Chủ Nhật, 12/06/2011 - 11:10 “ASEAN sẽ buộc Trung Quốc tuân thủ những cam kết về Biển Đông” Hải quân Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Ngay từ những năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký kết Tuyên bố Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) - một tuyên bố về cách hành xử ở Biển Đông, trong đó cả hai bên cam kết sẽ không dùng đến vũ lực. Cuối năm ngoái, trong cuộc họp nhóm làm việc hỗn hợp Trung Quốc - ASEAN bàn về việc triển khai DOC, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã tuyên bố chính quyền Bắc Kinh và các nước ASEAN cam kết sẽ duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực biển Biển Ðông. Thông cáo từ Bắc Kinh cho hay tất cả các bên tại cuộc họp này nhấn mạnh tầm quan trọng của DOC đồng thời cam kết biến Biển Đông thành một khu vực hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Nhưng ngay sau đó, Ðô đốc Robert Willard, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, nhận định rằng Trung Quốc đang xúc tiến triển khai hệ thống tên lửa “chống tàu sân bay”. Vị chỉ huy này cũng nhận định rằng Trung Quốc nhắm mục tiêu trở thành một cường quốc quân sự toàn cầu bằng cách mở rộng ảnh hưởng ra “bên ngoài lãnh hải khu vực”, ngoài những vùng biển mà Bắc Kinh hiện đặt trọng tâm, trong đó có Biển Đông. Mặc dù Trung Quốc cho rằng họ luôn tôn trọng hòa bình tại vùng Biển Đông, những động thái có tính khẳng định một cách mạnh mẽ chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực này khiến nhiều quốc gia trong khu vực e ngại. Nhận định về vai trò của ASEAN trong việc hòa giải các vụ tranh chấp lãnh thổ này, Giáo sư Carl Thayer thuộc Ðại Học New South Wales (Australia) - một chuyên gia nghiên cứu quân sự kiêm giám đốc diễn đàn Nghiên Cứu Quốc Phòng, cho biết Indonesia, với tư cách là chủ tịch ASEAN đã có những bước đi chủ động. Theo ông, Indonesia sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 10 tới với sự có tham gia lần đầu tiên của Mỹ. Điều này sẽ giúp ASEAN có thêm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, buộc Trung Quốc phải tuân thủ theo những ký kết của mình. Trong tuyên bố mới nhất từ Nhà trắng, Mỹ đã kêu gọi giải quyết các căng thẳng trên Biển Đông bằng giải pháp hòa bình. “Mỹ và cộng đồng quốc tế nói chung đều quan tâm đến việc duy trì an ninh hàng hải trong khu vực, để bảo đảm sự tự do lưu thông, phát triển kinh tế và tôn trọng công pháp quốc tế”, người phát ngôn Nhà trắng hôm 10/6 nói. Cuối tuần trước, tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng đã cảnh báo là xung đột có thể bùng nổ trên Biển Đông, trừ phi các quốc gia tranh chấp chủ quyền thông qua một cơ chế giải quyết một cách hòa bình. Hải quân Mỹ cũng vừa triển khai tàu USS Chung-Hoon, một khu trục hạm có trang bị tên lửa, đến khu vực Biển Đông và Biển Sulu (tây nam Philippines ) trong tuần này để kiểm tra việc thực hiện quyền tự do lưu thông hàng hải tại các vùng biển này. Về mặt chính thức, theo thông báo của đại sứ quán Mỹ ở Manila, USS Chung-Hoon là một trong những chiến hạm của Hải quân Mỹ được mời tham gia cuộc tập trận thường niên Mỹ-Philippines trong khuôn khổ hiệp định quốc phòng song phương. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Manila Harry Thomas Jr. vừa lên tiếng bảo đảm là Mỹ sẽ yểm trợ Philippines “chống lại mọi đe dọa đối với an ninh của nước này”. Nguyễn Viết
|