cập trong lịch sử luật quốc tế như: chiếm hữu thực sự (Việt Nam), quyền phát hiện (Trung Quốc), kế cận về mặt địa lý (Philippin) tới 2) phương thức vận dụng luật biển mới để đòi hỏi chủ quyền Malaysia, Brunei).

    Đâu là tiêu chí để các bên thống nhất. Từ góc độ bình đẳng chủ quyền không quốc gia nào có thể ép buộc quốc gia khác từ bỏ yêu sách và lập luận.

    Cần có một bên thứ ba đánh giá khách quan lập trường các bên song Đông Nam Á vẫn chưa phải là khu vực có truyền thống viện dẫn đến sự can dự của các cơ quan tài phán quốc tế mặc dù gần đây đã có hai phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế liên quan tới các tranh chấp về đảo giữa các quốc gia Đông Nam Á. Phán quyết thứ nhất là về đảo Sipadan và đá Ligitan Reef giữa Indonesia và Malaysia (Phán quyết ngày 17/12/2002).[ii] Phán quyết thứ hai liên qua tới tranh chấp đối với Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge giữa Malaysia và Singapore (Phán quyết ngày 23/5/2008).[iii]

    Các phán quyết đều nhấn mạnh đến chiếm hữu thực tế. Điều này càng làm các nước tranh chấp đẩy mạnh các hoạt động mở rộng chiếm đóng và hiện diện của mình trên Biển Đông. Từ tăng cường tàu ngư chính, du lịch, dân sự hóa, xây dựng đường băng, sân chim đến các công viên biển.

    Do sự khác biệt về tương quan lực lượng, phạm vi yêu sách, e ngại dư luận trong nước, khả năng rủi ro chính trị nên các Chính phủ khó có thể đồng thuận để đưa tranh chấp Trường Sa ra trước Tòa án quốc tế. Chỉ một nước không đồng thuận, Tòa án sẽ không có thẩm quyền. Hiện tại, mới chỉ có Philippines công nhận quyền tài phán bắt buộc của Tòa nhưng lại bảo lưu không áp dụng cho các tranh chấp liên quan đến KIG, tức quần đảo Trường Sa.

    Khả năng đưa tranh chấp Hoàng Sa ra trước Tòa án quốc tế có thể đơn giản hơn nếu xét ở mức độ chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc nhưng sẽ khó hơn nhiều vì Trung Quốc đang quản lý toàn bộ quần đảo này và không muốn bàn đến ngay cả trong cơ chế đàm phán trên biển giữa hai nước có từ năm 1996.

    Tình hình cũng tương tự đối với các cơ chế tài phán quốc tế khác như Tòa án Trọng tài Luật biển quốc tế.

    Điều 74 và 83 của UNCLOS 1982 có trù định các dàn xếp tạm thời cho các vùng biển chồng lấn phát sinh từ giải thích luật biển chứ không phải từ tranh chấp chủ quyền. Công thức "gác tranh chấp cùng khai thác"[iv] mà Trung Quốc thuyết phục các nước tranh chấp ủng hộ lại có điều kiện tiên quyết là "chủ quyền thuộc Trung Quốc".[v]

    Các học giả Trung Quốc còn đề nghị công thức khai thác chung phân chia 40/60 cho các vùng nước nằm ngoài đường chữ U.[vi]

    Nhật Bản và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận bước đầu về khai thác chung ở Hoa Đông tháng 6/2008[vii] nhưng tình hình căng thẳng sau vụ Nhật Bản bắt thuyền trong tàu cá Trung Quốc ở vùng biển Điếu Ngư 7/9/2010 đã làm thỏa thuận này hầu như không được áp dụng.

    Công thức này có vẻ thích hợp với Trung Quốc trong giai đoạn "giấu mình chờ thời - biding its time and hiding its capabilities"). Hiện nay nhiều học giả Trung Quốc kêu gọi chuyển sang giai đoạn tăng cường hoạt động hiện diện trên thực địa.[viii] Vấn đề chủ quyền sẽ không có lời giải nhiều thời gian nữa.

    Với xu thế biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao, khả năng một số đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm có thể ngập dưới mặt nước. Điều này có làm các nước thay đổi lập trường hay lại thúc đẩy họ tăng cường các hoạt động xây dựng củng cố. Một câu hỏi khó.

