Cập nhật: 10:30 GMT - thứ hai, 16 tháng 5, 2011 Việt Nam phản đối Trung Quốc về Biển Đông Việt Nam tuyên bố lệnh cấm đánh bắt tại Biển Đông cũng như hoạt động của tàu ngư chính Trung Quốc là 'vi phạm chủ quyền của Việt Nam'. Trong diễn biến thứ nhất, bắt đầu từ thứ Hai 16/05, Trung Quốc thực hiện lệnh cấm đánh bắt hàng năm tại Biển Đông, kéo dài tới 01/08. Thời hạn cấm đánh bắt năm nay tương tự năm 2010. Lệnh cấm đánh bắt này được áp dụng cho cả các vùng biển chồng lấn mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Phản ứng trước việc này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói đây là hành động "vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm". Bà Nga cũng nói Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc để phản đối. Lý do mà Trung Quốc đưa ra để biện hộ cho lệnh cấm này là để bảo vệ trữ lượng cá tại khu vực kinh tế đặc quyền của Trung Quốc và việc này "đã áp dụng từ lâu theo thông lệ quốc tế". Tuy nhiên Việt Nam nói lệnh cấm của Trung Quốc ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng nghìn ngư dân vì đây là ngư trường truyền thống của Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam cũng lên tiếng phản đối Trung Quốc cấm đánh bắt, nhưng thông điệp năm nay dường như mạnh mẽ hơn khi nói đã "gặp phía Trung Quốc để phản đối". Tàu ngư chính vi phạm chủ quyền Trong khi đó, Trung Quốc thông báo tàu ngư chính Lôi Châu 44261 của Trung Quốc đang có chuyến đi tuần tra vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) từ ngày 05/05-25/05. Việt Nam cũng cử đại diện Bộ Ngoại giao"gặp phía Trung Quốc nêu rõ việc tàu ngư chính Lôi Châu của Trung Quốc đi tuần tra vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa". Chính sách ngoại giao và chiến lược Biển Đông của Việt Nam đang trở nên có hệ thống hơn và thuần thục hơn, ngày càng gây áp lực ngoại giao cho Trung Quốc. Trong các thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, người ta thấy giới chức đã bỏ đi cụm từ "giao thiệp" mà dư luận người dân chỉ trích là yếm thế để chỉ nói ngắn gọn là "gặp để phản đối". Tuy nhiên, chưa thấy các kênh thông tin chính thức cho hay các phản đối này diễn tiến ra sao. Phía Trung Quốc thì đang có nhận định rằng Việt Nam ngày càng mạnh bạo trong việc "phản công" Trung Quốc trên bình diện pháp lý. Trung Quốc Bình luận, hãng thông tấn thân Bắc Kinh đặt ở Hong Kong, vừa có bài của cây viết Trương Trạch Dân, chuyên gia Viện nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, nói năm nay "lời nói và việc làm của Việt Nam trong chủ đề Biển Đông đã không theo thông lệ mọi năm mà tập trung hơn vào việc phản công Trung Quốc trên khía cạnh pháp lý". Tiến sỹ Trương từ viện nghiên cứu đặt trên đảo Hải Nam viết: "Chủ đề Biển Đông có thể trở thành một trong các mục tiêu ngoại giao lâu dài của Việt Nam". Ông nhận xét rằng chính sách ngoại giao và chiến lược Biển Đông của Việt Nam đang trở nên "có hệ thống hơn và thuần thục hơn, ngày càng gây áp lực ngoại giao cho Trung Quốc".
|