Chủ nhật, 29/5/2011, 01:00 GMT+7 - Ông đánh giá như thế nào về việc 3 tàu hải giám của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và cản trở hoạt động của PVN ngày 26/5 vừa qua? - Xét về khía cạnh luật pháp quốc tế, hành động này là sự vi phạm hết sức ngang ngược, trắng trợn Công ước về luật biển 1982 mà Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên. Vùng biển này hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền ven biển của Việt Nam, không liên quan gì tới vùng chồng lấn hay tranh chấp. Trước đây cũng đã có những lần tàu Trung Quốc áp sát, gây khó khăn thậm chí đe dọa cho các tàu thăm dò dầu khí, tàu nghiên cứu khoa học của Việt Nam. - Trong hoàn cảnh các nước ở khu vực tuyên bố không làm phức tạp tình hình biển Đông, hành động này từ phía Trung Quốc cho thấy điều gì? - Thực ra, tôi không ngạc nhiên về việc này. Tùy tình hình, năm nào họ cũng có những hoạt động đơn phương tại các vùng biển mà họ tự cho là "ao nhà" của mình. Nhìn rộng hơn, đây là cả một chiến lược tiến xuống biển Đông có tính toán của Trung Quốc và được triển khai thực hiện trên nhiều phương diện. Chẳng hạn, về phương diện pháp lý, Trung Quốc đã liên tục ban hành các luật, quy định, tuyên bố… ngay từ những năm 1950. Trên phương diện dư luận, họ lợi dụng mọi diễn đàn quốc tế để giành được sự công nhận của quốc tế về chủ quyền trên biển Đông. Về hành chính, họ ban hành hàng năm các lệnh cấm đánh bắt hải sản ở vùng biển hoàn toàn không thuộc chủ quyền của họ…. Năm 2009, khi Việt Nam gửi đăng ký về ranh giới rìa ngoài của thềm lục địa lên Liên Hợp quốc thì Trung Quốc mới chính thức ra một công hàm trong đó lần đầu tiên công bố có "bản đồ đường lưỡi bò". Về các hoạt động quân sự trên thực địa, gần đây họ có các hoạt động ngăn chặn, phá hoại việc nghiên cứu, thăm dò của các quốc gia trong khu vực này như Philippines ở Bãi Cỏ Rong, các vùng thềm lục địa của Việt Nam... Với cách làm đó có thể thấy Trung Quốc đang tính toán những bước tiếp theo để biến tham vọng chiếm 80% diện tích biển Đông thành vùng biển của họ, theo đúng cái mà họ đưa ra bằng "bản đồ đường lưỡi bò". - Theo ông, khi đã tham gia Công ước, tàu Trung Quốc căn cứ vào đâu để cho mình quyền xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam? - Trung Quốc tham gia Công ước và luôn nói rằng tôn trọng Công ước, đàm phán trên cơ sở Công ước. Tuyên bố như vậy nhưng trong thực tế họ lại làm ngược lại. Họ lý luận rằng, họ căn cứ Công ước, vận dụng văn bản này với xuất phát điểm là Hoàng Sa, Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa, Nam Sa) thuộc quyền của họ. Vì thế họ có quyền mở rộng vùng biển quanh các quần đảo này. Rõ ràng về mặt luật biển thì đây là sự vận dụng sai lầm, đầy tham vọng chủ quan. Tôi từng tham gia nhiều hội thảo với các nhà khoa học thì họ đều nói đây là một yêu sách phi lý, không có căn cứ một tiêu chuẩn quốc tế nào để hình thành đường biên giới không rõ ràng. - Vậy với trường hợp cụ thể lần này, khi bị tàu hải giám Trung Quốc cản trở phá hoại, theo ông chúng ta cần làm gì để bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của mình? - Việc Việt Nam kịp thời lên tiếng về ngoại giao, đối nội, đối ngoại để thể hiện chủ quyền như vừa rồi là hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta cũng cần gửi lưu chiểu tại Liên Hợp quốc, công bố tất cả bằng chứng vi phạm này cho cả thế giới biết, đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế, tòa án luật biển của Liên hợp quốc. Còn cụ thể trước hành động xâm phạm chủ quyền, xâm phạm an ninh và phá hoại lợi ích kinh tế, quốc gia ven biển nào cũng đủ quyền để sử dụng sức mạnh tự vệ. Chúng ta có quyền xử phạt các tàu vi phạm, hành xử theo đúng quy định pháp luật. Năm 1988 khi Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm một số bãi cạn trên quần đảo Trường Sa thì hải quân chúng ta đã chiến đấu và hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước. Chủ trương của Việt Nam là hòa bình, nhưng khi chủ quyền bị xâm phạm thì chúng ta có thể dùng mọi biện pháp chính đáng và hợp pháp để bảo vệ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Gần đây, Malaysia hay Philippines cũng đã phải dùng máy bay hoặc các lực lượng vũ trang ra xua đuổi tàu Trung Quốc xâm phạm. Đó là quyền để tự vệ, để đảm bảo an toàn và lợi ích chính đáng của quốc gia. - Theo ông, hành động của Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào đến an ninh của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt các nước chung biển Đông? - Đây là câu hỏi mà nhiều nước suy nghĩ khi Trung Quốc liên tục có nhiều hành động để biến tham vọng của mình thành sự thực. Điều đó gây ảnh hưởng và đe dọa không chỉ đến an ninh, quốc phòng chiến lược quân sự mà còn về mặt kinh tế, dân sự của các nước trong khu vực. Đó là chưa kể nó sẽ ngày càng gây cản trở đối với một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất trên thế giới qua biển Đông. Tôi cho rằng, các nước trong khu vực cần có tiếng nói thống nhất trước những hành động hết sức trắng trợn lần này của Trung Quốc. Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc quy định rõ phạm vi, quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển cũng như vùng biển quốc tế. Theo điều 76 của công ước, thềm lục địa của quốc gia ven biển có chiều rộng tối thiểu 200 hải lý (mỗi hải lý bằng 1.852 mét). Nguyễn Hưng thực hiện Posted by VnExpress on May 29, 2011 at 06:43:18:
|