    Đường 9 đoạn hình chữ U (đường lưỡi bò)

    Tuy có những đánh giá khác nhau về nội dung và tính chất của đường chữ U, các học giả Trung Quốc và Đài Loan đều cho rằng đường này đã được quốc tế công nhận rộng rãi. Các học giả Đài Loan giải thích đường này thể hiện yêu sách đối với các đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm trong phạm vi đường[ix] từ năm 1946.

    Các học giả Trung Quốc cho rằng đây là đường biên giới truyền thống trong biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và Trung Quốc yêu sách không chỉ các địa vật mà cả vùng nước bên trong và kế cận. Theo họ, trước những năm 1960s và 1970s, Việt Nam, Philippin, Malaysia, Brunei và các nước Đông Nam Á khác đều không đưa ra phản đối đường chũ U này. Điều đó chứng tỏ họ đã công nhận và mặc nhiên chuẩn y đường chữ U cũng như tính chất lịch sử của nó.

    Điều đó cũng chứng tỏ họ đã công nhận cả bốn quần đảo (Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa) thuộc chủ quyền Trung Quốc.

    Tề Quốc Hưng (Ji Guoxing) cho rằng các nước đã có sự hiểu nhầm khi áp dụng Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982. Không có điều khoản nào trong Công ước cho phép các quốc gia ven biển mở rộng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình lại đòi hỏi chủ quyền các đảo nằm trong các vùng biển đó nhưng thuộc quốc gia khác.

    Hơn nữa Công ước Luật biển lại công nhận và bảo vệ danh nghĩa lịch sử. Vì vậy không thể dùng Công ước Luật biển làm cơ sở xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo và vùng nước phụ cận. Ông lập luận đường chữ U không phải là đường vùng nước lịch sử mà là đường vùng nước lịch sử đặc biệt nghĩa là Trung Quốc có một số quyền lịch sử xác định trong đường đó như một số ưu tiên về hàng hải, đánh cá và khai thác tài nguyên.

    Vùng chồng lấn giữa đường vùng nước lịch sử đặc biệt này của Trung Quốc với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác sẽ tạo ra các vùng tranh chấp khác nhau.[x]

    Về lập luận đường chữ U đã được cộng đồng quốc tế công nhận và các quốc gia liên quan không có sự phản đối, hãy xem xét đúng theo lịch sử và pháp lý. Thứ nhất, thời điểm Trung Quốc công bố với thế giới phù hợp với các quy định của luật quốc tế là 1946, 1947 hay chính thức lần đầu tiên là ngày 7/5/2009.

    Thứ hai, nguồn gốc đường này chỉ là một dạng xuất bản tư nhân.

    Thứ ba, một đường lúc thì 11 đoạn, lúc thì 9 đoạn, vẽ tùy tiện, không tọa độ, không rõ ràng sao có khả năng thể hiện một đường yêu sách biên giới rõ ràng theo đúng các quy định của luật quốc tế để các quốc gia khác phải bận tâm.

    Thứ tư, vào thời điểm đường lưỡi bò đang được Bộ Nội vụ Trung Hoa in trên bản đồ, năm 1946 Pháp đã đưa tàu và quân ra đóng giữ đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tiếp tục duy trì danh nghĩa chủ quyền kế thừa từ Nhà nước phong kiến An Nam và hoạt động chiếm hữu theo luật quốc tế của Pháp năm 1933. Hoạt động thực tiễn này là sự phản đối hùng hồn ý định yêu sách hai quần đảo bằng cách vẽ đường chữ U từ phía nước láng giềng phương Bắc.


    Ảnh Lê Anh Dũng

    Thứ năm, Hiệp ước hòa bình San Francisco 1951 không đả động chút gì tới đường chữ U. Ngay cả Tuyên bố của Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1951 về Dự thảo Hiệp ước San Francisco cũng không nhắc gì đến đường chữ U. Vì vậy không thể nói đã có sự công nhận quốc tế.

    Thứ sáu, thực tế tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như đòi hỏi của Philippines, Malaysia, Brunei đối với hầu như toàn bộ hoặc một bộ phận của quần đảo Trường Sa cho thấy không thể nói đường chữ U trên Biển Đông mà Trung Quốc vạch ra đã được các nước khác công nhận.

