Tranh cãi Biển Đông: Bài học từ sai lầm của Philipines

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thứ năm, ngày 28 tháng 04 năm 2011 | 10:18 (GMT+7)
    Tranh cãi Biển Đông: Bài học từ sai lầm của Philipines

    Tác giả: Dương Danh Huy

    Những tin tức xuất hiện trong tháng này về việc Philippines phải ngừng công tác nghiên cứu thăm dò tại khu vực Reed Bank (Bãi cỏ rong) thuộc đảo Palawan sau khi bị hai tàu tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu, đã làm rõ hơn khả năng xung đột tại Biển Đông.

    Khi sự quả quyết ngày một lớn của Trung Quốc trong việc theo đuổi chủ quyền ở hầu như toàn bộ Biển Đông là điều rõ ràng, thì thực tế những quốc gia nhỏ hơn trong cuộc tranh chấp gồm Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam - lại chưa tìm được tiếng nói chung hay sức mạnh tập thể, lại càng làm trầm trọng thêm chuyện tìm ra một giải pháp cho vấn đề.

    Đặc biệt là Philippines, đã phạm một số sai lầm chiến lược mà tất cả các bên liên quan có thể rút ra bài học từ đó.

    Lỗi đầu tiên là vào năm 2004, khi Philippines "phá vỡ hàng ngũ" với các quốc gia khác có liên quan và trở thành nước đầu tiên ký một thỏa thuận với Trung Quốc để cùng khảo sát địa chấn tại khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Thỏa thuận này khiến Việt Nam không còn lựa chọn nào khác mà phải miễn cưỡng tham gia, kết quả là Thỏa thuận ba bên về Hợp tác Nghiên cứu Hải dương (JMSU) ra đời năm 2005.

    Nhưng JMSU bị chỉ trích rộng rãi ở chính Philippines và trong năm 2008 - giữa lúc xảy ra các cuộc tranh cãi gay gắt trong nước - Philippines trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố, thỏa thuận JMSU sẽ không được gia hạn sau khi hết hiệu lực. Tuy vậy, do "phá vỡ hàng ngũ" năm 2004, Philippines đã làm xói mòn quan điểm thống nhất của các nước nhỏ hơn trong cuộc tranh chấp Biển Đông.


    Ảnh minn họa: Theo Diplomat

    Sai lầm thứ hai xảy ra vào năm 2009, khi Philippines không đệ trình lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa LHQ (CLCS) hồ sơ liên quan tới thềm lục địa ở Biển Đông. Việt Nam đã đệ trình báo cáo của riêng mình liên quan tới khu vực ở đông nam quần đảo Hoàng sa và một báo cáo chung với Malaysia về khu vực ở tây nam quần đảo Trường Sa. Việt Nam và Malaysia đã mời Philippines tham gia một báo cáo chung, nhưng phía Philippines từ chối.

    Do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông bằng cách đưa ra bản đồ hình chữ U (còn gọi là đường lưỡi bò) và sự vượt trội về cả sức mạnh cứng cũng như mềm của họ, các quốc gia nhỏ hơn có liên quan trong cuộc tranh chấp này cần biết sử dụng luật pháp quốc tế một cách thích hợp.

    Trong nội dung tranh chấp hàng hải, có hai đạo luật đặc biệt quan trọng với các bên tuyên bố chủ quyền.

    Thứ nhất là Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS), trong đó quy định rằng, tuyên bố chủ quyền với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa chỉ bắt nguồn từ các đặc điểm đất liền (chứ không phải từ kiểu lập luận như "chủ quyền lịch sử"). Là một thành viên của UNCLOS, Trung Quốc phải tuân thủ nguyên tắc này.

    Điều thứ hai cần xem xét là tập hợp những quy định trong quá khứ của Tòa án Công lý Quốc tế. Theo đó, các EEZ và thềm lục địa của các quần đảo nhỏ như Hoàng Sa và Trường Sa thường bị coi là không đáng kể so với các khu vực tương tự bắt nguồn từ những đặc điểm đất liền với đường bờ biển dài hơn nhiều. Chắc chắn là, không tòa án quốc tế nào công nhận các EEZ và thềm lục địa của Hoàng Sa và Trường Sa mở rộng vượt quá đường trung tuyến giữa các quần đảo này với những bờ biển xung quanh thuộc Biển Đông.

    Hai đạo luật quốc tế có nghĩa là, các bên tuyên bố chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa phải hạn chế tuyên bố chủ quyền hàng hải liên quan tới hai quần đảo này ở khu vực không vượt quá đường trung tuyến giữa các quần đảo với bờ biển xung quanh thuộc Biển Đông, và không vượt quá 12 hải lý tính từ Hoàng Sa và Trường Sa. Như thế có thể hiểu rằng, bản đồ hình chữ U của Trung Quốc - với tuyên bố chủ quyền hàng hải vượt quá đường trung tuyến - là không hợp lý. Thêm vào đó, thực tế là Hoàng Sa và Trường Sa là những khu vực tranh chấp, và vì thế không nhất thiết thuộc về Trung Quốc. Điều này vì thế sẽ có lợi không chỉ với các quốc gia nhỏ hơn trong cuộc tranh chấp, mà còn với cả các bên thứ ba có quyền lợi ở Biển Đông khi bản đồ hình chữ U của Trung Quốc bị bác bỏ.

