Thứ sáu, ngày 08 tháng 04 năm 2011 | 11:00 (GMT+7) Trung Quốc nhìn lại mác "lợi ích cốt lõi" với Biển Đông Suốt một năm qua, Biển Đông là một trong những vấn đề ngoại giao nhạy cảm nhất giữa Trung Quốc và Mỹ. Căng thẳng gia tăng khi quan chức Mỹ tuyên bố về lợi ích Biển Đông và lập tức được "đối đáp" bằng chính sách ngoại giao Trung Quốc. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, lãnh đạo Trung Quốc dường như đã vui vẻ để vấn đề lắng xuống, có lẽ là vì tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ giữa Bắc Kinh với chính quyền Obama. Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á đã có nhiều năm tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ với Biển Đông. Tháng 7 năm ngoái, khi căng thẳng giữa các bên tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này gia tăng, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đã "liên kết" với những quốc gia Đông Nam Á để đưa ra tuyên bố phản đối Trung Quốc. Tại một hội nghị khu vực ở Hà Nội, bà thẳng thừng tuyên bố Mỹ có "lợi ích quốc gia" tại Biển Đông và rằng Trung Quốc cũng như các nước khác nên tôn trọng thỏa thuận năm 2002 đảm bảo việc giải quyết tranh chấp chủ quyền "bằng các biện pháp hòa bình". Theo giới phân tích, khi ấy, quan chức Trung Quốc thực sự bất ngờ khi Mỹ dính líu tới vấn đề Biển Đông. Một cuộc tranh luận công khai đã nổ ra tại Trung Quốc về chủ điểm này: Liệu Trung Quốc có nên chính thức "nâng cấp" Biển Đông thành "lợi ích cốt lõi", sánh ngang với các vấn đề chủ quyền khác của họ như Tây Tạng, Đài Loan, Tân Cương để có thể biện minh cho sự can thiệp quân sự? Một số quan chức Trung Quốc từng "thả nổi" ý tưởng này vào đầu năm 2010 trong các cuộc trao đổi kín với những người đồng nhiệm Mỹ. Năm ngoái, vài quan chức Mỹ đã nói với báo giới ở Bắc Kinh và Washington rằng, một hoặc nhiều quan chức Trung Quốc đã gắn mác để Biển Đông là một "lợi ích cốt lõi". Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố hay tranh luận, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không đưa ra một chính sách rõ ràng để tuyên bố Biển Đông như vậy, và họ cũng không phủ nhận nó.
"Trung Quốc không có chính sách tuyên bố Biển Đông là một lợi ích cốt lõi", Chu Phong, giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh nói. Bộ Ngoại giao và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc không trả lời câu hỏi về vấn đề này, cho dù nhiều lần được yêu cầu. Michael Swaine, nhà phân tích của Tổ chức Carnegie Endowment, đã có bài nghiên cứu nhìn nhận về việc Trung Quốc gia tăng sử dụng cụm từ "lợi ích cốt lõi". Kể từ năm 2004, quan chức, học giả, các tổ chức tin tức Trung Quốc đã tăng cường sử dụng cụm từ này khi đề capạ tới vấn đề chủ quyền. Ban đầu, cụm từ này nói về Đài Loan, nhưng hiện tại, nó được mở rộng sang cả vấn đề Tây Tạng và Tân Cương - khu vực nhạy cảm phía tây Trung Quốc. Sau khi khảo sát các nguồn in ấn Trung Quốc, ông Swaine kết luận rằng, Trung Quốc không chính thức coi Biển Đông như một "lợi ích cốt lõi". Swaine viết: "Một số khác biệt không chính thức trong quan điểm, cùng với sự tiến thoái lưỡng nan liên quan tới việc nên hay không xác nhận Biển Đông là lợi ích cốt lõi có thể thể hiện khả năng xảy ra bất đồng trong giới lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề này". Tuy nhiên, những điều kể trên không đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã kiềm chế trong tuyên bố chủ quyền. Vào ngày 24/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Dư nói trong một cuộc họp báo rằng: "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với Biển Đông". Mùa xuân năm 2010, một số quan chức Mỹ nói rằng, quan chức Trung Quốc đang thúc đẩy xa hơn "chuẩn mực" tuyên bố chủ quyền, khi gọi Biển Đông là "lợi ích cốt lõi". Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 11 với The Australian, bà Clinton cho hay, ông Đới Bỉnh Quốc - một quan chức ngoại giao cấp cao của chính phủ Trung Quốc, đã nói với bà như thế tại một cuộc gặp thượng đỉnh tháng 5/2010. "Tôi lập tức phản ứng và nói "chúng tôi không chấp nhận như vậy", Ngoại trưởng Mỹ khẳng định cho dù có sự hoài nghi của một số học giả Trung Quốc và Mỹ. Sau đó vào tháng 7/2010, tại một cuộc họp khu vực ở Hà Nội, bà Clinton đã đưa ra tuyên bố chọc giận người Trung Quốc. M. Taylor Fravel, một giáo sư của Học viện Công nghệ Massachusetts - người nghiên cứu về vấn đề lãnh thổ Trung Quốc - cho rằng, động thái của bà Clinton là phản ứng với hàng loạt vụ việc xảy ra ở Biển Đông mà các quan chức Mỹ tin rằng, nó phản ánh sự quả quyết ngày một lớn của Trung Quốc. Sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, bản tiếng Anh của Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc đã đưa ra bài bình luận đầy giận dữ, coi Biển Đông như một lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Tờ báo viết: "Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền của mình để bảo vệ lợi ích cốt lõi với các biện pháp quân sự". Trong khi đó, một số quan chức quân sự cấp cao lại tỏ ra khá thận trọng. Hàn Tô Đông, giáo sư Đại học Quốc phòng viết trên Tạp chí Outlook: "Sức mạnh toàn diện của Trung Quốc, đặc biệt là các khả năng quân sự vẫn chưa đủ để bảo vệ tất cả lợi ích cốt lõi quốc gia. Trong trường hợp này, không phải là ý tưởng hay khi tuyên bố các lợi ích quốc gia cốt lõi". Trang web của Nhân Dân Nhật báo đưa ra kết quả cuộc thăm dò người đọc rằng, bây giờ có phải là lúc dán mác "lợi ích cốt lõi" với Biển Đông. Theo đó, 97% trong gần 4.300 người được hỏi nói "có". Năm 2009, ông Đới từng nói rằng, Trung Quốc có ba lợi ích cốt lõi: duy trì hệ thống chính trị, bảo vệ chủ quyền và thúc đẩy phát triển kinh tế. Giờ đây, một số quan chức Trung Quốc có thể coi Biển Đông và các vấn đề chủ quyền khác thuộc phạm trù "lợi ích cốt lõii". Theo giới phân tích, cuộc tranh cãi trên báo chí dường như phản ánh sự bất đồng của các quan chức Trung Quốc. Tới mùa thu, báo chí được yêu cầu ngừng bàn luận về vấn đề này. "Giờ đây, tôi cho rằng họ đang làm dịu vấn đề vì những rắc rối với Mỹ và ASEAN", Joseph Nye Jr., giáo sư quan hệ quốc tế của Harvard và cựu quan chức Lầu Năm Góc nói. Thụy Phương dịch theo New York Times
|