    Thứ bảy, ngay cả những nước không liên quan gì đến tranh chấp cũng thể hiện quan điểm không đồng tình. Mỹ không công nhận bất kỳ vùng biển nào không gắn với đất liền và đảo.[xi] Indonexia cho lưu chuyển tại Liên hợp quốc ngày 8/7/2010 Công hàm không chấp nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc.[xii] Hầu hết các nhà khoa học Âu, Mỹ đều không đồng tình với con đường này.

    Lập luận đường chữ U là đường vùng nước lịch sử đã không thể thuyết phục được cộng đồng quốc tế. Thứ nhất, trong Tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị của Liên hợp quốc về luật biển năm 1958 trong danh sách các vùng nước lịch sử của thế giới không có tên vùng nước lịch sử hình chữ U ở Biển Đông.

    Thứ hai, Công ước luật biển năm 1982 không đề cập đến vùng nước lịch sử. Điều 15 của Công ước chỉ quy định trường hợp phân chia lãnh hải rộng 12 hải lý theo đường cách đều hoặc trung tuyến trừ khi có danh nghĩa lịch sử hoặc hoàn cảnh đặc biệt. Không có bất kỳ một quy định nào viện dẫn danh nghĩa lịch sử cho vùng biển rộng hơn 12 hải lý chứ đừng nói cách bờ vài trăm hải lý như đường chữ U.

    Thứ ba, khái niệm vùng nước lịch sử hay vùng nước lịch sử đặc biệt mâu thuẫn với các tuyên bố và luật chính thức của Trung Quốc về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

    Thứ tư, đường chữ U là đường vẽ tùy ý, không xuất phát từ đất liền và đảo nên không thể mang lại cho quốc gia yêu sách một vùng biển phù hợp với quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 cũng như chủ quyền trên các đảo, đá, bãi cạn trong phạm vi đường đó.

    Thứ năm, đường chữ U không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các nước có tranh chấp chủ quyền mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi tự do và an ninh hàng hải, hàng không của các nước ngoài khu vực cũng như của cộng đồng thế giới.[xiii]

    Có thể hiểu đường chữ U được duy trì nhằm giành cho Trung Quốc một không gian để triển khai chiến lược trở thành siêu cường thế giới. Tuy nhiên một siêu cường có nghĩa vụ quan tâm đến lợi ích của các nước nhỏ. Việc duy trì một con đường không khoa học, không khách quan, không phù hợp luật pháp quốc tế ảnh hưởng đến hình ảnh của một đất nước Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, đồng tác giả của năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và là trở ngại chính cho mọi giải pháp giải quyết tranh chấp trong Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

    Quy chế đảo

    Các nhà nghiên cứu quốc tế chưa đưa ra con số thống nhất các đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông (từ 200 hoặc hơn). Điều thống nhất là hầu hết chúng đều không thích hợp cho con người đến ở. Quân đồn trú thường xuyên trên các đảo chỉ có từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

    Điều 121 (3) Công ước Luật biển 1982 không đưa ra một định nghĩa rõ ràng về đá dẫn tới những giải thích khác nhau về quy chế đảo đá. Kích thước, chu vi, chiều cao như thế nào để được coi là đảo hay đá? Thế nào là đá thích hợp cho con người đến ở? Các đá không có người ở nhưng với ý nguyện của nhân dân và chính phủ xây dựng các công trình nhân tạo và cung cấp đủ nước và thực phẩm thì chúng có được coi là đáp ứng các yêu cầu của điều 121 (3) không? Thế nào là đời sống kinh tế riêng của đá? Các đèn biển, đường băng, trạm khí tượng thủy văn, sân chim hay công viên biển, các trạm dầu khí, các công trình kinh tế xây dựng trên các đá có tạo thành đời sống kinh tế riêng của đá không? Quy chế đảo đá có được tính như quy chế đất liền tức có đủ các vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế, thềm lục địa không? Hiệu lực của các đảo đá trong phân định vùng biển với lãnh thổ đất liền thế nào?