    Nếu Philippines hoặc tham gia một báo cáo chung với Việt Nam và Malaysia, hoặc có riêng báo cáo của mình về các khu vực liên quan tới Biển Đông, thì đã góp phần khẳng định nguyên tắc của UNCLOS đối với vùng biển này. Điều này đổi lại đã giúp cho nỗ lực khẳng định sự bất hợp lý về đường bản đồ hình chữ U của Trung Quốc, ví dụ như tăng cường các quyền của Philippines ở khu vực Reed Bank. Đáng tiếc là Philippines không làm cả hai điều này.

    Sai lầm thứ ba là quyết định của Philippines khi đệ trình thư phản đối lên CLCS chống lại báo cáo của Việt Nam cũng như báo cáo chung của cả Việt Nam và Malaysia. Trong thư phản đối, Philippines trích dẫn việc tranh chấp với các đặc điểm đất liền, nhưng lại bỏ qua thực tế là các khu vực hàng hải được tạo ra bởi quần đảo Trường Sa - cấu thành nên vùng biển tranh chấp, lại không đáng kể.

    Điều này có lợi cho phía Trung Quốc theo hai cách.

    Đầu tiên, Trung Quốc không còn là nước duy nhất phản đối báo cáo chung của Việt Nam và Malaysia - Trung Quốc đã có thể bị cô lập trong sự phản đối một báo cáo chung của Việt Nam, Malaysia và Philippines. Nhưng thay vào đó là Trung Quốc và Philippines phản đối Việt Nam và Malaysia.

    Thứ hai, hành động của Philippines có nghĩa là, Trung Quốc không còn là nước duy nhất bỏ qua thực tế rằng, EEZ và thềm lục địa được tạo ra bởi quần đảo Trường Sa không cho phép bất cứ quốc gia nào tuyên bố chủ quyền vùng biển với những giới hạn "tùy hứng".

    Thú vị là, Indonesia sau đó đã đệ trình thư phản đối lên CLCS, chỉ trích sự phản đối của Trung Quốc. Bức thư nhấn mạnh "những đặc điểm hoặc rất xa, hoặc rất nhỏ ở Biển Đông không cấu thành nên vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa riêng", và vì thế, bản đồ đường chữ U của Trung Quốc "rõ ràng là thiếu cơ sở luật pháp quốc tế và tương đương với việc phá vỡ UNCLOS 1982".

    Điều thú vị hơn là thực tế rằng, nếu Trường Sa không có riêng các EEZ và thềm lục địa, hoặc có rất ít các khu vực hàng hải này, Philippines sẽ đứng ở vị trí có lợi nhất so với các nước khác vì sự chồng chéo giữa các khu vực hàng hải do Trường Sa tạo ra hay do đường cơ sở của Philippines tạo ra sẽ được thu hẹp ở mức lớn nhất. Ở đây cũng sẽ không có cơ sở pháp lý cho bất kỳ bên tuyên bố chủ quyền nào với Trường Sa có thể tranh chấp với các quyền của Philippines với khu vực Reed Bank.

    Vậy, cách nào là tốt nhất với các nước nhỏ? Thứ nhất, Philippines nên tham gia cùng Việt Nam, Malaysia và Indonesia trong việc khẳng định Trường Sa không có các EEZ hay thềm lục địa riêng, hoặc ít nhất là có rất ít các khu vực hàng hải này. Mặc dù quan điểm này sẽ không giải quyết được tranh chấp với Trường Sa, nhưng nó có nghĩa là phần lớn không gian hàng hải ở Biển Đông sẽ không phải là "đối tượng" tranh chấp, và sau đó sẽ thuộc về các nước này khi EEZ và thềm lục địa được tạo ra bởi các đường bờ biển và đường cơ sở quần đảo quanh Biển Đông.

    Thứ hai, các nước nhỏ hơn trong cuộc tranh chấp nên bắt đầu tận dụng lợi thế nhóm của mình. Cụ thể là, họ nên ủng hộ việc mỗi bên có quyền có EEZ và thềm lục địa 200 hải lý được tạo ra bởi các đường bờ biển và đường cơ sở quần đảo quanh Biển Đông.

    Một bước đi cụ thể nữa họ có thể thực hiện là đồng thuận với các quyền của Philippines tại khu vực Reed Bank, quyền của Malaysia ở khu vực James Shoal, của Indonesia ở Natuna Sea, và các quyền của Việt Nam ở Vanguard Bank và Nam Côn Sơn. Ở mỗi trường hợp, tiếng nói của năm quốc gia sẽ chống lại tuyên bố đơn độc của Trung Quốc, để dễ dàng thuyết phục quan điểm quốc tế về trường hợp của riêng mình, và góp phần ngăn chặn sự lấn át của Trung Quốc.

    Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam không bao giờ được quên rằng, đoàn kết sẽ đứng vững, bất đồng sẽ sụp đổ.

    Thụy Phương Theo The Diplomat

    Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại. Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, không đại diện cho quan điểm của tòa soạn.





    Posted by Tuần Việt Nam on April 27, 2011 at 23:29:26:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]