Cập nhật: 11:14 GMT - chủ nhật, 26 tháng 6, 2011 Việt - Trung 'đồng ý giải quyết tranh chấp' Tiếp tục diễn ra biểu tình chống Trung Quốc trong tuần lễ thứ tư liên tiếp ở Việt Nam, trong khi Hà Nội và Bắc Kinh cho hay hai bên đã đạt thỏa thuận 'đồng ý giải quyết tranh chấp biển đảo", theo hãng tin Reuters hôm Chủ Nhật. Tại Hà Nội, các hãng truyền thông quốc tế ghi nhận nhiều người biểu tình đã diễu hành qua các đường phố ở Thủ đô với các khẩu hiệu, băng cờ "phản đối Trung Quốc" và yêu cầu chính quyền nước này "chấm dứt vi phạm lãnh hải" của Việt Nam tại khu vực Biển Đông đang diễn ra tranh chấp, căng thẳng thời gian gần đây. Hôm Chủ Nhật, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tại cuộc họp ngoại giao ở Bắc Kinh diễn ra giữa Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Hồ Xuân Sơn, và Ủy viên Nhà nước, quan chức cao cấp ngoại giao, Đới Bỉnh Quốc, phía Trung Quốc cho rằng "tranh chấp phải được giải quyết thông qua thương lượng." Trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 26 tháng Sáu, được Reuters trích thuật, thông báo trước đó Thứ trưởng Sơn cũng đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc, Dương Khiết Trì, và cho hay hai bên nhất trí "giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển thông qua đàm phán và tham vấn một cách hữu nghị." Hai bên đồng ý tăng cường định hướng dư luận nhằm tránh có những lời lẽ và hành động vốn có thể gây phương phại tới quan hệ hữu nghị và tin tưởng lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã của Trung Quốc cùng ngày cũng dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao nước này cho hay "hai bên đồng ý tăng cường định hướng dư luận nhằm tránh có những lời lẽ và hành động vốn có thể gây phương phại tới quan hệ hữu nghị và tin tưởng lẫn nhau giữa nhân dân hai nước." "Các phát triển lành mạnh và bền vững trong quan hệ Trung - Việt cần hài hòa với những lợi ích cơ bản và các nguyện vọng chung của nhân dân hai nước và đồng thời cũng dẫn tới hòa bình, ổn định và phát triển khu vực," vẫn theo Tân Hoa Xã. Trong khi đó, tại Hà Nội, truyền thông nước ngoài tường thuật một cuộc biểu tình với nhiều tầng lớp dân cư tham gia, mà đa số trong đó là thanh niên, đã tụ tập gần Đại sứ quán Trung Quốc. Khoảng một trăm người biểu tình sau khi "hô to các khẩu hiệu" phản đổi hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông và "đòi chủ quyền" của Việt Nam tại khu vực tranh chấp, đã chuyển sang diễu hành qua các khu phố ở trung tâm thủ đô, theo hãng tin AP. Chưa rõ tác động?
Hiện chưa rõ thỏa thuận mà Thứ trưởng Việt Nam đạt được với các đối tác Trung Quốc tại Bắc Kinh, đặc biệt trong một chuyến thăm không diễn ra ở một quốc gia thứ ba hoặc bên lề một hội nghị quốc tế, đa phương này, sẽ tác động ra sao tới dư luận và làn sóng biểu tình chống Trung Quốc của người dân Việt Nam ở trong nước, như đã diễn ra trong mấy tuần qua. Tuy nhiên, giới quan sát có thể cho rằng nếu các lời lẽ thông báo của Bắc Kinh trong cuộc gặp là 'nghiêm túc' thì rõ ràng các diễn biến của dư luận quốc tế, các hội nghị đa phương, cũng như thái độ của truyền thông, dư luận quần chúng trong nước, hải ngoại và sự chuyển hướng của chính phủ ở một số quốc gia có tranh chấp chủ quyền biển đảo với TQ như VN, Philippines, đã có những tác động nhất định. Tuần trước hải quân Việt Nam cho hay đã tiến hành tuần tra chung trên biển với lực lượng của Trung Quốc, sau khi Hà Nội tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở bờ biển miền Nam Trung Bộ. Về phần mình, Trung Quốc đã yêu cầu Hoa Kỳ không can thiệp vào các tranh chấp của Biển Đông mà theo quan điểm của Bắc Kinh là "chỉ có thể làm xấu thêm tình hình," trong khi thông báo tăng cường hải quân, lực lượng và các hoạt động hải giám, tuần duyên ở khu vực này. Hoa Kỳ có những nguyên tắc mạnh mẽ được thiết lập lâu dài về việc duy trì tự do hàng hải, thương mại tự do và không bị cản trở pháp lý cũng như duy trì hòa bình và ổn định Nhà ngoại giao này cũng nhắc lại rằng: "Hoa Kỳ có những nguyên tắc mạnh mẽ được thiết lập lâu dài về việc duy trì tự do hàng hải, thương mại tự do và không bị cản trở pháp lý cũng như duy trì hòa bình và ổn định" trong khu vực. Hãng AP trong bản tin hôm Chủ Nhật nhắc lại lập trường của Hoa Kỳ nói rằng Biển Đông, nơi có tuyến đường biển quan trọng, là lợi ích quốc gia của nước này. Tuần trước, Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tôn trọng hiệp ước phòng thủ chung với đồng minh của mình là Philippines. Bà cũng cho biết Washington sẵn sàng hỗ trợ một quá trình hợp tác ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean), vốn từng nỗ lực xây dựng một khung quy tắc ứng xử với Trung Quốc. Về phần mình, Bắc Kinh luôn khẳng định tất cả các tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết song phương với từng nước láng giềng châu Á của mình, mà không nên quốc tế hóa hay đa phương hóa.
|