    Michael Richardson và Pan Shiying cho rằng trong quần đảo Trường Sa chỉ có đảo Ba Bình (tiếng Anh: Itu Aba, tiếng Trung: Taiping Dao) là thỏa mãn điều kiện của điều 121 (3) và có quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.[xiv]

    Tống Yên Huy (Yann Huei Song) cho rằng số lượng các đảo đá có thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là 5 trên cơ sở hoạt động củng cố cải tạo và quản lý của các bên. Đó là đảo đá Phú Lâm (tiếng Anh: Woody Island, tiếng Trung: Yongxing Dao), Thị tứ (tiếng Anh: Thitu Island, tiếng Trung: Zhongye Dao, tiếng Phi: Pagasa), Ba Bình (tiếng Anh: Itu Aba, tiếng Trung: Taiping Dao), Trường Sa (tiếng Anh: Spratly, Nanwei), Hoa Lau (tiếng Anh: Swallow Reef, tiếng Trung: Dan Wan Jiao, tiếng Malaysia: Layang Layang). Mặc dù các đảo này có diện tích nhỏ hơn 1 km2 nhưng chúng đều có đường bay, quân đội, một số đảo có dân thường, có công trình phục vụ du lịch.[xv]

    R. W. Smith nhận xét rất nhiều các chuyên gia quốc tế về luật biển cho rằng phần lớn, nếu không phải là tất cả các đảo trong Biển Đông, đều nên coi là đá theo điều 121 (3) và như vậy chúng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.[xvi]

    Lập trường của các quốc gia trong khu vực về quy chế đảo được thể hiện rõ hơn vào thời điểm ngày 13/5/2009. Hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia trình Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc (CLCS) thể hiện thềm lục địa kéo dài từ lãnh thổ đất liền hai nước mà không tính đến các đảo trong quần đảo Trường Sa.

    Brunei Darussalam trong Thông báo ban đầu cho CLCS thể hiện ý định sẽ xem xét thềm lục địa mở rộng như sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền qua khu vực Dangerous Grounds (Spratlys Islands) tới rìa ngoài đáy biển Đông.

    Luật đường cơ sở quần đảo (Filipino Republic Act 9522) ngày 10/3/2009 của Philippin đã quyết định không gộp Kalayaan Islands Group (KIG) và Scarborough Shoal (Hoàng Nham) vào quần đảo Philippin để có được vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ đường cơ sở quần đảo theo Công ước luật biển 1982. Các đảo này được quy định sẽ theo "quy chế đảo".

    Indonesia với đề xuất bành donut từ những năm 1990s thể hiện các nước xung quanh Biển Đông đều có quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý tính từ đường cơ sở đất liền, các đảo đá không có quyền mở rộng các vùng biển trên.

    Mặc dù các quy định này còn chưa rõ ràng, có thể thấy xu hướng các nước muốn hạn chế cho các đảo đá trong Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng như lãnh thổ đất liền.

    Trung Quốc duy trì "tiêu chuẩn kép" về quy chế đảo. Ngày 6/2/2009, Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc[xvii] phản đối hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa của Nhật Bản gửi CLCS ngày 12/11/2008 lấy đảo Oki-no-Tori Shima làm điểm cơ sở mở rộng thềm lục địa ở ba khu vực ngoài 200 hải lý (SKB, MIB và KPR) tại biển Hoa Đông.

    Tại cuộc họp lần thứ 19 các nước thành viên Công ước luật biển (SPLOS) 22-26/6/2010 đoàn đại biểu Trung Quốc khẳng định lại lập trường, theo điều 121 (3) Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, các đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

    Thế nhưng tại Biển Đông, Trung Quốc lại có lập trường trái ngược[xviii] khi yêu sách các vùng biển phụ cận của quần đảo Trường Sa mở rộng vào cả các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ bờ biển đất liền của các quốc gia khác xung quanh Biển Đông.

    Quy chế đảo ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề phân định biển giữa các đảo và các lãnh thổ đất liền xung quanh. Do sự đan xen chiếm đóng, nếu các đảo đá chỉ có 12 hải lý thì đã có hàng trăm trường hợp phải phân định giữa chúng với nhau. Tình hình càng phức tạp khi cho chúng có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Các đảo đá này ở rải rác trên một vùng biển khá rộng lớn, Hoàng Sa là 16.000 km2 và Trường Sa là 160-180.00 km2.

    Đường cơ sở cho quốc gia quần đảo theo quy định điều 47 của Công ước Luật biển 1982 không được áp dụng cho chúng mặc dù trên thực tế Trung Quốc đã áp dụng cho quần đảo Hoàng Sa bằng tuyên bố ngày 15/6/1996.

