Báo TQ Tố VN Dựa Thế Mỹ Táo Bạo Chống TQ VIETNAM (Tổng hợp) -- Sau vụ hàng ngàn người xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo Việt Nam tại Hà Nội và Sài Gòn vào Chủ Nhật, ngày 5 tháng 6 năm 2011 vừa qua, chính quyền Bắc Kinh rất phẫn nộ về việc Hà Nội không ngăn cản nổi các cuộc biểu tình dù trước đó họ đã ép chính quyền Việt Nam phải làm vậy. Chình vì vậy, truyền thông nhà nước Trung Quốc rầm rộ tố cáo Việt Nam ngày càng tỏ ra cứng đầu vì ỷ lại Mỹ, theo bản tin của đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) hôm Thứ Ba, 7-6, cho biết như vậy. Bản tin đài VOA viết rằng, Lời cáo buộc này được đưa ra sau khi giới hữu trách Việt Nam khẳng định giữ vững lập trường trong vụ tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và quyết định tiếp tục cho tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia ra khơi, cộng với cuộc biểu tình hiếm hoi của hàng trăm người ở Việt Nam hôm cuối tuần qua nhằm phản đối những hành động của Trung Quốc mà họ gọi là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Bản tin của VOA nói rõ là tờ báo lên tiếng cáo buộc Việt Nam chống TQ nói trên là tờ Văn Hối, tờ báo quốc doanh Trung Quốc có trụ sở tại Hồng Kông. Theo bản tin đài VOA cho biết, Tờ báo có tên Văn Hối, một tờ báo của chính phủ Trung Quốc có trụ sở ở Hong Kong, nói rằng Việt Nam đã được Hoa Kỳ khuyến khích để hành động 'một cách táo bạo hơn'. Điều thú vị là cũng theo bản tin trên đài VOA, trích thuật lời của một chuyên gia quân sự Trung Quốc là Bành Quang Khiêm dọa Việt Nam rằng, Hà Nội không nên tiếp tục khiêu khích Trung Quốc và cảnh báo rằng Washington sẽ bỏ rơi Việt Nam nếu lợi ích của họ bị ảnh hưởng. Bài báo cũng nói rằng Việt Nam nên nhớ câu nói 'Một đứa trẻ không vâng lời sẽ bị đánh đòn'. Trong khi đó một bản tin khác trên trang mạng của đài tiếng nói Quốc Tế Pháp ban Việt Ngữ (RFI) cho biết rằng phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi lên tiếng yêu cầu Việt Nam nỗ lực làm giảm căng thẳng trên Biển Đông. Bản tin RFI trích thuật lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao TQ Hồng Lỗi lập lại lời khẳng định chủ quyền của TQ trên Biển Đông, nói rằng, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi được trên quần đảo Trường Sa và các vùng biển xung quanh". Mặt khác trên trang mạng của báo Global Times hôm Thứ Ba, 7-6, viết rằng việc hàng trăm người Việt Nam tụ tập trước Tòa Đại Sứ Trung Quốc tại Hà Nội hôm Chủ Nhật để đòi Trung Quốc tránh xa vùng biển Việt Nam, mà theo một học giả Trung Quốc cho biết là nguy cơ tạo bất hòa cho mối quan hệ hai nước Trung Việt. VIỆT NAM (TH) – Lại thêm một hành động gấy hấn của Trung Quốc trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam khi chiếc tàu thăm dò Viking 2 của Petro Việt Nam bị tàu Trung Quốc cắt đứt cáp thăm dò. Theo truyền thông Việt Nam, ‘Vào lúc 6g ngày 9-6-2011, tàu cá Trung Quốc được sự yểm trợ của hai tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 311 và 303 đã lại vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam và cố tình phá cáp của tàu Viking 2 thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam.’ Tàu Viking 2 của Việt Nam. (Hình: PetroVietnam) Vụ tàu Viking 2 xảy ra chỉ vài ngày sau vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 hôm 26 tháng 5, khiến cho dư luận Việt Nam phẫn nộ và nổ ra hai cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn và Hà Nội. Khác với lần trước, Trung Quốc sử dụng tàu “hải giám” tức tàu tuần biển dân sự cắt cáp của tàu thăm dò của Việt Nam, lần này họ dùng tàu đánh cá nhưng với sự bảo vệ của hai tàu kiểm ngư lớn hơn, mạnh hơn và có cả máy bay hỗ trợ. Phát ngôn Bộ Ngoại Giao Hà Nội, Nguyễn Phương Nga, nói trong cuộc họp báo hôm Thứ Năm rằng: “Vào lúc 6 giờ ngày 9 tháng 6, 2011, trong khi tàu Viking II do Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam thuê đang tiến hành thu nổ địa chấn 3D lô 136/03 (tọa độ 6 độ 47’5” Bắc và 109 độ 17’5” Ðông) tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam, thì tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 62226 được sự yểm trợ của hai tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 311 và 303 đã chạy ngang qua mũi tàu Viking II sau đó đổi hướng và gia tăng tốc độ.” Bản tin TTXVN ngày 9 tháng 6, 2011 viết như vậy và kể tiếp rằng: “Mặc dù phía Việt Nam đã phát pháo hiệu cảnh báo nhưng tàu 62226 vẫn cố tình lao vào tuyến cáp khảo sát của tàu Viking II và bộ phận cắt cáp chuyên dụng của tàu 62226 đã mắc vào tuyến cáp của tàu Viking II, làm cho tàu Viking II không thể hoạt động bình thường. Tiếp đó, hai tàu ngư chính 311 và 303 cùng với nhiều tàu cá khác của Trung Quốc đã vào giải cứu cho tàu 62226.” Bản tin TTXVN xác định “khu vực hoạt động thu nổ địa chấn nói trên của tàu Viking II nằm trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.” Bà Nga cáo buộc trong buổi họp báo là “hành động nói trên của các tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc là hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng, đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), đi ngược lại nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước về việc duy trì hòa bình, ổn định tại biển Ðông, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế đối với Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam.” Bản tin TTXVN lập lại lời bà Phương Nga tố cáo Bắc Kinh hồi tuần trước là “nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, thực hiện mục tiêu biến yêu sách ‘đường chín đoạn’ của Trung Quốc thành hiện thực. Ðây là điều phía Việt Nam không thể chấp nhận.” Ngày 26 tháng 5 tàu “hải giám” tức tàu tuần biển dân sự của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam. Việt Nam đã đưa công hàm phản đối. Lần này, thay vì sử dụng tàu của chính phủ thì Trung Quốc lấy một tàu đánh cá để gây sự. Lần trước, yểm trợ cho tàu hải giám chỉ là 2 tàu “hải giám” khác. Nhưng lần này, tàu đánh cá được điều động và yểm trợ với tàu “ngư chính” to hơn, võ trang ra mặt dù cũng là thuộc “dân sự.” Các hành động gây hấn này không phải bằng tàu hải quân nên Lương Quang Liệt, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã có cớ để chối rằng đám quân sự không dính vào các trò này. Trong khi đó, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc luôn luôn lên tiếng đe nẹt là Việt Nam hoạt động bất hợp pháp trên khu vực thuộc chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh. Không thấy các lời phát biểu của họ nêu ra “Ðường Lưỡi Bò” nhưng người ta hiểu các hành động của họ khi ngăn cản tác tàu khảo sát của Việt Nam, Phi Luật Tân và ngay cả tàu chiến Indonesia đều dựa trên cái sự tuyên bố chủ quyền ngang ngược đó. Cả phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam và phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đều đưa ra những lời tuyên bố ngược nhau về “nhận thức chung” của các “lãnh tụ cấp cao” hai nước về chủ quyền và biên giới lãnh thổ cho người ta cảm tưởng quen thuộc là các lời tuyên bố đó hay ngay cả các văn bản thỏa thuận đều có từ ngữ lơ lửng để anh nào diễn tả theo cái kiểu “thắng lợi” của mình. Trong hoàn cảnh này, Trung Quốc đã sử dụng cái thế của kẻ mạnh, phương tiện dồi dào để lấn sân mà có thể, tới khi phải ngồi vào bàn họp, Việt Nam phải chịu nước lép. Tin công bố trên một số báo chí trong nước gần đây cho thấy, Việt Nam cử tới 8 tàu tuần để bảo vệ cho tàu Viking II. Ðể cản trở, Trung Quốc đã dùng tàu “ngư chính” to hơn, trang bị dữ dằn hơn chưa kể một số tàu đánh cá ngụy trang khác, có thể cả chiến hạm đậu xa xa, nên 8 “tàu bảo vệ” của Việt Nam đã không ngăn cản nổi, đến nỗi vẫn bị phá. Khi muốn bắt giữ “tàu đánh cá” đưa về bờ thì cũng không bắt nổi trước sự can thiệp của các tàu ngư chính và những tàu khác. Chi tiết vụ lộn xộn này không thấy được tường thuật bằng hình ảnh video đủ để người ta hiểu diễn tiến sự việc. Người ta chỉ có thể hiểu vụ việc đã trầm trọng hơn trước khá nhiều và chưa biết sẽ tới đâu, nhất là khi có lời tuyên bố của các ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước, và ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng. Trong cùng một ngày, ông Triết đi thăm dân ở huyện đảo Cô Tô thuộc tỉnh Quảng Ninh, ông Dũng đi dự “Ngày đại dương thế giới (8 tháng 6) và Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2011 (từ 1 tháng 6 đến 8 tháng 6) tại thành phố Nha Trang.” Ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: “Tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.” Ðồng thời, ông khẳng định: “Nhân dân Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình.” Còn ông Triết thì nói: “Chúng ta mong muốn các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc luôn hòa bình, hữu nghị, ổn định, nhưng chúng ta cũng quyết tâm làm hết sức mình để bảo vệ vùng biển, đảo của đất nước. Biết bao thế hệ đã hy sinh xương máu để có được Tổ quốc như ngày hôm nay. Vì vậy chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng tất cả để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.” Tờ báo điện tử VNExpress khi thuật tin tàu Trung Quốc lại kiếm chuyện với tàu dò dầu khí của việt Nam đã mượn lời “Giới phân tích Việt Nam cũng như quốc tế nhận định rằng các hành động quấy rối liên tục này là phép thử của Trung Quốc nhằm đo đếm phản ứng của các bên tranh chấp, nhằm tiến tới hiện thực hóa yêu sách đường 9 khúc hay ‘đường lưỡi bò’ vô lý của họ.” Ai sẽ kiên nhẫn hơn ai, ai sẽ chịu thua ai trong trận chiến giữa anh khổng lồ láng giềng và anh tí hon, những ngày tới có thể rõ hơn. (TN) Hà Nội, Sài Gòn biểu tình chống Trung Quốc (Saturday, June 04, 2011 10:22:46 PM) Một cuộc cách mạng lớn (Sunday, June 05, 2011 5:52:05 PM) Hoa Kỳ đưa chiến hạm vào biển Ðông (Wednesday, June 08, 2011 7:23:21 PM) TQ cảnh cáo Đông Nam Á: 'Ngưng tìm dầu ở Trường Sa' (Thursday, June 09, 2011 7:07:56 PM) Hacker TQ tấn công 1,500 trang web VN (Thursday, June 09, 2011 7:58:52 PM)
|