Mỹ-Philippines chuyển “mặt trận hợp tác” vì Trung Quốc?

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Chủ Nhật, 26/06/2011 - 08:36

    Mỹ-Philippines chuyển “mặt trận hợp tác” vì Trung Quốc?

    (Dân trí) - Từ khởi đầu là một cuộc chiến chung chống khủng bố, Mỹ và Philippines giờ đây đang chuyển dịch sang mặt trận hợp tác khác: kiềm chế những hành động gây hấn của Trung Quốc ở vùng biển quốc tế - trang mạng Asia Times nhận định.


    Tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton sắp được hải quân Mỹ giao cho hải quân Philippines.
    Theo tờ Asia Times, trong một hành động có thể là “khúc dạo đầu” cho nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, hải quan Mỹ và Phillipines sẽ bắt đầu cuộc diễn tập từ ngày 28/6 đến 8/7 ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Palawan, phía tây thủ đô Manila.

    Mỹ sẽ triển khai 3 tàu chiến - USS Chung-Hoon, USS Howard và USNS Safeguard - trong khi Philippines có 4 tàu chiến, do Mỹ sản xuất, tham gia. Cuộc tập trận còn có sự góp mặt của hàng trăm lính thuỷ đánh bộ đã từng tham chiến của cả hai bên.

    Các cuộc tập trận chung, một phần của liên minh quân sự Mỹ-Philippines, diễn ra giữa lúc có tin Trung Quốc sẽ lần đầu tiên cho chạy thứ tàu sân bay đầu tiên của nước này trước khi xung vào lực lượng hải quân vào cuối năm nay.

    Trước đó, Trung Quốc đã cử tàu hải giám lớn nhất ra Biển Đông trong một động thái mà những người chỉ trích miêu tả là “chính sách ngoại giao pháo hạm” để khẳng định những đòi hỏi “lịch sử” đối với chuỗi đảo ở Trường Sa, sau khi đã khai mào cuộc đấu khẩu với cả Việt Nam và Philippines.

    Phản ứng lại, Philippines cũng phái tàu chiến lớn nhất - chiếc RP Rajah Humabon do Mỹ sản xuất - đi tuần tra khu đặc quyền kinh tế của nước này.

    “Nếu họ tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ tấn công lại”, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng Vũ trang Philippines (AFP), tướng Eduardo Oban nói, ám chỉ đến những hành động xâm nhập của tàu Trung Quốc vào vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

    Các lực lượng Vũ trang Philippines đã ghi nhận ít nhất 7 vụ Trung Quốc xâm nhập vào vùng đảo mà Philippines khẳng định chủ quyền kể từ tháng 2 năm nay. Chính phủ Philippines đã thông báo kế hoạch kiện Bắc Kinh lên Liên hợp quốc. “Tại sao đây lại là một vụ tranh chấp nếu chúng ta tuân theo luật pháp quốc tế”, Tổng thống Benigno Aquino nói với báo giới về hành động xâm nhập bất hợp pháp của tàu Trung Quốc.

    Những tuyên bố trên được Manila đưa ra sau khi Washington bảo đảm sẽ tôn trọng hiệp ước quân sự hai bên ký kết từ năm 1951, trong đó thoả thận sẽ hỗ trợ nhau trong trường hợp bị tấn công từ bên ngoài.

    “Philippines và Mỹ là các đồng minh chiến lược. Chúng ta là những đối tác. Chúng ta sẽ tiếp tục tham vấn và hợp tác với nhau trong tất cả các vấn đề, kể cả vấn đề Biển Đông”, đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Harry Thomas mới đây tuyên bố.

    Hiệp ước này sẽ được điều chỉnh trong cuộc gặp các quan chức quân sự hàng đầu của hai bên vào tháng 8 tới ở Hawaii. Đứng đầu trong chương trình nghị sự sẽ là cuộc thảo luận về những động thái “chứng tỏ” của Trung Quốc và việc trong tương lai, Mỹ cùng các đồng minh phải phản ứng như thế nào.

    Cuộc họp cũng được dự kiến sẽ thảo luận về khả năng lực lượng Mỹ tái hiện diện tại các căn cứ quân sự cũ của Mỹ ở Philippines - ở Subic và Clark, mà Mỹ đã rút khỏi từ năm 2001, sau khi Manila từ chối xem lại thoả thuận cho thuê với Washington.

    Như vậy là giờ đây, những khu vực kinh tế, các cảng biển và sân bay do Mỹ xây dựng ở Subic và Clark, có thể mang tầm quan trọng chiến lược - kể cả giữa lúc gia tăng căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông và với mục đích của Washington mở rộng hơn gọng kìm kiềm chế sự nổi lên chiến lược của Trung Quốc.

    Mặc dù Manila vẫn hy vọng tranh cãi lãnh thổ với Trung Quốc có thể được giải quyết thông qua ngoại giao, nhưng nước này sẽ không bỏ lỡ các cơ hội khác. Chính phủ của Tổng thống Benigno Aquino gần đây đã tăng cường mua khí tài theo chương trình của Mỹ bán vũ khí cho quân đội nước ngoài.

    Trong tháng 8 năm nay, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ sẽ giao cho Manila tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton để giúp Hải quân Philippines tăng cường bảo vệ hải phận. Tàu Hamilton sẽ thay thế tàu Raja Humabon của Hải quân Philippines - tàu khu trục hộ tống lớp Cannon, được coi là một trong những chiến hạm cũ nhất thế giới. Hamilton dài 115 mét, được trang bị 2 động cơ, hoặc tuabin khí, có khoang chứa máy bay. Hamilton cũng là loại tàu lớn nhất hiện được lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ sử dụng

    Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuần này đã đến Washington để vận động Mỹ trang bị cho thêm nhiều tàu chiến và thiết bị quân sự. Trong cuộc họp báo chung với ông Albert del Rosario hôm 23/6, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hilary Clinton cam kết hỗ trợ Philippines và khẳng định đang tìm kiếm phương cách tốt nhất để Washington có thể cung cấp cho Manila những phương tiện mà quốc gia đồng minh ở Đông Nam Á này cần.

    Danh sách những vũ khí mà Philippines muốn từ Mỹ gồm các tàu khu trục, máy bay chiến đấu, máy bay tuần tra, tàu cứu hộ và khảo sát, máy bay vận tải...

    Ông Aquino trước đó cảnh báo Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đang ở thăm về khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang do căng thẳng ở Biển Đông. Nhưng giới phân tích cho rằng mối quan hệ chiến lược khăng khít hơn với Mỹ cũng có thể dẫn đến nguy cơ chính trị đối với ông Aquino, người trước đây luôn cố cân bằng một cách cẩn trọng chính sách giữa Mỹ và Trung Quốc.

    Nguyễn Viết
    Theo Asia Times, ABC



    Posted by Dân Trí on June 26, 2011 at 11:00:16:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]