    Thực tiễn quốc tế và các phán quyết của các Tòa án và Trọng tài quốc tế cho thấy về quy mô, kích thước, điều kiện sinh sống hay đời sống kinh tế riêng chúng cũng không thể được coi có cùng hiệu lực pháp lý trong phân định với lãnh thổ đất liền.

    Luật pháp là một sự vận động không ngừng. Điều 121 (3) với những khiếm khuyết của nó cần phải được sửa đổi và phải tính đến đặc thù của khu vực. Vùng biển các đảo được hưởng không nên được mở rộng quá mức, ảnh hưởng đến quyền lợi của các quốc gia ven biển, ảnh hưởng an ninh hàng hải, hàng không của cộng đồng quốc tế, tiếp tục duy trì nguy cơ xung đột ở mức cao.

    Các nước trong khu vực Biển Đông có thể cân nhắc việc thành lập một cơ chế đàm phán hoặc cơ quan khu vực đặc biệt để thảo luận về quy chế đảo trong Biển Đông. Từ tình hình và phân tích trên có thể có một số lựa chọn sau:

    - Các đảo có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng và có hiệu lực pháp lý trong phân định như lãnh thổ đất liền. Khả năng này sẽ không được phần lớn các nước ủng hộ vì đánh đồng tất cả các đảo đá với lãnh thổ đất liền gây ra sự không công bằng trong phân định. Nó cũng tạo ra sự lo ngại của cộng đồng quốc tế về an ninh hàng hải, hàng không qua khu vực không được bảo đảm.

    - Xác định giới hạn 200 hải lý từ lãnh thổ đất liền lục địa hay từ các đảo chính của quốc gia quần đảo và cho các đảo đá chỉ có lãnh hải 12 hải lý. Khả năng này có thể được phần lớn các nước tranh chấp và cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Tuy nhiên sẽ có những ý kiến không đồng thuận về một số đảo đã từng bước được dân sự hóa trên hai quần đảo.

    - Xem xét 5 đảo Phú Lâm, Ba Bình, Trường Sa, Thị Tứ, Hoa Lau có khả năng có thềm lục địa và đặc quyền kinh tế hạn chế, các đảo đá khác chỉ có lãnh hải 12 hải lý.

    - Khoanh từng cụm đảo đá bãi cạn trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thành từng đơn vị độc lập trên cơ sở chúng được gắn kết về mặt lịch sử, văn hóa, kinh tế xã hội như một quần đảo đá - Rockpelago và thỏa thuận cho mỗi đơn vị độc lập này một lãnh hải 12 hải lý, một thềm lục địa và đặc quyền kinh tế hạn chế mang tính tượng trưng như công thức với các đảo trong vụ eo biển Manche giữa Pháp và Anh năm 1977 (9 hải lý lãnh hải + 3 hải lý thềm lục địa). Mức độ bao gộp hoặc chia nhỏ phụ thuộc vào tính gắn kết của chúng.

    Trên thực tế Malaysia, Philippin đã đưa ra phạm vi khoanh vùng ở Trường Sa nhưng nhằm mục đích yêu sách chủ quyền các đảo đá trong phạm vi đó hơn là thể hiện cho chúng một vùng biển. Indonessia đã gợi ý về giải pháp bánh donut.

    Thỏa thuận ba bên Phi-Trung-Việt 2005 cũng đã giới hạn khu vực tranh chấp ở Trường Sa. Giải pháp hạn chế vùng biển cho các đảo đá cho phép các quốc gia ven biển thực hiện quyền mở rộng biển của mình phù hợp Công ước luật biển 1982, hạn chế mở rộng tranh chấp biển, tạo điều kiện giải quyết tranh chấp chủ quyền cũng như áp dụng các sáng kiến cùng khai thác. Nó cũng tạo khả năng sẽ có một vùng đáy biển di sản chung của loài người, đáp ứng yêu cầu của tất cả các bên và cộng đồng quốc tế.

    Chủ nghĩa dân tộc

    Tranh chấp biển đảo ở châu Á đã kéo dài trong tâm trí nhiều thế hệ, trải qua nhiều biến cố lịch sử, được nhiều người trong và ngoài khu vực quan tâm, được củng cố thêm bằng xu hướng dân chủ, hội nhập quốc tế nên chủ nghĩa dân tộc rất dễ bị kích động.

    Thỏa thuận song phương giữa PNOC (Công ty dầu khí quốc gia Philippin) và CNOOC (Công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc) ngày 1/9/2004 và sau đó là Thỏa thuận ba bên PNOC, CNOOC và PETROVIETNAM ngày 14/3/2005 về khảo sát địa chấn khu vực xác định trên quần đảo Trường Sa là tâm điểm phản đối của lực lượng chính trị đối lập tại Philippines. Tổng thống Arroyo bị cáo buộc cho phép ký kết các hiệp định để đổi lấy việc Trung Quốc tài trợ cho một số dự án của Philippines.[xix]

    Biểu tình ôn hòa ngày 9/12/2007 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hay các bài báo trên mạng đe dọa đánh chiếm Việt Nam trong vòng 31 ngày luôn gây những vấn đề khó xử trong quan hệ.[xx]

    Việc Trung Quốc hàng năm đơn phương cấm đánh bắt cá từ 15/5 đến 31/8 và đưa tàu ngư chính xuống Trường Sa làm cho vấn đề nghề cá thêm nóng bỏng. Riêng năm 2009, đã có 33 tàu cá và 433 ngư dân Việt Nam bị các lực lượng Trung Quốc bắt giữ[xxi]

    Vụ 9 ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ trong tháng 9/2010 lại là dịp để báo chí so sánh phê phán tiêu chuẩn kép áp dụng khác nhau cho ngư dân Trung Quốc bị tàu tuần tra Nhật Bản bắt trong vùng biển Senkaku và cho ngư dân Việt Nam bị bắt giữ tại vùng biển Hoàng Sa.[xxii]

    Tình cảm dân tộc rất dễ bị thổi bùng sau những đụng độ nghề cá, liên quan đến ngư dân các nước. Căng thẳng trong vụ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đâm tàu kiểm soát Nhật Bản tại vùng biển Senkaku đã được quan chức hai bên tìm cách tháo gỡ sau cuộc gặp ngoài lề ADMM+ tại Hà Nội tháng 10/2010. Tuy nhiên tình cảm chống đối lại bùng lên với hàng loạt cuộc biểu tình của dân chúng ở Nhật Bản và Trung Quốc ngày 16-17/10/2010[xxiii].

    Cũng cần nhắc lại rằng Thỏa thuận 6/2008 về thăm dò khai thác chung Nhật Bản - Trung Quốc đã gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cư dân mạng ở Trung Quốc và báo chí Hồng Kông ngay lập tức sau khi công bố. Để tìm cách xoa dịu sự phản đối của công luận, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã phải lên tiếng trấn an là các công ty Nhật Bản và Trung Quốc thực hiện tại khu mỏ này là sự phát triển thông qua hợp tác, phù hợp với luật pháp Trung Quốc.[xxiv]

    Các quốc gia đang ngày càng trở nên thực dụng hơn trong tìm kiếm các giải pháp hợp tác cùng phát triển, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Song thách thức đối với họ không hề nhỏ khi phải thuyết phục người dân ủng hộ các sáng kiến đưa ra trong khi sức mạnh tuyên truyền về chủ quyền biển đảo đôi khi đã đi quá giới hạn. Vấn đề bảo đảm an toàn cho người dân đánh bắt cá trong các vùng biển tranh chấp đang nóng dần nếu các bên không có một sự hợp tác thiện chí.

    Trong bốn trở ngại trên, chủ quyền là trở ngại khó khăn nhất, là điều kiện tiên quyết để giải quyết triệt để tranh chấp. Song các bên hoàn toàn có thể hợp tác kiềm chế các xung đột biển, hạn chế phạm vi tranh chấp chủ quyền, giải quyết tranh chấp trên cơ sở Công ước luật biển 1982, tìm kiếm các cơ hội hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển của mỗi nước cũng như của khu vực.

    --------------------------------------------------------------------------------

    [i] Điều 298 (a) UNCLOS

    [ii] "Case concerning sovereignty over Pulau Ligitan and Pulau Sipadan (Indonesia /Malaysia), Judgment of 17 December 2002," From the website of the International Court of Justice (http://www.icj-cij.org/docket/files/102/7714.pdf) (accessed on 22 October 2008) (hereafter Case concerning Pulau Litigan).

    [ii] "Case concerning sovereignty over Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks and South Ledge (Malaysia/Singapore) (Judgment of 23 May 2008)", From the website of the International Court of Justice (http://www.icj-cij.org/docket/files/130/14492.pdf) (accessed on 22 October 2008). (hereafter Case concerning Pedra Blanca). Website International Court of Justice

    [iii] Website International Court of Justice, http://www.icj-cij.org

    [iv] Veronica Uy, "Spratlys Deal part of China's policy of 'shelving disputes'"

    [v] Nguyen Hong Thao, "China's nine broken line in the Bien Dong Sea (South China Sea) in the light of international law", Vietnam News (18/5/1997) p.4

    [vi] Ji Guoxing, "Outer Continental Shelf Claims in the South China Sea: A New Challenge to the China's U shaped line", International Workshop on "Non-Traditional Security Cooperation in the South China Sea, Haikou, 20-22 May 2010.

    [vii] "China, Japan reach principled consensus on East China Sea issue", (18 June 2008). From the website of China View (www.chinaview.cn) ((http://news.xinhuanet.com/english/2008-06/18/content_8394206.htm) (accessed on 22 October 2008) (hereafter China and Japan).

    "Joint Press Conference by Minister for Foreign Affairs Masahiko Koumura and Minister of Economy, Trade and Industry Akira Amari (Regarding Cooperation between Japan and China in the East China Sea)" (Wednesday, June 18, 2008). From the website of the Ministry of Foreign Affairs of Japan (http://www.mofa.go.jp/announce/fm_press/2008/6/0618.html) (3 November 2008).

    [viii]"The new Asian diplomat policy ò China: active management and settlement of the regional disputes", http:// Sina.com.cn 30 September 2010

    [ix] Alfred Hu, "South China Sea, "Troubled waters or sea of opportunity?", Ocean Development and International Law, 41:203-213,2010.

    [x] Ji Guoxing, "Outer Continental Shelf Claims in the South China Sea: A New Challenge to the China's U shaped line", International Workshop on "Non-Traditional Security Cooperation in the South China Sea, Haikou, 20-22 May 2010.

    [xi]Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton tại Hội nghị ARF 17, Hà Nội tháng 7/2010: "Phù hợp với luật tập quán quốc tế, yêu sách hợp pháp vùng biển trong Biển Đông cần phải được bắt nguồn chỉ từ các yêu sách hợp pháp với đất liền và đảo".

    [xii] Permanent Mission of the Republic of Indonesia to the United Nations, Note N. 480/POL-703/VII/10, New York 8 July 2010 with reference to the circulate Note CML/17/2009 of 7 May 2009 addressed to the General Secretary of United Nations by the Permanent Mission of the People's Republic of China to the United Nations http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/...files/.../idn_2010re_mys_vnn_e.pdf, date of access 13 May 2010

    [xiii] Về đường lưỡi bò xin tham khảo Nguyễn Hồng Thao, "Yêu sách đường đứt khúc 8 đoạn của Trung Quốc dưới góc độ luật pháp quốc tế", http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/717-nguyn-hng-thao-yeu-sach-ng-t-khuc-9-on-ca-trung-quc-di-goc-quc-t

    [xiv] Michael Richardson, Energy and Geopolitics in the South China Sea: Implication for ASEAN and the Dialogue Partners, April 2009, Discussion Forum, Institute of Southeast Asian Studies (ISEAS), Singapore, http://www.iseas.edu.sg/aseanstudiescentre/ascdf2.htm.

    Pan Shiying, "The Petropolitics of the Nansha Islands - China's Indisputable legal Case", Economic Information & Agency, July 1996, p. 162.

    [xv] Yaan Huei Song, "Việc áp dụng điều 121 khoản 3 Công ước Luật biển đối với 5 đảo tranh chấp ở Biển Đông", Biển Đông - Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt nam tổ chức tại Hà Nội ngày 26-27/11/2009, Nhà xuất bản Thế giới 2010, tr. 65-90.

    [xvi] R. W. Smith, "Maritime Delimitation in the South China Sea: Potentiality and Challenges", Ocean Development and International Law, 41:214-236, 2010, p. 227.

    See also Van Dyke and Bennett propose a 12-mile territorial sea for rocks in the Spratlys islands (J. M. Van Dyke and D.L. Bennett, "Islands and the Delimitation of Ocean Space in the South China Sea", Ocean Yearbooks, Vol. 10, Edited by Elisabeth Mann Borgese, Norton Ginsburg, and, Joseph R. Morgan (Chicago: The University of Chicago Press, 1993), p. 54); John M. Van Dyke and Robert A. Brooks, "Uninhabited Islands: Their Impact on the Ownership of the Ocean's Resources", Ocean Development and International Law, Vol. 12, Issues 3-4 (1983), p. 265; L. Charney, "Note and Comment: Rocks That Cannot Sustain Human Habitation", American Journal of International Law", N093, 1999, p. 872; Barbara Kwiatkowska and Alfred H.A. Soons, "Entitlement to Maritime Areas of Rocks Which Cannot Sustain Hamuan Habitation or Economic Life of Their Owns", Netherlands Yearbooks of International Law, N021, 1999, p. 167-168; Robert Beckman and Clive Schofield. "Moving Beyond Disputes Over Islands Sovereignty: ICJ Decision Sets Stage For Maritime Boundary delimitation in the Singapore Strait", Ocean Development and International Law, N040, 2009, p. 10; Barry Hart Dubner, "The Spratly Rocks Dispute - A Rockapelago' Defies Norms of International Law", Temple International and Comparative Law Journal, Autuum 1995, p. 304-305; Alex G. Oude Elferink, "The Islands in the South China Sea: How Does Their Presence Limit the Extent of the High Seas and the Area and the Maritime Zones of the Mainland Coasts?", Ocean Development and International Law, N032, 2001, p. 174.

    [xvii] Permanent Mission of the People's Republic of China to the United Nation, New York, Note CML2/2009, Feb 2, 2009 With reference to the Japan's Submission dated of 12 November 2008 to the Commission on Limits of the Continental Shelf concerning the outer limit of continental shelf beyond 200 nautical miles http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/jpn08/chn_6feb09_e.pdf

    date of access 13 May 2009

    [xviii] Permanent Mission of the People's Republic of China to the United Nation, New York, Note CML17/2009, May 7, 2009 With reference to the Joint Submission by Malaysia and the Socialist Republic of Vietnam and dated of 6 May 2009 to the Commission on Limits of the Continental Shelf concerning the outer limit of continental shelf beyond 200 nautical miles http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/chn_2009re_mys_vnm_e.pdf date of access 13 May 2009 and Permanent Mission of the People's Republic of China to the United Nation, New York, Note CML18/2009, May 7, 2009 With reference to the Submission by the Socialist Republic of Vietnam dated of 7 May 2009 to the Commission on Limits of the Continental Shelf concerning the outer limit of continental shelf beyond 200 nautical miles .http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/chn_2009re_vnm.htm date of access 13 May 2009

    [xix] Ma. Paola J. Syyap, "PNOC submits disputed oil exploration to Hose, Website GMA News and Public Affairs

    [xx]BBC, http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/09/080905_viet_protest_china.shtml )

    [xxi] Carlyle A Thayer, Southeast Asia, Patterns of security cooperation, ASPI Australia 2010, p. 33.

    [xxii] BBC, http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/09/100922_china_double_standard.shtml, date of access 25/9/2010.

    [xxiii] "Biểu tình ở Nhật Bản và Trung Quốc về quần đảo tranh chấp", VNExpress, http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2010/10/3ba21baa/, date of access 24 October 2010.

    "Thousands protest in China, Japan over island row", The China Post, http://www.chinapost.com.tw/asia/japan/2010/10/17/276408/Thousands-protest.htm, date of access 24 October 2010.

    [xxiv]"CNOOC to share investment, risk on development of East China Sea" (Xinhua (Updated 2008-06-27). From the website of China Daily (http://www.chinadaily.com.cn/bizchina/2008-06/27/content_6801444.htm) (accessed on 3 November 2008); and, "China's rights over Chunxiao not negotiable" (China Daily) (Updated 2008-06-25]. From the website of China Daily (http://chinadaily.com.cn/bizchina/2008-06/25/content_6794064.htm) (accessed on 3 November 2008).





    Posted by Vietnamnet on December 02, 2010 at 18:44:57:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]